Năm 2023 - một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường
Theo VNDirect, năm 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo và mía đường nội địa sẽ lấy lại vị thế.
>>Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?
Trong báo cáo ngành Nông nghiệp mà Công ty Chứng khoán VNDirect vừa công bố, giá đường trong nước sẽ tăng trong năm 2023 nhờ tác động của Quyết định mới về thuế chống bán phá giá áp dụng từ tháng 8/2022. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Giá gạo Ấn Độ có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Do vậy, việc các nhà sản xuất gạo và đường sẽ có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong 2023 nhờ giá bán tăng.
Mía đường nội địa lấy lại vị thế
Sau khi áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào nước ta đã giảm rõ rệt. Điều này đã giúp giá đường trong nước phục hồi và tăng lên mức 20.000 đồng/kg, cao nhất trong một năm qua.
Theo VNDirect, năm 2023 sẽ là một năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất đường nhờ diện tích trồng mía dự kiến sẽ mở rộng vào năm 2023. Trước đó, niên vụ 2017-2018, diện tích trồng mía giảm liên tục do giá mía xuống thấp khiến nông dân chuyển đổi đất sang trồng các giống cây khác. Do tình trạng thiếu mía nguyên liệu trong nước những năm gần đây, một số doanh nghiệp sản xuất đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện.
Tuy nhiên, giá đường nội địa tăng mạnh thời gian gần đây cùng với các biện pháp bảo hộ từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ 2022-2023. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích mía dự kiến đạt 151.305ha (tăng 3%), sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn (tăng16,5% ) và sản lượng đường đạt 870.930 tấn (tăng 16,6%).
VNDIRECT ước tính giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%, do đó mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước. Trong quý 3/2022, giá đường nội địa tăng khoảng 10 - 14% so với đầu tháng 7/2022 (trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN), tương đương với giá đường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc. Bên cạnh đó, nguồn cung đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu nội địa do đó giá đường trong nước sẽ theo xu hướng giá đường thế giới. Theo QNS, do giá dầu tăng cao, các nước sản xuất đường lớn như Brazil, Thái Lan và Ấn Độ sẽ chuyển mía sang sản xuất ethanol, giúp giá đường thế giới có thể giữ ở mức cao trong 6 tháng năm 2023.
Tuy nhiên, việc đường nhập lậu chưa được kiểm soát triệt để vẫn có thể tạo áp lực cạnh tranh về giá với đường trong nước. Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy pha Trung tính khả năng cao sẽ xảy ra vào năm 2023 (lượng mưa ít hơn pha La Nina) từ đó có thể ảnh hưởng đến sản lượng mía đường, VNDIRECT đã nêu trong báo cáo.
>>Sản xuất lúa gạo bền vững theo chuỗi giá trị
Một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo
Cũng theo VNDIRECT, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Giá gạo Ấn Độ có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó sẽ thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. Do vậy, kỳ vọng các nhà sản xuất gạo sẽ có biên lợi nhuận gộp cao hơn trong 2023 nhờ giá bán tăng.
Mặt khác, nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, tiêu biểu là Philippines khi đây là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất và nguồn cung trong nước đang ở mức thấp. Hơn nữa, thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á như thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh… có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-2023. Do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến cũng sẽ tăng lên mức kỷ lục.
Bên cạnh đó, VNDIRECT đang thấy sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây. Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu mía đường liệu còn “vị ngọt”?
05:30, 11/08/2022
Mía đường: Được “o bế” nhưng chưa tận dụng được cơ hội
10:00, 20/07/2022
Ngành Mía đường: Đau đầu bài toán cung cầu
17:00, 19/07/2022
Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa
05:00, 24/11/2022
Tối ưu sản xuất gạo Việt, tận dụng cơ hội xuất khẩu
11:00, 20/11/2022
Gạo Việt còn nhiều dư địa vào thị trường Trung Quốc
22:42, 19/11/2022
Gạo Top 4 thế giới và cơ hội rộng cửa xuất khẩu sang các nước khó tính
00:30, 19/11/2022