Hải Phòng: Tìm giải pháp xử lý bã gyps tại Nhà máy sản xuất phân bón DAP
Ước tính lượng bã thải thạch cao tại nhà máy DAP Đình Vũ, Hải Phòng tồn trữ khoảng 4,45 triệu tấn. Do vậy cần sớm tìm ra giải pháp khả thi tháo gỡ vướng mắc, xử lý triệt để bã thải gyps này.
>>>Còn nhiều khó khăn trong việc xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, hóa chất
Khó khăn
Theo Ban quản lý (BQL) Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng, trên địa bàn KKT Đình Vũ – Cát Hải có Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt phát – Đình Vũ với công suất 330.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 156,4 triệu USD; đã hoạt động từ năm 2009 đến nay. Hàng năm, nhà máy thải ra lượng bã gyps khoảng 750.000 tấn. Đến nay, lượng chất thải gyps đã được xử lý, tiêu thụ một phần, chủ yếu là lượng chất thải phát sinh hằng ngày, chưa xử lý được bãi thải tồn đọng.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, năm 2022, nhà máy chế biến thạch cao từ bã gyps ở Đình Vũ chỉ tiêu thụ được 0,32 triệu tấn bã thải, số lượng rất ít. Hiện TP Hải Phòng vẫn còn khoảng 4,45 triệu tấn bã thải.
Ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc tổ hợp KCN DEEP C cho biết: "Mặt bằng của chúng tôi ở cạnh bãi thải khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Chúng tôi rất muốn ngọn núi đó biến mất, nhưng giải pháp đang áp dụng quy mô rất nhỏ. Để tránh ô nhiễm, phải che phủ hoặc tìm biện pháp khác hiệu quả hơn".
Theo BQL KKT Hải Phòng, hiện việc xử lý bã thải gyps còn gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm cả việc chữa có những tiêu chuẩn, chỉ dẫn kỹ thuật để ứng dụng các sản phẩm làm vật liệu xây dựng và ứng dụng vào các công trình xây dựng. Trong khi đó, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện nay đang triển khai rất nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN lấn biển để tạo mặt bằng thu hút các nhà đầu tư vào thành phố, dẫn đến nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.
Được biết, để xử lý lượng bã thải gyps thải ra trong quá trình sản xuất, năm 2010, DAP - Vinachem hợp tác với Công ty cổ phần Sông Đá Cao Cường thành lập Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ để chế biến bã gyps thành thạch cao PC làm phụ gia xi măng. Ngoài ra, năm 2017, Công ty DAP đã hợp tác với Viện Vật liệu xây dựng, thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến bã thải thạch cao của Công ty DAP làm vật liệu san nền. Đến năm 2019, công tác nghiên cứu giai đoạn 1 trong phòng thí nghiệm đã hoàn thành và đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu thông qua báo cáo kết quả của đề tài.
>>>Hải Phòng có nhà máy sản xuất thạch cao hiện đại bậc nhất Đông Nam Á
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Tổng giám đốc Công ty CP DAP – Vinachem cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm thạch cao sau chế biến do phải chịu sự cạnh tranh áp đảo của sản phẩm thạch cao nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, các đơn vị sử dụng vẫn còn tâm lý e ngại sử dụng sản phẩm tái chế. Với phương án chế biến thạch cao PG làm vật liệu cốt nền đường giao thông, vật liệu san nền hiện vẫn đang chờ cơ quan quản lý nhà nước ban hành tiêu chuẩn, hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng đối với loại vật liệu mới này.
“Khó khăn thứ 2 là yêu cầu thu hẹp diện tích bãi chứa cho 2 năm sản xuất, chúng tôi cho rằng cần phải có sự điều chỉnh với nội dung này vì những lý do sau: Về mặt kỹ thuật, bã thạch cao PG phát sinh từ dây chuyền sản xuất cần có thời gian lưu trữ, phong hóa là 3-5 năm, luân chuyển tối thiểu là 3 năm, qua tác động của quá trình phong hóa tự nhiên làm giảm dư lượng lân trong thạch cao, trước khi luân chuyển ra bãi chứa lâu dài (bãi chứa cố định). Theo đó, phần diện tích của bãi chứa phong hóa là một công đoạn trong quá trình xử lý, theo đúng yêu cầu của Giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt”, ông Sơn cho biết thêm.
Mong sớm có chỉ dẫn kỹ thuật
Theo tính toán của Sở Xây dựng TP Hải Phòng, nếu DAP - Vinachem duy trì công suất sản xuất phân bón 60% như hiện tại và nhà máy thạch cao nâng công suất tối đa 700.000 tấn/năm thì cần 12 năm để xử lý núi chất thải. Trường hợp DAP - Vinachem nâng công suất lên 100%, tương ứng với lượng chất thải ra là 600.000 tấn/năm thì mất ít nhất 29 năm mới xử lý xong núi chất thải.
Do vậy, để sớm tìm ra giải pháp khả thi tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, xử lý triệt để bã thải gyps tại khu vực Đình Vũ, theo đại diện Công ty CP DAP – Vinachem cho biết, phía công ty kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành sớm hoàn thiện hồ sơ bổ sung Tiêu chuẩn, hoặc văn bản hướng dẫn về việc chế biến, sử dụng bã Thạch cao PG làm vật liệu san nền, đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương sử dụng vật liệu có nguồn gốc từ bã thải tro, xỉ, thạch cao góp phần giải quyết triệt để tình trạng tồn dư theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu tham mưu Chính phủ đề xuất các chính sách ưu đãi về giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thạch cao nhân tạp chế biến từ thạch cao PG, tăng thuế nhập khẩu thạch cao tự nhiên để thúc đẩy xử lý lượng tồn dư thạch cao PG tại các bãi chứa.
Còn theo đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng: “Yêu cầu bức thiết hiện nay của TP Hải Phòng đối với việc xử lý nguồn thải trên đặt ra là rất cần công nghệ xử lý nguồn thải ngay sau khi phát thải từ nhà máy nhằm hạn chế tối đa việc lưu giữ nguồn thải và trong thời gian sớm nhất giải quyết được nguồn thải từ nhà máy sản xuất phân bón. Đồng thời, rất cần các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, đơn vị sản xuất chế phẩm nông nghiệp, sản xuất cao su, sản xuất giấy… từng bước sử dụng nguồn thạch cao sau xử lý làm nguyên liệu thay thế thạch cao tự nhiên hoặc các chủ đầu tư, đơn vị thi công đường giao thông tăng cường việc sử dụng nguồn vật liệu này để gia cố nền đất, phối trộn với base để rải lót và làm lớp móng đường giao thông…”.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng cho biết: “Việc giải quyết triệt để bã thải gyps; xử lý, sử dụng lại bã thải gyps, không để lãng phí tài nguyên là việc quan trọng và cấp bách. Phía BQL KKT Hải Phòng mong muốn Bộ Xây dựng sớm ban hành chỉ dẫn kỹ thuật về việc sử dụng bã thải gyps làm lớp móng công trình giao thông, vật liệu san lấp cho công trình xây dựng, tìm đầu ra cho sản phẩm này. Trước mắt, TP Hải Phòng yêu cầu công ty CP Thạch cao Đình Vũ nâng công suất sản xuất thạc cao từ nguồn bã thải gyps; Công ty CP Trường An nhanh chóng hoàn tất xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao từ bã thải gyps tại Đình Vũ để tăng tốc xử lý bã thải gyps cho DAP Đình Vũ. TP Hải Phòng rất mong muốn tiếp tục được phối hợp được với các trường học, các nhà khoa học để nghiên cứu tiếp về vấn đề này”.
Có thể bạn quan tâm