Kinh tế tuần hoàn không dễ dàng với doanh nghiệp dệt may Việt

ANH VŨ 24/06/2023 10:48

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí VITAS nhận định: Không phải doanh nghiệp dệt may nào của Việt Nam cũng có thể lập tức chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Theo số liệu của hiệp hội dệt may Việt Nam, 5 tháng đầu năm xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 14,4 tỷ USD giảm 21% so với cùng kì năm 2022. Trong đó xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như may mặc, vải, sơ sợi đều ghi nhận mức giảm sâu từ 19 -32%.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết: “Ngay từ cuối năm 2022 ngành dệt may đã gặp khó khăn, các đơn hàng và giá đều giảm sâu, tình trạng đó kéo dài sang đầu năm 2023”.

>>> Doanh nghiệp dệt may ứng phó chờ thị trường "ấm lên"

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội dệt may Việt Nam nhận định: Với những tác động từ thị trường thế giới, lạm phát chưa chấm dứt, đặc biệt là chiến tranh quân sự thì chúng tôi cho rằng khả năng tình hình khó khăn này còn kéo dài. Còn hiện tại, đang rất khó khăn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam hiểu rằng cần phải tái định vị lại, thể hiện bằng việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn theo các cam kết từ COP26. Tuy nhiên, ông Trương Văn Cẩm cho rằng việc chuyển đổi này không thể diễn ra nhanh trong một sớm một chiều được mà phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Chia sẻ về việc phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn là một xu hướng tất yếu, ông Cẩm nhận định: “Việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững thì liên quan đến chi phí, nguồn lực con người”.

Lấy ví dụ khi Châu Âu đưa ra chiến lược dệt may bền vững, người  ta yêu cầu từ khâu thiết kế sinh thái tức là ngay từ khâu thiết kế, sử dụng nguyên phụ liệu… đã phải tính đến chuyện những phần thải bỏ không dùng nữa giờ phải quay trở lại tái chế được.

>>> Dệt may linh hoạt ứng phó suy thoái

Như vậy sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề từ nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị đến con  người làm công tác thiết kế… “Cho nên, đây là vấn đề chúng ta không thể làm đồng loạt đối với tất cả doanh nghiệp. Dĩ nhiên vẫn khuyến khích các doanh nghiệp có đủ nguồn lực, doanh nghiệp lớn thì càng phải tập trung làm vấn đề này. Điều đó được thể hiện rõ bằng việc thời gian vừa qua doanh nghiệp nào tập trung và làm sớm thì họ không thiếu đơn hàng, thậm chí là thừa”, ông Cẩm cho hay.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam buộc phải thay đổi phương thức quản trị, cách thức trả lương công nhân, cách thức giao việc, huy động cam kết để phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới đặc biệt là yêu cầu về đầu tư bền vững. Tập trung làm hàng khó, cao cấp, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp là con đường dài hơi nhưng buộc phải tự nâng cấp làm mới mình nếu các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam muốn chiến thắng trên các trận chiến lớn.

>>> Dệt may “mở lối” từ thị trường xuất khẩu

“VITAS đưa ra mô hình phát triển bền vững, một trong những trụ cột của nó là việc làm thế nào quản trị doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo,… nhưng phải có lãi. Đó là điều chúng tôi cho rằng doanh nghiệp cần tỉnh táo và nghiên cứu kĩ những điều kiện cụ thể của doanh nghiệp mình, thậm chí phải tính toán đến lợi ích, chi phí ít nhất là cân bằng, nếu lỗ thì cũng phải có những bước đi làm sao cho phù hợp vì vẫn còn rất nhiều thị trường trong và ngoài nước có thể khai thác” ông Cẩm chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt may không thể lập tức chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

    04:33, 22/06/2023

  • Doanh nghiệp dệt may ứng phó chờ thị trường "ấm lên"

    03:40, 22/06/2023

  • Dệt may “mở lối” từ thị trường xuất khẩu

    01:12, 21/06/2023

  • Nam Định: Doanh nghiệp dệt may nỗ lực ứng phó khan hiếm đơn hàng

    03:30, 10/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế tuần hoàn không dễ dàng với doanh nghiệp dệt may Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO