Từ cao dược liệu vùng quê đến cà phê Brazil và sản phẩm điện tử Việt Nam cho thấy, xây dựng chuỗi cung ứng thường bắt đầu từ “gốc rễ”.
>>Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ II): Con đường tất yếu
Cũng như trên thế giới, vấn đề chuỗi cung ứng rất được quan tâm tại Việt Nam, dễ hiểu vì khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước ta. Việt Nam lại là nền kinh tế có độ mở rất lớn, có quan hệ hầu hết và rộng khắp nên rất nhạy cảm với mọi biến động.
Da giày, dệt may, nhựa, ô tô, điện tử, điện thoại, linh kiện máy móc,… đều quy về đầu mối Trung Quốc. Do đó, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc đã chặn đứng nguồn cung nguyên liệu cho dù Việt - Trung có đường biên giới dài 4.600km.
Do Trung Quốc là đối tác truyền thống lâu đời nên quan hệ kinh tế Việt - Trung rất khăng khít. Trong đó, rất nhiều ngành chủ lực của Việt Nam “sống” nhờ nguyên liệu từ nước bạn, đơn cử dệt may phụ thuộc 80%; điện thoại, linh kiện là 42%; sắt thép, phụ gia, hóa chất nhập 90% từ Trung Quốc.
Ví dụ, với ngành dệt may, nhập vải, xơ sợi và hóa chất nhuộm từ Trung Quốc, nhà đầu tư nước ngoài lập hệ thống nhà máy tại Việt Nam. Sau đó, một loạt công đoạn được giao cho công ty nhỏ trong nước gia công, chuyển về trung tâm TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai lắp ráp thành phẩm rồi xuất cảng.
Kỹ thuật xuất khẩu do hệ thống logictics đảm đương, phần lớn cậy nhờ đội tàu quốc tế trung chuyển qua các hải cảng lớn như Singapore, Thượng Hải, Hồng Kông để đến thị trường tiêu thụ.
Đây là chuỗi cung ứng truyền thống, lộ rõ tính mạo hiểm khi một khâu nào đó gặp vấn đề do dịch bệnh, chiến tranh... Hơn nữa, chuỗi cung ứng quá dài gây phát sinh chi phí tốn kém, trong đó lợi ích thực sự mà người Việt nhận được không là bao.
Nước ta có đầy đủ tiềm năng về tài nguyên và con người cũng như vị trí “địa chính trị” để tự hình thành chuỗi cung ứng nội bộ, chí ít giảm tối đa phụ thuộc nguồn cung bên ngoài, giải quyết an ninh kinh tế, nâng cao giá trị thặng dư. Song, khát vọng này chỉ mới hình thành ở quy mô nhỏ.
Một lần đến thăm cơ sở chế biến cao dược liệu ở miền núi Quảng Trị, tôi nhận thấy nỗ lực cá nhân của chủ doanh nghiệp “vô tình” tạo ra chuỗi cung ứng ngắn rất vững chắc.
Thoạt đầu, họ thu mua nguyên liệu mọc hoang trong rừng về chế biến thành trà gạo lứt tiêu mỡ máu, cao lá vằng giải độc gan, dầu gội từ cây bồ kết,…đều là những phương thuốc cổ truyền rẻ tiền dễ kiếm. Khi thị trường bắt đầu chấp nhận sản phẩm, nguyên liệu tự nhiên cạn kiệt, nảy ra nhu cầu tự chủ.
Doanh nghiệp tự thuê đất, nhân công trồng nguyên liệu, chăm sóc theo tiêu chuẩn, sau 3 năm họ đầu tư nhập dây chuyền hiện đại, mở rộng sản xuất, dời xưởng từ nhà ra cụm công nghiệp huyện. Sau đó, họ phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối tại 63/63 tỉnh thành.
Nhờ chuỗi cung ứng ngắn, nên doanh nghiệp này có thể sản xuất quanh năm. Do dung lượng thị trường nội địa còn nhiều nên dù dịch bệnh, doanh nghiệp này vẫn có thể lưu chuyển hàng hóa. Đây là mô hình vững bền và là tham chiếu cho rất nhiều kế hoạch lớn tầm vĩ mô.
Tuy nhiên không hiểu sao, ngành cà phê Việt Nam xuất khẩu đến 80 quốc gia, chiếm 14,2%, đứng thứ 2 thị phần toàn cầu nhưng chỉ mang về 3 tỷ USD/năm. Vấn đề là chúng ta chưa có chuỗi cung ứng cà phê đúng nghĩa.
Từ đầu thế kỷ 19, “ông trùm” cà phê thế giới, Brazil, đã thực hiện chính sách “định giá”. Chính phủ thu mua cà phê khi giá thấp và “neo hàng” cho đến khi giá cao để bán ra. Nói đơn giản, quốc gia Nam Mỹ sử dụng sức mạnh sản lượng để điều tiết giá thị trường, đây là điều Việt Nam rất muốn nhưng chưa làm được!
Đầu thế kỷ 20, Brazil đã sản xuất 80% lượng cà phê của thế giới và cà phê đã tài trợ vốn cho cơ sở hạ tầng huyết mạch của đất nước. Sản lượng không suy giảm này dẫn đến lượng cà phê dư thừa lớn. Cuối cùng, chính phủ Brazil đã tiêu hủy khoảng 78 triệu bao cà phê dự trữ trong nỗ lực tăng giá!
Đến nay, Brazil là nhà cung cấp cà phê hàng đầu thế giới, bất cứ điều gì ảnh hưởng đến sản xuất ở nước này đều có tác động trực tiếp đến giá toàn cầu. Với cà phê, người Brazil đã đi từ đồng ruộng đến vai trò quyết định giá cả thị trường thế giới.
Sản xuất cà phê ở Brazil có mối liên hệ với câu chuyện nội địa hóa sản phẩm công nghiệp tại Việt Nam. Trong gần 3 thập kỷ, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam là 59%, tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử nước ta trung bình khoảng 5 -10%. Điều này giải thích vì sao tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam lớn nhưng giá trị thực nhận thấp hơn nhiều.
Từ cao dược liệu đến cà phê Brazil và sản phẩm điện tử cho thấy, xây dựng chuỗi cung ứng thường bắt đầu từ “gốc rễ”, đó là quá trình sinh ra và lớn lên tại địa phương, đi liền với ý chí khởi nghiệp, tất nhiên cần sự hỗ trợ, điều tiết định hướng của nhà nước.
Tại sao mô hình cánh đồng lớn và “siêu lớn” ở Đồng bằng Sông Cửu Long thất bại? Vì mô hình này không phù hợp với thói quen sản xuất truyền thống của nông dân. Doanh nghiệp nhận thấy rủi ro quá lớn trên cánh đồng bất tận nên họ không rót vốn.
Mô hình này chỉ có thể lớn lên khi và chỉ khi người nông dân thực sự có nhu cầu thay đổi phương thức sản xuất. Đây là động lực tự thân chứ không phải làm theo bản quy hoạch nào đó được vẽ ra bởi những người không làm ruộng!
Nhưng nông dân không có vốn, do không thể tích lũy khi giá lúa gạo bấp bênh, cộng thêm rủi ro thời tiết, biến đổi địa lý thổ nhưỡng,… Tóm lại, đó là vòng tròn luẩn quẩn không thể giải quyết bằng khẩu hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ I): Phôi thai kỷ nguyên mới
05:00, 15/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ II): Con đường tất yếu
05:00, 16/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn "kéo” doanh nghiệp gần hơn với nông dân
05:00, 15/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn – “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian phân phối
05:00, 12/08/2022
"Ước mơ" về một chuỗi cung ứng ngắn
05:21, 31/08/2021