Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành: Đưa TP.HCM “thoát mác” đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tập trung triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.
Trong thông báo số 203/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành, đặc biệt có thể triển khai đồng thời các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị thủ tục đầu tư nhưng phải bảo đảm chặt chẽ về pháp lý.
Quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 9
Để hoàn thành dự án đúng tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xem xét, thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh hướng tuyến, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo trên cơ sở những đề nghị trước đó của UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đắk Nông.
Phó Thủ tướng đồng ý có thể triển khai đồng thời các thủ tục điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị thủ tục đầu tư, tuy nhiên phải bảo đảm chặt chẽ về pháp lý, quy trình thủ tục theo quy định.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đề xuất khẩn trương chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền trong tháng 8/2022 để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong tháng 9.
Có thể bạn quan tâm |
Trước sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo nhà nước về dự án cao tốc này, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Hiện nay quốc lộ 14 là tuyến đường huyết mạch duy nhất kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM. Để phá thế “độc đạo” về giao thông và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, cũng như khu vực Tây Nguyên thì việc triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước là hết sức cần thiết.
Đồng quan điểm, ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông cho rằng: Với tổng chiều dài khoảng 140km; đi qua các tỉnh và nhiều nút thắt giao thông quan trọng, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) khi đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội giúp kết nối giao thông liên vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ và TP.HCM, tạo động lực cho 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước phát triển.
Đưa TP.HCM “thoát mác” đô thị tắc nghẽn
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định, TP.HCM là đô thị lớn nhất nhưng tất cả các cửa ngõ của thành phố đều rất ách tắc, chưa đột phá thành những đường cao tốc kết nối trung tâm thành phố với các tỉnh, thành.
“Bản thân trong thành phố đang ùn tắc giao thông nghiêm trọng, chúng ta thiếu các đường trục Bắc-Nam, Đông-Tây mang tính chất là đường trục chính để đáp ứng nhu cầu vận tải. Nếu tình hình này không cải thiện được chắc chắn TP.HCM sẽ trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, thậm chí là khu vực Đông Nam Á”.
Trên thực tế, thực trạng giao thông của vùng Đông Nam Bộ, vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng TP.HCM hiện nay đang là vấn đề cấp bách. Ông Thể kỳ vọng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53 sẽ có những giải pháp tập trung toàn bộ các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông. Nếu không làm được điều này thì đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ chậm dần và có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Ông cũng tiết lộ, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã tham mưu Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng và dự tính sẽ chi ra khoảng 120.000 tỷ đồng từ ngân sách để triển khai một số dự án lớn. Đặc biệt, Thủ tướng cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư vào một số tuyến cao tốc theo hình thức đối tác công tư.
Từ đó, ông đưa ra đề xuất trong thời gian tới đây, TP.HCM nên tích cực thông tuyến Vành đai 2. Riêng Vành đai 3 sẽ phối kết hợp quyết liệt để đến năm 2025 hoặc 2026 hoàn thành 98km kết nối các tỉnh trong vùng… Tuy nhiên đặc biệt chú ý đến các tuyến cao tốc: TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Long Thành, TP.HCM - Chơn Thành - Gia Nghĩa,...
Tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 140km, chi phí đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, do hai “ông lớn” Vingroup-Techcombank đề xuất và đã được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho hai đơn vị này chủ trì lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông (38km từ Gia Nghĩa đến ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông-Bình Phước), tỉnh Bình Phước (102 km từ ranh giới 2 tỉnh Đắk Nông-Bình Phước đến Chơn Thành); điểm đầu tại khu vực TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành-Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của cao tốc TPHCM-Chơn Thành. |
Có thể bạn quan tâm