Địa phương mong có cơ chế đột phá cho Vùng đồng bằng sông Hồng
Các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng kỳ vọng sớm có các cơ chế đủ mạnh để điều phối vùng, tạo đột phá cần thiết, nguồn lực đầu tư làm động lực phát triển kinh tế Vùng.
>>Thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng
Liên kết vùng còn lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm
Chia sẻ Hội thảo "Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp" vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng).
Những năm qua, Vùng đã huy động được nguồn lực tương đối lớn cho đầu tư phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đầu tư còn dàn trải, chậm giải phóng mặt bằng, chậm chuẩn bị dự án làm ảnh hưởng tới triển khai đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, có 3 vấn đề còn tồn tại hiện nay để phát triển vùng gồm quy hoạch, cơ chế, chính sách và đầu tư thiếu hụt nhiều nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Trong đó, tồn tại tình trạng nhiều dự án nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hoặc triển khai chậm do thiếu vốn như: đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đường vành đai 5 – vùng Thủ đô Hà Nội, xây dựng nhà máy nước mặt sông Đà, tuyến đường ven biển qua địa phương có biển.
Cũng ghi nhận thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, tính liên kết vùng vẫn còn có những hạn chế. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng, không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.
Trong khi đó, ở góc độ địa phương bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cũng chia sẻ, hoạt động thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ của Thủ đô Hà Nội gắn với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Sông Hồng của Thành phố vẫn còn chưa chặt chẽ, chưa có tính liên kết cao.
Bên cạnh đó các chính sách của Trung ương, các tỉnh, thành phố trong Vùng chưa đủ mạnh để tạo đột phá cần thiết, nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được để làm động lực phát triển kinh tế Vùng.
>>Tạo chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng
Cần cơ chế đột phá
Với mong muốn khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng, ông Nguyễn Đức Vượng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đề xuất, sớm hoàn thành lập và phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng Sông Hồng và phê duyệt quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, phát triển nhanh, bền vững phù hợp với vị trí địa lý kinh tế - chính trị.
Đồng thời, cần rà soát, sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành, xây dựng thể chế điều phối vùng đủ mạnh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả điều phối, liên kết vùng. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư nhằm khuyến khích các địa phương tạo nguồn thu; cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương chủ động tham gia các hoạt động liên kết và đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cũng đề nghị với các Bộ, ngành Trung ương, tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Hà Nam trong các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài, giới thiệu các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư tiềm năng đến tỉnh Hà Nam nghiên cứu, đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Hảo - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố sớm thành lập Hội đồng điều phối kết nối phát triển vùng. Để xây dựng và ban hành cơ chế điều phối vùng, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết, đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp với định hướng phát triển và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Vùng.
Ông Hảo cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh thành phố tập trung đẩy nhanh xây dựng các dự án giao thông kết nối đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố trong vùng nhằm tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy hình thành, phát triển các vành đai công nghiệp, các cụm liên kết ngành và hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ.
Đặc biệt, đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu theo hướng gắn xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của vùng, của quốc gia.
Trong khi đó, về phía UBND TP. Hải Phòng cũng đưa ra đề nghị xây dựng cơ chế chính sách đang áp dụng tại các Khu thương mại tự do thành công trên thế giới để áp dụng tại các địa phương có lợi thế nhằm thu hút các tập đoàn trên thế giới đặt trụ sở hoặc văn phòng cấp vùng của các công ty vận tải, hãng tàu. Phát triển thí điểm mô hình trung tâm logistics phân phối để xuất khẩu hàng hóa trong khu vực vào các thị trường tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy liên kết và phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng
09:49, 30/03/2023
Nam Định đưa quy mô kinh tế trở thành cực phát triển của Đồng bằng sông Hồng
01:14, 23/03/2023
Vùng đồng bằng sông Hồng cần ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển
00:06, 14/02/2023
Nam Định: Đặt mục tiêu cực phát triển quan trọng của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng và cả nước
08:09, 13/02/2023