Các chuỗi cung ứng ngắn sẽ là “cây gậy thần” xoá bỏ trung gian trong hệ thống phân phối hiện nay.
>>Hạ giá hàng hoá theo “tiến độ” giảm giá xăng, dầu
Công điện 679/CD-TTG-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc: “Kiểm soát giá hàng hoá trên thị trường khi xăng dầu đã giảm mạnh”, là một chủ trương đúng đắn kịp thời, hợp lòng dân và doanh nghiệp trong lúc giá cả đã tăng cao do tác động của giá xăng dầu đã tăng mạnh nhiều đợt trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tình trạng “lên nhanh xuống chậm” và hàng hoá đi từ sản xuất đến tiêu thụ lẻ phải qua nhiều khâu trung gian, cộng với chiết khấu cao vô lý khi gửi hàng vào một số siêu thị diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục.
Điều cần nói thêm là những vấn đề này ít được các cơ quan quản lý ngành công thương ở trung ương và các địa phương, Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh lên tiếng chia sẻ, làm trọng tài và can thiệp.
Muốn giải quyết được tình hình trên cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả như tuyên truyền giáo dục, tác động của dư luận, báo chí xã hội, và áp dụng biện pháp cuối cùng là kê khai giá khi mức giá bán lẻ đội lên một cách vô lý so với giá cả bình quân trên thị trường thời điểm giá xăng dầu ở mức cao nhất trên 32.000 đồng/lít trong tháng 6/2022, đi đôi với các biện pháp trên thì cần tổ chức lại hệ thống phân phối một cách hợp lý và khoa học, ít chi phí trung gian.
Khi nói đến chi phí trung gian để kéo giá hàng hoá xuống theo chỉ đạo của Chính phủ, ngoài những biện pháp nêu trên thì rất may cho chúng ta là các nước phát triển ở Đông Âu, Đông Á đã đi trước nhiều năm và họ đã giải được “bài toán” đẩy giá lên vô lý của các khâu trung gian, bán lẻ bằng cách thiết lập một mô hình rất khoa học, tiên tiến và nhân văn đó là xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn.
Nguyên tắc chung của các chuỗi này là hàng hoá đi từ nhà máy trang trại sẽ chủ yếu đến thẳng tiêu dùng bán lẻ trên các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, chợ dân sinh… Một khi đã thiết lập được các chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng một cách bền vững, chia sẻ lợi nhuận hợp lý thì lập tức mặt bằng giá bán lẻ cho các gia đình dần tiếp cận về đúng gía trị của hàng hoá.
Việc xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn có kết quả ngày càng cao hơn, hiệu quả hơn, đó là thiết lập hệ thống các chợ đầu mối vùng ở từng địa phương. Ở đó, hàng hoá sẽ được giao dịch công khai minh bạch, quản lý được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nói tóm lại, kết hợp giữa chuỗi cung ứng ngắn và sàn giao dịch sẽ đem lại những cái lợi lớn, hợp lý cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, chuỗi cung ứng ngắn còn đem lại cho xã hội ở mỗi nước một sự công bằng, minh bạch, chia sẻ trong cộng đồng. Thiết lập được các chuỗi cung ứng cũng chính là giảm ách tắc giao thông, chi phí xã hội điều mà ai cũng mong muốn.
>>“Hạ nhiệt” giá hàng hóa: Cần giải “nút thắt” từ hệ thống phân phối
>>Giải bài toán giá xăng giảm, giá hàng hoá vẫn đứng yên
>>Ổn định giá hàng hóa, dịch vụ: Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý
Chuỗi còn đem lại việc nâng cao chất lượng hàng hoá, nhất là hàng nông sản thực phẩm tươi sống, giảm hao hụt xã hội, đem lại cho người tiêu dùng giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo cho từng gia đình trong xã hội.
Chuỗi cung ứng ngắn từng bước xoá bỏ thế độc quyền mua, bán, tự do cạnh tranh hơn, minh bạch hơn trên thị trường nội địa, một khi thiết lập được các chuỗi cung ứng ngắn còn có tác dụng chống hàng giả, hàng lậu nhằm len lỏi làm hại người tiêu dùng, chuỗi cung ứng phát triển sẽ là động lực mạnh mẽ cho sản xuất trong nước phát triển và kêu gọi đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam.
Đây đích thực là “chiếc gậy thần” đem lại lợi nhuận cho người sản xuất, giá cả hợp lý cho người tiêu dùng và giảm chi phí chung cho toàn xã hội cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, muốn có được “cây gậy thần” này thì cần phải có những điều kiện để tạo dựng.
Thứ nhất, xây dựng những quy định hoặc luật hoá chuỗi cung ứng ngắn trên toàn lãnh thổ và từng địa phương.
Thứ hai, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, chợ, chợ đầu mối, sàn giao dịch, cải cách các thủ tục hành chính sao cho việc lưu thông hàng hoá thuận tiện hiệu quả và ít chi phí nhất.
Thứ ba, các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh cần tự giác nhận thức những lợi ích đem lại cho mình và cho cả xã hội để cùng nhà nước và các địa phương thực hiện.
Lợi ích cửa các chuõi cung ứng ngắn đã rõ, nhưng việc học tập kinh nghiệm của các nước đi trước và vận dụng vào điều kiện sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ ở Việt Nam, thì trước tiên nên có Ban Chỉ đạo để thiết lập tổ chức vận hành một số chuỗi thí điểm ở một số vùng và địa phương trọng điểm.
Từ đó, qua thực hiện sẽ rút ra các bài học thực tiễn để nhân rộng ra toàn quốc. Chúng ta tin tưởng tương lai của các chuỗi cung ứng ở Việt Nam sẽ trở thành xu thế góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở mỗi địa phương và trong toàn quốc trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 11/08/2022
04:00, 07/08/2022
04:50, 05/08/2022
04:05, 31/07/2022
04:30, 27/07/2022