TP.HCM: Tăng trưởng GDP 10 tháng đầu năm đạt 9,97%

ĐÌNH ĐẠI 01/11/2022 21:02

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022 mới đây.

>>>TP.HCM: 10 tháng đầu năm thu ngân sách vượt 1,61% chỉ tiêu năm

phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022 của UBND TP.HCM diễn ra chiều ngày 1/11 - Ảnh: TTBC.

Phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 11/2022 của UBND TP.HCM diễn ra chiều ngày 1/11 - Ảnh: TTBC.

Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội của TP.HCM trong 10 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tăng trưởng GDP trong 10 tháng đầu năm của Thành phố đạt mức 9,97%. Ông đánh giá, khả năng tăng trưởng năm 2022 của TP.HCM sẽ cao hơn kế hoạch đề ra, dự báo sẽ đạt khoảng 9,44%.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt gần 393.000 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ. Thu ngân sách năm nay dự kiến vượt so kế hoạch năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân Thành phố, nhưng cũng là áp lực để TP.HCM thực hiện kế hoạch thu năm 2023.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế quý 4 đang chững lại và sụt giảm ở một số mặt, dự báo nhiều khó khăn cho năm 2023. "Chúng ta vui mừng kết quả nhưng cũng phải nhận thấy và dự báo những khó khăn để đánh giá đúng tình hình, đưa ra giải pháp", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IIP) cũng đang ở mức khá, với 17,4%. Tuy nhiên, một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn còn gặp một số khó khăn như may mặc, ngành gỗ, da giầy…

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhìn nhận, mặc dù đạt được nhiều thành quả, tuy nhiên, trong tháng 10 vừa qua, TP.HCM cũng xuất hiện nhiều mặt bất lợi, tác động tiêu cực. Đặc biệt là sự việc tại Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xả hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Tác động trực tiếp đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, bất động sản.

Bên cạnh đó, tình huống về cung ứng xăng dầu cũng đã tạo ra tâm lý thiếu tin tưởng và cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như tình hình kinh tế xả hội của Thành phố. Ngoài ra, xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí sản xuất cao của thế giới cũng đã bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế của Thành phố.

>>>TP.HCM vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: TTBC.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận phiên họp - Ảnh: TTBC.

Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại TP.HCM chỉ mới giải ngân được khoảng 27% chỉ tiêu của năm. Ông đánh giá, đây là tỷ lệ rất thấp so với con số chung của cả nước là gần 50%.

Từ những thực tế trên, Chủ tịch UBND TP.HCM đã nêu ra 5 nhóm giải pháp chính cho phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM trong những tháng còn lại của năm 2022, cụ thể:

Thứ nhất, từng sở ngành, quận huyện rà soát lại chỉ tiêu kế hoạch của năm để hoàn tất. tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn nhằm khơi thông sức lực, phát huy kinh tế nội địa của Thành phố.

Thứ hai, rà soát lại 51 đề án, điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư công, phân bổ lại nguồn lực cho năm 2023. Điều chỉnh trung hạn đầu tư công, bố trí các dự án trọng điểm trong kế hoạch năm 2023.

Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp về giải ngân đầu tư công, xác định vướng mắc của từng dự án để lên kế hoạch giải quyết. Đi liền với giải ngân đầu tư công gắn với việc đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp. Xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội; hoàn thiện tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài sản công và hoàn thiện kế hoạch đấu thầu, đấu giá một số nhà đất. Rà soát lại nhà đất tại Thủ Thiêm và các nơi khác để khai thác có hiệu quả.

Thứ tư, tập trung mạnh hơn nữa về cải cách hành chánh, nâng cao chất lượng công vụ, tinh thần trách nhiệm của các sở ngành, các địa phương trong việc thực hiện chủ đề năm. Các sở ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp trong cải cách thủ tục hành chánh. Tập trung tháo gỡ theo tinh thần trọng tâm trọng điểm các dự án bất động sản, các vướng mắc về quy hoạch…

Thứ năm, tập trung các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đối với ngành may mặc, gỗ, da giầy cần có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là Du lịch. Hoàn thành đề án sắp xếp các Khu chế xuất, khu công nghiệp, nhằm chuyển đổi công năng một số khu công nghiệp. Tiếp tục triển khai đề án logistics. Hoàn thiện tiếp thu góp ý đề án Trung tâm tài chính quốc tế để báo cáo Chính phủ để hoàn thiện triển khai trong thời gian tới. Tiếp tục theo dõi và xử lý những vấn đề liên qua đến xăng dầu; triển khai chương trình bình ổn giá; hoàn thành quy hoạch chung TP Thủ Đức…

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: 10 tháng đầu năm thu ngân sách vượt 1,61% chỉ tiêu năm

    TP.HCM: 10 tháng đầu năm thu ngân sách vượt 1,61% chỉ tiêu năm

    16:59, 01/11/2022

  • TP.HCM: Vì sao hàng trăm tuyến xe khách không hoạt động tại bến xe Miền Đông mới?

    TP.HCM: Vì sao hàng trăm tuyến xe khách không hoạt động tại bến xe Miền Đông mới?

    01:49, 31/10/2022

  • TP.HCM vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính

    TP.HCM vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính

    08:00, 30/10/2022

  • TP.HCM: Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về phòng cháy chữa cháy

    TP.HCM: Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về phòng cháy chữa cháy

    01:14, 28/10/2022

  • TP.HCM: Tạo mọi điều kiện cho người dân mua vé tàu Tết

    TP.HCM: Tạo mọi điều kiện cho người dân mua vé tàu Tết

    00:16, 27/10/2022

ĐÌNH ĐẠI