Thách thức từ hội nhập quốc tế với chuỗi cung ứng ngắn Việt Nam
Bên cạnh những giá trị tích cực đã và đang mang lại, hội nhập quốc tế cũng được cho còn tạo ra nhiều thách thức, tác động đến chuỗi cung ứng ngắn của Việt Nam…
>> Chuỗi cung ứng ngắn – “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian phân phối
Được cho là “cây gậy thần” giảm tối đa các tác nhân trung gian để mang lại ích cho cả người tiêu dùng, người sản xuất và xã hội trên các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội, phổ biến ở các nước phát triển, thế nhưng, cho đến nay chuỗi cung ứng ngắn vẫn còn là khái niệm mới mẻ và chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam.
Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng giá cả hàng hóa “lên nhanh xuống chậm” theo giá xăng dầu, và đặc biệt là quy trình đi từ sản xuất đến tiêu thụ lẻ phải qua nhiều khâu trung gian, cộng với chiết khấu cao vô lý khi gửi hàng vào một số siêu thị vẫn diễn ra nhưng chưa được khắc phục dẫn tới những hệ lụy tiềm ẩn, trong đó đáng quan ngại là sự gia tăng lạm phát đang dần hiện hữu.
Việc xây dựng chuỗi cung ứng ngắn, ngoài việc giảm chi phí, thông qua cắt giảm số lượng trung gian từ người sản xuất nông nghiệp đến khách hàng, tạo ra một môi trường bên ngoài tích cực và trên tất cả, thúc đẩy các khu vực địa phương phát triển sản phẩm nông sản của mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với những sản phẩm nông nghiệp sạch do chính địa phương của mình làm ra.
Đặc biệt, để phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống cần phải thúc đẩy gắn kết cả 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và kinh tế số; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp thì chuỗi ngắn là một mô hình đầy tiềm năng.
Trước đó, Cuối năm 2020 Thủ tướng - Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã yêu cầu ngành nông nghiệp phải biến nguy thành cơ, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cùng khẩu hiệu: “Trước khi chúng ta đặt một hạt giống xuống thì phải hỏi tiêu thụ ở đâu, ở thị trường nào chứ không thể sản xuất một sản phẩm mà thị trường không cần”.
>> Chuỗi cung ứng ngắn "kéo” doanh nghiệp gần hơn với nông dân
Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển cho nền kinh tế, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức, đặc biệt là những tác động đến chuỗi cung ứng ngắn.
Cụ thể, việc hội nhập quốc tế và khu vực là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế nhanh, kim ngạch xuất khẩu nông sản, trong giai đoạn 2015 - 2020 tăng từ 30,14 tỷ lên 41,25 tỷ USD. Năm 2020 có chín nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD trong đó có năm mặt hàng đạt trên ba tỷ USD là sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều và gạo.
Việc hội nhập quốc tế đã tạo tiền đề tốt cho phát triển nhiều mặt hàng nông sản, thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế Việt Nam, và quan trọng hơn tạo cơ hội để cải thiện thu nhập của một số đông các hộ sản xuất ở nông thôn nhờ các FTA. Tuy nhiên, việc giảm hàng rào thuế quan tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu nhưng cũng gây ra những áp lực cạnh tranh rất lớn với nông sản thực phẩm sản xuất ở trong nước cả về giá cả, mẫu mã, đặc biệt là chất lượng và an toàn thực phẩm.
Trong đó, về chất lượng nông sản thực phẩm là thách thức rất lớn đối với các chuỗi cung ứng không chỉ xuất khẩu mà ngay cả trong nước. Với EVFTA, kiểm soát an toàn thực phẩm và sức khỏe được xem là ưu tiên hàng đầu của các cơ quan quản lý hàng nhập khẩu vào thị trường EU. Các sản phẩm bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm Global GAP với các tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu, các quy định về giấy chứng nhận sản phẩm đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường (sản xuất thân thiện với môi trường và trách nhiệm xã hội).
Ngoài ra, các quy định về xuất xứ, chỉ dẫn địa lý hay nhãn mác thực phẩm đều rất nghiêm ngặt đảm bảo công khai minh bạch và truy xuất nguồn gốc, kiểm soát các hành động hỗ trợ, chống bán phá giá, tiêu chuẩn lao động... chưa kể, thời gian tới, nhiều hàng hóa thực phẩm sẽ được nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam với các tiêu chuẩn Global GAP vượt trội sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn cho hệ thống cung ứng thực phẩm trong đó có chuỗi ngắn.
Với RCEP ngoài những áp lực về chất lượng, mẫu mã, TBT, SPS áp lực cạnh tranh còn cao hơn vì phần lớn đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc và các nước ASEAN, có khoảng cách địa lý gần, năng lực cạnh tranh cao hơn.
Như vậy, các doanh nghiệp và nông hộ cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với nông sản thực phẩm nhập khẩu cả về chất lượng, mẫu mã và giá cả, đòi hỏi phải có những thay đổi thích ứng với bối cảnh mới.
Theo bà Nguyễn An Hà - Viện Nghiên cứu Châu Âu, bối cảnh mới sẽ tạo cơ hội cũng như những áp lực buộc Việt Nam phải dần hướng tới quốc tế hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nông sản thực phẩm để vừa đảm bảo cạnh tranh mở rộng xuất khẩu ở thị trường bên ngoài, đồng thời không bị lép vế ở ngay thị trường trong nước.
“Áp lực cạnh tranh về giá cả đã rất lớn nhưng áp lực về chất lượng, đặc biệt về an toàn thực phẩm còn lớn hơn khi mà cơ bản hàng hóa nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn của GlobalGAP khi xuất khẩu và phải cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu cùng tiêu chuẩn chất lượng như vậy, ở thị trường trong nước”, bà Hà chia sẻ.
Cùng với những tác nhân đã nêu, các chuyên gia cũng cho rằng, hàng loạt rào cản kiểm soát chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm đến từ các nông hộ khiến cho việc xây dựng lòng tin, sự gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, yếu tố quyết định thành công của chuỗi ngắn nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung, đang khá nan giải.
Trong đó có thể kể đến một số hạn chế như, tham gia vào chuỗi cung ứng ngắn nông sản thực phẩm tại Việt Nam chủ yếu là nông dân sản xuất nhỏ, diện tích đất manh mún với bình quân một hộ chỉ 0.46 ha (số liệ thống kê năm 2016), nguồn nhân lực lao động nông nghiêp được đào tạo quá thấp, mang tính giản đơn và truyền thống, rất khó áp dụng cơ giới hóa hay công nghệ cao trong sản xuất;
Việc thiếu kiến thức, thiếu thông tin, thiếu tầm nhìn, thiếu tự tin, thiếu vốn, thiếu công nghê, thiếu thị trường, làm theo thói quen, có tâm lý ngại tuân thủ theo quy định, tiêu chuân; Ngại áp dụng phương pháp mới; Ngại công khai, chia sẻ thông tin, báo cáo thực tế sản xuất... dẫn đến trường hợp, người sản xuất thường không tự nguyện, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP hay mã vùng trồng mà trông chờ vào hỗ trợ của các chương trình, dự án, doanh nghiệp, các đại lý trong chuỗi cung ứng;
Cùng với đó, một số nguyên liệu đầu vào, vật tư nông nghiệp chất lượng còn chưa đảm bảo và sử dụng chưa hiệu quả, hiện tượng nông dân mua phải một số loại phân bón, thuốc trừ sâu chưa đảm bảo chất lượng và không rõ nguồn gốc còn tồn tại.
Trước những cơ hội và thách thức đã nêu, các chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cần tăng tốc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng, đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản, trong hệ thống cung ứng nông sản thực phẩm cần chú trọng cả phát triển sản xuất, tăng cường tính cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng, đặt chuỗi cung ứng ngắn song hành với sự phát triển chung của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, kết hợp phát triển nông nghiệp với nông thôn trong xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa;
Đổi mới tư duy, coi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực không chỉ là cơ hội của sản xuất xuất khẩu, mà là sự gắn kết thị trường thực sự, tất yếu, kết nối các chuỗi giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu với trong nước, coi phục vụ nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều quan trọng như nhau, trên cơ sở đó, áp dụng các quy chuẩn của xuất khẩu vào sản xuất và tiêu dùng trong nước; Các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với nông nghiệp và nông thôn cũng phải điều chỉnh theo hướng minh bạch, phù hợp với các cam kết của WTO cũng như trong các FTA về cạnh tranh, về TBT, SPS, về sở hữu trí tuệ, về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các tiêu chuẩn về lao động...
Gắn kết các chương trình mục tiêu quốc gia phải đặt phát triển kinh tế nông hộ, kinh tế trang trại lên mức ưu tiên cao nhất, từ OCOP tới phát triển hợp tác xã cũng như chương trình nông thôn mới, tạo điều kiện để các nông hộ hướng tới liên kết hợp tác sản xuất, tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, trong đó có chuỗi cung ứng ngắn;…
Đẩy mạnh kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, trên quan điểm nền kinh tế chia sẻ, tạo điều kiện để cả nông hộ và người tiêu dùng dễ dàng bán mua các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bằng phương thức trực tuyến, giúp các nông hộ, hợp tác xã nắm bắt được thông tin của thị trường, quảng bá thương hiệu, kết nối khách hàng, đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm qua mạng,…
Có thể bạn quan tâm
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ IV): Kinh nghiệm quốc tế
05:00, 18/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ III): Thực trạng ở Việt Nam
05:00, 17/08/2022
Thái Nguyên: Tìm giải pháp nâng cao chuỗi cung ứng ngành chè
10:26, 16/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ II): Con đường tất yếu
05:00, 16/08/2022
Thái Nguyên phát triển “chuỗi cung ứng ngắn nông sản chè” trong bối cảnh mới
06:27, 15/08/2022