Đòn bẩy nào giúp doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn?
Kinh tế tuần hoàn sẽ là một nền kinh tế bền vững, tuy nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực còn “ì ạch” thực hiện mục tiêu trách nhiệm với xã hội và môi trường, khiến mô hình này còn eo hẹp.
>>Doanh nghiệp dè dặt tiếp cận kinh tế tuần hoàn
Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp, để rõ hơn về vấn đề này DĐDN đã có buổi trao đổi với TS.Tô Văn Trường - Chuyên gia độc lập về Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ nhiều doanh nghiệp “ì ạch” thực hiện mục tiêu trách nhiệm với xã hội và môi trường, do điều này chưa đem lại doanh thu tức thời cho doanh nghiệp, vậy đây có phải là nguyên nhân chính?
Bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội nói chung và trách nhiệm của doanh nghiệp với vấn đề môi trường, tôi có thể phân tích theo hai khía cạnh của câu hỏi.
Về góc độ trách nhiệm xã hội: chức năng nguyên thủy của mỗi doanh nghiệp khi được sinh ra là tạo công việc và thu nhập cho người lao động, đóng góp cho ngân sách xã hội (nghĩa vụ thuế) và đóng góp tăng trưởng GDP. Song song với mục tiêu lợi nhuận, doanh nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm và thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, trách nhiệm đó được pháp luật cũng như đạo đức xã hội thừa nhận. Như vậy có thể nói rằng sự thành công và phát triển của doanh nghiệp, bản thân đã thực hiện trách nhiệm đối với xã hội và cộng đồng.
Về góc độ môi trường: sự phát triển kinh tế luôn bị đánh đổi với vấn đề môi trường, như khai thác tận thu dẫn đến phá vỡ cấu trúc tự nhiên, rác thải, hiệu ứng nhà kính,… Chi phí và lợi ích kinh tế là rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình đối với xã hội.
Chính vì lý do đó mà Nhà nước thường phải gánh vác nhiệm vụ cung cấp dịch vụ môi trường nói riêng và các dịch vụ công nói chung. Mặc dù kinh tế tuần hoàn - tái chế vật liệu thải ra trong quá trình sản xuất kinh doanh có thể đem lại lợi ích nhất định cho doanh nghiệp nhưng không đủ để bù đắp chi phí do doanh nghiệp bỏ ra. Khi Nhà nước làm nhiệm vụ thu gom và tái chế để sử dụng cho mục đích khác thì với quy mô kinh tế lớn có thể thu được lợi ích lớn hơn từng doanh nghiệp bỏ công sức ra làm, dù Nhà nước có thể vẫn phải chi ngân sách bù lỗ. Điều đó là cần thiết để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường.
>Kinh tế tuần hoàn không dễ dàng với doanh nghiệp dệt may Việt
- Để thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm với xã hội và môi trường, thì chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp trọng tâm nào, thưa Tiến sĩ?
Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, theo đó tại Điều 140 quy định cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn, bao gồm hỗ trợ về đất đai, ưu đãi hỗ trợ vốn đầu tư, ưu đãi thuế, phí, lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ môi trường, hỗ trợ quảng bá hoạt động bảo vệ môi trường, tín dụng và trái phiếu xanh.
Khi đặt vấn đề doanh nghiệp làm kinh tế tuần hoàn thì đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển mà doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ khả năng về tài chính và nhân lực. Chính sách của Nhà nước cần tính đến điều này để khuyến khích doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn, đặc biệt chính sách cần đem lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp với thủ tục không quá phức tạp. Cụ thể một số chính sách gợi mở có thể xem xét như sau:
Một là, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trực tiếp xử lý đầu ra của mình: trừ chi phí làm kinh tế tuần hoàn vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hai là, áp dụng các rào cản thương mại tiến tới cấp nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu ảnh hưởng đến môi trường và không có khả năng tái chế.
Ba là, trợ giá từ ngân sách nhà nước cho sản phẩm dịch vụ môi trường đối với doanh nghiệp chuyên thu gom, xử lý đầu ra của doanh nghiệp khác với doanh nghiệp môi trường và sớm ban hành cơ chế chuyển dịch Carbon và đánh thuế phát thải Carbon.
Do đó tôi cho rằng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở quy mô lớn, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ tái chế vật liệu. Đó là dùng ngân sách Nhà nước để đặt hàng nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ phục vụ cho kinh tế tuần hoàn, và ở đây nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, Tiến sĩ có những khuyến nghị nào về chính sách giúp doanh nghiệp có động lực hơn nữa để thực hiện kinh tế tuần hoàn?
Kinh tế tuần hoàn sẽ là một nền kinh tế bền vững xét ở nhiều khía cạnh, và để doanh nghiệp thực hiện tất cả các khâu của nền kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết.
Doanh nghiệp thực hiện tất cả các khâu được hiểu như nào cho chính xác? Điều đó không có nghĩa là một doanh nghiệp tự mình xử lý tất cả các công việc, bao gồm cả việc xử lý môi trường và chất thải sản xuất, bởi nếu làm như vậy sẽ manh mún về quy mô, sẽ tiêu tốn một ngân sách lớn cho từng doanh nghiệp, và hiệu quả kinh tế kỹ thuật cũng như hiệu quả với môi trường sẽ thấp.
Bản thân Nhà nước đã có các doanh nghiệp về môi trường ở từng địa phương, nhưng đa số các doanh nghiệp này chỉ có khả năng thu gom và chôn lấp chất thải sinh hoạt, và một số ít thì có khả năng xử lý một lượng nhỏ chất thải độc hại. Nếu Nhà nước bỏ ngân sách đầu tư để xử lý hoặc tái chế chất thải công nghiệp thì cũng sẽ không hiệu quả, thay vào đó, nhà nước nên tạo các điều kiện thuận lợi để có các doanh nghiệp phi nhà nước chuyên thực hiện các công việc này.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có động lực thực hiện kinh tế tuần hoàn, tôi đề xuất các chính sách ưu đãi như sau:
Về đất đai, ví dụ tại mỗi khu công nghiệp có thể dành một diện tích đất sạch nhất định không thu tiền sử dụng đất dành để giao cho doanh nghiệp xử lý môi trường. Yêu cầu ở đây sẽ là đất đó chỉ dành cho xử lý môi trường và không có quyền chuyển nhượng.
Chính sách thuế với lợi nhuận thu được từ việc cung cấp dịch vụ xử lý môi trường cho các doanh nghiệp khác trong và ngoài khu công nghiệp cần có những ưu đãi phù hợp, trong đó cần chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp (bù một phần lãi suất từ ngân sách nhà nước).
Bên cạnh đó cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu và thuế VAT đối với việc nhập khẩu dây truyền công nghệ cho việc xử lý môi trường/chất thải.
Tương tự như đối với doanh nghiệp xử lý chất thải thì doanh nghiệp chuyên tái chế cũng cần nhận được những ưu đãi và khuyến khích nhất định bằng các công cụ và chính sách về đất đai, thuế má, hỗ trợ tài chính… Chúng ta sẽ rất cần những doanh nghiệp như này trong tương lai không xa để xử lý các vấn đề như pin mặt trời, pin ắc quy cho ô tô – xe máy…
- Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Có thể bạn quan tâm
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn từ xử lý chất thải rắn sinh hoạt
11:46, 01/07/2023
Kinh tế tuần hoàn không dễ dàng với doanh nghiệp dệt may Việt
10:48, 24/06/2023
Dệt may không thể lập tức chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn
04:33, 22/06/2023
Côn Đảo hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn
01:30, 18/06/2023
Doanh nghiệp dè dặt tiếp cận kinh tế tuần hoàn
04:00, 04/07/2023