“Đường đi” của hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng tại Việt Nam ở từng mặt hàng, mỗi địa phương đều không giống nhau và rất phức tạp.
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và chưa được khắc phục, hậu quả đem lại thiệt hại cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng là rất lớn. Các cơ quan nhà nước quản lý liên quan nhiều khi còn lúng túng, bị động trong việc tìm giải pháp.
Tháng 5/2021, Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm về chuỗi cung ứng ngắn, lấy kinh nghiệm từ các nước châu Âu đã thực hiện cách đây hàng chục năm để từng bước áp dụng vào thị trường Việt Nam.
Việc hoạt động của các chuỗi cung ứng hàng nông sản tuy đã có, nhưng quá trình vận hành thời gian qua còn nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện.
Có 3 lợi ích từ chuỗi cung ứng ngắn. Thứ nhất, về mặt kinh tế, nếu chuỗi cung ứng hoạt động suôn sẻ, khoa học và hiệu quả thì sẽ giảm bớt các chi phí trung gian và các chi phí khác, hàng hóa sẽ đi thẳng từ sản xuất đến tiêu dùng.
Từ đó người sản xuất sản phẩm nông sản sẽ thu được lợi nhuận cao hơn trước, hiện tượng ép giá ở các khâu trung gian hầu như không còn. Người tiêu dùng mua hàng trực tiếp của người sản xuất nhanh hơn, tươi ngon hơn và giá cả hợp lý hơn.
Đây được đánh giá là kết quả kép của việc tạo lập chuỗi cung ứng ngắn mà Việt Nam sẽ học tập được từ các nước đi trước để xây dựng các chuỗi cung ứng của mình.
Thứ hai, về mặt xã hội, khi chuỗi cung ứng được rút ngắn, mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng sẽ trao đổi trực tiếp hơn, cởi mở hơn, thấu đáo hơn, từ đó nâng cao sự gắn bó giữa các thành viên quan trọng trong xã hội.
Thứ ba, về mặt môi trường, khi chuỗi cung ứng ngắn đi, các chi phí về thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ cũng sẽ giảm bớt đáng kể, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường xã hội.
Tuy nhiên, thực trạng sản xuất và phục vụ tiêu dùng ở Việt Nam lại chưa được như kỳ vọng. Hầu hết hàng hóa sản xuất ở Việt Nam muốn tiêu thụ tại nội địa đều phải qua rất nhiều khâu trung gian, hàng hóa đều mua đứt bán đoạn, người tiêu dùng không gặp gỡ trực tiếp với người sản xuất.
Thông tin về hàng hóa như giá cả, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ… người tiêu dùng đều không nắm được, họ mua hàng hóa hàng ngày cho gia đình một cách thụ động là chủ yếu. Các giao dịch mua bán trên thị trường Việt Nam vừa nhiều tầng nấc trung gian, vừa không công khai minh bạch.
Chúng ta hãy tìm hiểu việc xây dựng những chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản tại Pháp qua đó có thể rút ra những bài học kinh nhiệm để tổ chức ở thị trường Việt Nam. Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như việc áp dụng các thành quả khoa học - kỹ thuật, công nghệ, Pháp đã trở thành quốc gia lớn nhất trong khu vực về sản xuất cung ứng và xuất khẩu các sản phẩm nông sản.
Nông dân Pháp được hưởng nhiều ưu đãi từ Chính phủ cũng như của khu vực trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng nông sản qua các hình thức trợ giá sản phẩm. Sản lượng nông nghiệp hằng năm của Pháp liên tục tăng cao, bởi các yếu tố đạt được về năng suất lao động nông nghiệp cao, cũng như một nền công nghiệp chế biến thực phẩm ngày càng được hoàn thiện trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm xấp xỉ 3,5% GDP.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu các sản phẩm nông sản lớn, song để bảo đảm nâng cao hơn nữa cuộc sống của người nông dân, đặc biệt là những hộ nông dân nhỏ, nhóm người yếu thế thì việc bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông sản với mức giá hợp lý, hay việc duy trì bản sắc của các sản phẩm địa phương, xây dựng các chuỗi cung ứng mang lại hiệu quả luôn được xem là một trong những chủ trương hàng đầu được Chính phủ Pháp quan tâm.
Chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản, thực phẩm tại Pháp được hình thành với đặc trưng cơ bản là chỉ duy trì tối đa một đơn vị trung gian trong chuỗi cung ứng, nhằm kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng.
Xu hướng bán các sản phẩm trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng với những ưu điểm như tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với chuỗi truyền thống, duy trì bản sắc địa phương đối với sản phẩm… đang ngày càng thu hút số đông các trang trại sản xuất nông nghiệp ở Pháp tham gia.
Nhằm thể chế hóa các chính sách, định hướng ưu tiên thành pháp luật, cũng như có được sự công nhận chính thức trong việc quản lý chuỗi cung ứng, năm 2010, Bộ Nông nghiệp Pháp đã chính thức công nhận chuỗi cung ứng ngắn theo hình thức bán hàng trực tiếp tại Điều khoản 230-1 Đạo luật số 2010-874, ngày 27-7-2010, về “hiện đại hóa nông nghiệp và đánh bắt cá”.
Cũng theo đạo luật này, Chính phủ Pháp cho phép thành lập các chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản, thực phẩm địa phương dựa trên các nguyên tắc về an toàn thực phẩm, giảm thiểu các nhân tố trung gian và khuyến khích sự gần gũi về địa lý giữa người sản xuất và người tiêu dùng trong chuỗi cung ứng.
Việc thông qua đạo luật này cũng cho phép Chính phủ thực thi các chương trình hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng ngắn, như hỗ trợ tài chính, hỗ trợ các hộ sản xuất muốn tham gia vào chuỗi, tổ chức các khóa đào tạo liên quan đến việc triển khai chuỗi cung ứng ngắn.
Nhằm khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng này, Chính phủ Pháp tiếp tục ban hành Đạo luật số 1170-2014, ngày 13/10/2014 “Chính sách khung về trang trại, trồng rừng và trồng trọt”, đồng thời tiếp tục có những điều chỉnh nhấn mạnh rõ hơn những quy định về chuỗi cung ứng ngắn như quy định về khu vực sản xuất, tương tác giữa người sản xuất với người tiêu dùng và chất lượng sản phẩm.
Từ những kinh nhiệm của Pháp, áp dụng vào điều kiện cụ thể của sản xuất và tiêu dùng ở thị trường Việt Nam, chúng ta thấy những hiệu quả thiết thực của việc thiết lập các chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản ở nước ta để khắc phục những khiếm khuyết đang tồn tại.
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ giao cho các bộ, ngành xây dựng văn bản pháp quy để tạo khuôn khổ pháp lý chính thức cho sự phát triển các chuỗi cung ứng ngắn hàng nông sản Việt Nam trong thời gian tới và theo 1 lộ trình phù hợp.
Hy vọng trong thời gian từ 3 đến 5 năm tới, các chuỗi cung ứng ngắn sẽ được hình thành ở các địa phương trong cả nước. Và tin tưởng mô hình tiên tiến này sẽ sớm được nhân rộng góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận hợp lý của nhóm hàng nông sản cho người nông dân.
Đồng thời cũng đem lại lợi ích thiết thực về chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Đây là một tất yếu khách quan trong việc tổ chức lại sản xuất và phân phối ở thị trường nội địa Việt Nam mà chúng ta sẽ phải thực hiện.
Sự thay đổi này sẽ đem lại một sức sống mới cho sản xuất và tiêu dùng ở thị trường Việt Nam. Ước mơ nhiều năm nay của người nông dân và cả người tiêu dùng về những chuỗi cung ứng ngắn chắn sẽ sớm trở thành hiện thực trong một ngày không xa.
Có thể bạn quan tâm
105 tấn nông sản và chuyến tàu nghĩa tình
12:00, 26/08/2021
Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị nông sản
03:00, 24/08/2021
Làm gì để logistics “nâng tầm” nông sản?
11:00, 19/08/2021
Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu
04:00, 10/08/2021
"Số hóa" cho nông sản Nam Bộ và Tây Nguyên
07:23, 09/08/2021