“Bắt bệnh” nền kinh tế: “Con số” và triển vọng kinh tế
LTS: Với mức tăng trưởng GDP 3,32% trong quý I/2023, để đạt mục tiêu 6,5%, ba quý còn lại của năm, bình quân mỗi quý tăng trưởng GDP phải đạt khoảng 7,5%.
>>Hoá giải nan đề hạ lãi suất cho nền kinh tế phục hồi
Con số hơn 77.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 liệu có đáng lo ngại? Đây là một chỉ dấu quan trọng, giúp chúng ta đưa ra những giải pháp kịp thời để xoay chuyển tình thế?
Chia sẻ với DĐDN, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐB tỉnh Bình Dương) cho rằng, trong khi nhiều doanh nghiệp cảm thấy “bi quan” với nền kinh tế thì lại có các số liệu về một chiều hướng khác khả quan hơn.
- Những số liệu thống kê có ý nghĩa rất quan trọng trong việc dự báo cũng như điều chỉnh chính sách tác động đến nền kinh tế, thưa ông?
Con số của Tổng cục Thống kê đưa ra, hơn 77.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2023 (tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước, gần tương đương với tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, khoảng 78.900). Đây là những thống kê vô cùng quan trọng.
Như vậy, chúng ta phải xem ảnh hưởng của nền kinh tế bởi những doanh nghiệp rút lui là bao nhiêu? Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói nhìn vào số doanh nghiệp khó khăn này là nền kinh tế sẽ đi xuống. Bởi, có doanh nghiệp khó khăn thì phải rút lui khỏi thị trường. Nhưng doanh nghiệp khác lại tìm kiếm được cơ hội mới.
Ảnh hưởng thì có, nhưng có quyết định đến nền kinh tế hay không thì không thể đánh giá được, vì còn phải xét theo ngành nghề. Ví dụ, chỉ cần một vài doanh nghiệp lớn phát triển cũng có thể bằng hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ rút lui...
- Thống kê này có trái ngược với số liệu của một số tổ chức quốc tế uy tín dự báo tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam, thưa ông?
Các tổ chức tín dụng tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao. Đây là những tổ chức tài chính quốc tế có uy tín trên thế giới, họ không đưa ra nhận định lạc quan để “động viên” chúng ta, họ đã đưa ra là có cơ sở.
Đơn cử, khi các tổ chức này đánh giá nền kinh tế Trung Quốc phục hồi thì sẽ “kéo” theo nền kinh tế thế giới, đặc biệt nền kinh tế châu Á phát triển. Việt Nam là nước gần Trung Quốc, khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc thì chúng ta có thị trường. Đây là cơ sở đế tin tưởng nền kinh tế Việt Nam đi lên. Hay thị trường Châu Âu, Mỹ có thể bị co hẹp những chúng ta lại có cơ hội mở rộng các thị trường khác như Ấn Độ…
Còn đánh giá về từng lĩnh vực doanh nghiệp có khó khăn là một thực tế, như các doanh nghiệp bất động sản và các lĩnh vực liên quan. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã phải bán dần tài sản để duy trì công ty. Nhưng ngược lại, cũng có nhiều doanh nghiệp phục hồi, bắt nhịp sản xuất trở lại sau thời gian rơi xuống “vực sâu” gian khó do Covid-19 như lương thực thực phẩm, gỗ, dệt may…
>>Thị trường chứng khoán đã phản ánh hết tiêu cực của nền kinh tế
>>Khơi thông dòng tiền chảy ra nền kinh tế
>>Giảm thuế VAT – “Tiếp sức” cho nền kinh tế
- Việc cảm nhận hay đánh giá cũng có thể bị thiên kiến nếu thiếu thông tin hay bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông, thưa ông?
Khi thông tin “bùng nổ” sẽ xuất hiện nhiều luồng thông tin đa chiều, nên dư luận cũng có quyền đặt câu hỏi “nghi vấn”. Nhưng khi đánh giá về các con số hay dữ liệu thì phải dựa vào cơ sở khoa học để tính toán.
Đơn cử, dữ liệu cơ sở về tăng trưởng GDP của các ngành do Tổng Cục thống kê đưa ra thì cơ quan này phải chịu trách nhiệm về con số đó, kể cả dự báo. Chúng ta có Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác cùng giám sát con số đó. Chính xác tuyệt đối thì tôi không khẳng định, nhưng độ thông tin ngày càng chính xác cao vì chúng ta đã kết nối toàn cầu.
- Mỗi doanh nghiệp cần trang bị khả năng phân tích, sử dụng số liệu thống kê của các tổ chức, thưa ông?
Vấn đề ai đưa ra số liệu? Khi đưa ra số liệu chúng ta phải biết do cơ quan nào cung cấp, phương pháp lấy số liệu như thế nào? phân tích dữ liệu ra sao? Có những cách thức thu thập số liệu vượt qua tầm hiểu của mình thì phải đi thuê các chuyên gia đánh giá. Khi nói đến dữ liệu khoa học thì phải tư duy theo cách của nhà khoa học và phân tích khoa học thì mới có thể kết luận số liệu đó có đáng tin cậy hay không.
Nếu nói một ngành nghề hay một doanh nghiệp khó khăn thì rất dễ. Còn đánh giá xã hội có khó khăn hay không thì phải nhìn vào sức mua, sức bán và “dòng chảy” của kinh tế ngoài xã hội như thế nào...
- Trân trọng cảm ơn ông!
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐB Quảng Nam): Phải dự báo đúng Việc lạc quan hay bi quan của nền kinh tế, ngoài lý luận thì phải sát với thực tiễn, đặt trong hoàn cảnh và bối cảnh chung của nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, phải xem đúng nội tại “sức khoẻ” nền kinh tế Việt Nam thì mới đưa ra được giải pháp đúng. Dự báo phải sát thực tế dựa trên cơ sở khoa học. Thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay theo tôi cần phải tập trung vào hai vấn đề. Thứ nhất, giải ngân đúng tiến độ đầu tư công theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội. Thứ hai, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Vì doanh nghiệp là “tế bào” của nền kinh tế. Bên cạnh hỗ trợ thì phải đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp. Bởi vì, doanh nghiệp cũng là dân, nhưng dân này rất đặc biệt, đó là tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho những người dân khác, đóng góp tiền thuế để xây dựng và bảo vệ đất nước. Với xu thế nền kinh tế thế giới và khu vực đang theo chiều hướng khó khăn, thì Việt Nam cũng không nằm ngoài những “cơn bão” về kinh tế đó. Do đó, rất cần sự tư vấn của các nhà quản lý, cơ quan nghiên cứu của bộ, ngành cùng các nhà khoa học. Về đánh giá nền kinh tế không thể dựa vào “cảm giác” hay con số đơn thuần, các con số đưa ra hiện nay cần được so sánh với thời điểm tháng trước hoặc so với cùng kỳ khi đang xảy ra đại dịch Covid-19. Chúng ta cũng cần phải so sánh với tổng thể của cả một giai đoạn phát triển từ trước Covid-19 với khi có tác động của đại dịch, cùng với biến động chính trị như cuộc xung đội Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, phải đánh giá được những tồn tại của nền kinh tế Việt Nam như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… đây là kết quả từ nhiều năm nay, nhiều nhiệm kỳ và đến nay mới bộc lộ mặt trái. Chúng ta cũng không nên nhìn nhận theo một gam “màu tối”, vì qua những “điểm sáng” từ những con số thống kê cho chúng ta có động lực phát triển, tự tin và nỗ lực. ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn ĐB Bắc Giang): Dựa trên con số khách quan Đánh giá nền kinh tế tốt hay xấu phải dựa trên những con số. Tuy nhiên, những con số đó được tổng hợp trong điều kiện, bối cảnh như thế nào, phạm vi ra sao để nói lên được tình hình chúng ta xem xét ở mức độ như thế nào cho phù hợp. Như vậy, đánh giá triển vọng nền kinh tế phải dựa trên con số khách quan, không phải dựa trên sự cảm nhận, mong muốn chủ quan. Các con số thống kê vừa qua cho thấy nền kinh tế đang khó khăn là một thực tế. Bởi, sau đại dịch Covid-19 kinh tế thế giới suy giảm nhu cầu, một loạt các vấn đề nảy sinh như lạm phát cao tại các nền kinh tế, cuộc xung đột Nga-Ukraine… làm đứt gãy, xáo trộn các thị trường, gây khó khăn chung cho cả nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Do đó, các con số phản ánh kinh tế-xã hội của Việt Nam khó khăn là đương nhiên. Từ hệ luỹ đó đã ảnh hưởng đến trong nước như nhu cầu sản xuất, các đơn hàng suy giảm, một số thị trường bị đứt gãy do hợp đồng không được ký kết tiếp. Bên cạnh đó, tiền tệ, bất động sản và một số thị trường khác cũng bị ảnh hưởng, đến giai đoạn hiện nay mới bộc lộ hệ quả của các thị trường này do trước đây còn mang tính chất đầu cơ, thiếu bền vững. Như vậy, các con số cũng phản ánh đúng thực trạng tình hình của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải do cảm nhận mà đã được chúng ta dự báo có cơ sở, căn cứ để kinh tế đất nước hồi phục trong giai đoạn tiếp theo. Nhìn vào bối cảnh thế giới cho thấy, một số nền kinh tế đã bắt đầu đi vào ổn định, kiểm soát được lạm phát, hoạt động kinh tế dần khắc phục được những vấn đề phức tạp nảy sinh do các yếu tố biến động của thị trường thế giới. Đơn cử, đứt gãy nguồn cung năng lượng của một số thị trường lớn, cuộc xung đột Nga-Ukraine… thì các nước cũng đã có các giải pháp để khắc phục và hạn chế những tác động xấu. Từ đó, thị trường chung của thế giới ổn định hơn để phục vụ cho nhu cầu chung của các nước. |