Điện gió: Triển vọng tích cực từ lợi thế chi phí phát điện
Thời gian triển khai nhanh, yêu cầu vốn cho mỗi dự án thấp. Bên cạnh giảm rủi ro biến động giá nhiên liệu cho hệ thống. Những điều này đang là ưu điểm của điện gió so với các nguồn chủ động.
>>>Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
Chi phí sản xuất tiếp tục xu hướng giảm
Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, chi phí phát điện ngày càng cạnh tranh nhờ có sự giảm đáng kể chi phí đầu tư thiết bị trong những năm gần đây và khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Ở thời điểm hiện tại, điện gió đang là nguồn năng lượng có chi phí phát điện (LCOE) rẻ thứ ba hệ thống chỉ sau thủy điện và điện mặt trời.
Bên cạnh giá FIT mua điện gió từ EVN vẫn đang thấp đáng kể so với giá bán lẻ bình quân của EVN. Vì vậy, trên góc độ hiệu quả EVN sẽ ưu tiên huy động các nguồn điện gió trước khi huy động các nguồn nhiệt điện sau khi đảm bảo các ràng buộc về kỹ thuật hệ thống điện.
Đồng thời, trong tương lai, với sự liên tục cải tiến về công nghệ dự báo chi phí sản xuất điện năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và điện gió nói riêng sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Theo ước tính của ETIP WIND, chi phí sản xuất điện gió trên bờ có thể giảm đến mức 28% tại năm 2030 so với thời điểm hiện tại và 45% tại năm 2050. Cùng với chi phí sản xuất điện gió ngoài khơi được ước tính sẽ có mức giảm cao hơn đáng kể ở mức 44-65% vào năm 2030 và có thể giảm lên đến 57-78% năm 2050.
KIS Việt Nam cho rằng, trong trung - dài hạn 2025-2030 rủi ro thiếu điện của hệ thống sẽ trở nên báo động hơn do việc mở rộng công suất các nguồn điện chủ động bị hạn chế từ các rào cản về chính sách, môi trường và điều kiện tự nhiên, trong khi nhu cầu phụ tải trong nước dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng ở mức nhanh 7,8%/năm trong giai đoạn này.
Với lợi thế vốn đầu tư thấp và thời gian thi công nhanh, việc phát triển nhanh các dự án NLTT đang là phương án hợp lý nhất để công suất lắp đặt có thể bắt kịp sự tăng trưởng nhanh của phụ tải điện. Ngoài ra, việc tăng tỷ trọng sử dụng nguồn điện NLTT giúp EVN giảm bớt rủi ro biến động giá nhiên liệu than & khí.
“Trong thực tế, rủi ro này đã cho thấy sự tác động khá lớn trong hoạt động điều độ hệ thống điện các nước trên thế giới và Việt Nam trong năm 2022, khi giá nhiên liệu tăng mạnh ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraina”, KIS Việt Nam đánh giá.
Xu hướng phát triển xanh
Theo KIS Việt Nam, một trong bốn mục tiêu lớn tại hội nghị thượng đỉnh COP 26 là giảm phát thải từ 2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050. Một trong những giải pháp đề ra là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng – thu hẹp sự phát triển của nguồn điện hóa thạch và gia tăng các nguồn năng lượng tái tạo.
Ở góc độ vi mô, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chú trọng đến hoạt động sản xuất từ các nguồn năng lượng xanh và các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các nỗ lực net-zero trong hoạt động sản xuất cũng được thực hiện thông qua hoạt động mua các tín chỉ cacbon, các tín chỉ này một phần có thể được cung cấp từ các nhà máy NLTT.
KIS Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ hội nhập khá nhanh, hiện đang đứng trước các cơ hội đón nhận dòng vốn FDI nhờ các lợi thế về chi phí sản xuất, sự tái phân bổ chuỗi cung ứng – sản xuất và thị trường tiêu thụ quy mô lớn – tăng trưởng nhanh.
Do vậy, hoạt động tìm kiếm các nguồn NLTT cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp FDI dự báo sẽ ngày càng lớn hơn song song với quá trình hội nhập của nước ta trong các giai đoạn tới đây.
Về định hướng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2023-2045, KIS Việt Nam dự báo trong ngắn hạn - 2024, sản lượng điện gió sẽ được cải thiện đáng kể trong cơ cấu sản lượng huy động hệ thống điện, chủ yếu đến từ việc chấp thuận cơ chế giá tạm các dự án NLTT chuyển tiếp của Bộ Công Thương. Từ đó có thể giúp hệ thống điện huy động tối đa thêm 4.184MW trong 2023, tăng gấp hai lần so với đầu năm.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán này cũng đặc biệt lưu ý rằng, mặc dù có thể ghi nhận sự tăng trưởng nhanh về sản lượng sau sự chấp thuận chính sách giá tạm của Bộ Công Thương. Cơ sở để giúp các dự án điện gió chuyển tiếp có thể cải thiện tốt hơn doanh thu và dòng tiền hoạt động so với giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, các dự án chuyển tiếp sẽ vẫn rất khó để có được mức lợi nhuận dương (mức giá tạm hiện chỉ tương đương với 70% giá thành sản xuất điện) cho đến khi có thể hoàn tất các thủ tục đàm phán giá điện với EVN.
Trong trung và dài hạn, theo KIS Việt Nam, với lợi thế rất lớn về chi phí phát điện, các dự án điện gió đang là phương án khả dĩ nhất cho việc ổn định hệ thống điện Việt Nam giai đoạn 2025-2030 trong bối cảnh các dự án nguồn điện chủ động đang triển khai khá chậm.
Giá trần giảm 20-30% so với mức giá FIT
Theo QHĐ8, điện gió là nguồn điện được định hướng phát triển nhanh nhất hệ thống trong các giai đoạn. Cụ thể, công suất lắp đặt nguồn điện gió đến 2045 sẽ lên đến 60,6 GW, gấp 14,7 lần so với con số cuối năm 2022, tốc độ tăng trưởng kép bình quân CAGR 2022-2045 đạt mức 12,4%/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu 2023-2035 tốc độ tăng trưởng của điện gió dự báo ở mức rất cao: 2022-2025: 40,0%, 2025-2030: 9,7% và 2023-2035: 12,3%.
Mặc dù đánh giá cao triển vọng tăng trưởng nguồn điện gió trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vẫn còn một số rào cản cần được giải quyết bao gồm hoàn thiện chính sách giá, năng lực truyền tải và nguồn điện chủ động để tạo nền tảng phát triển nguồn NLTT theo định hướng QHĐ8.
Liên quan đến các chính sách về giá, KIS Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo về chính sách giá cho các dự án NLTT mới. Do đó, trước khi Bộ Công Thương chính thức ban hành chính sách này rất khó để các chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục xây dựng đấu nối các dự án.
Ngoài ra, nếu tham khảo mức giá trần của các dự án NLTT chuyển tiếp trong Quyết định 21/QĐ-BCT ban hành vào tháng 01/2023 vì phương thức tiếp cận cho việc tính toán khung giá mua điện của hai loại dự án khá tương đồng, có thể thấy mức giá trần đang được áp dụng cho các dự án NLTT chuyển tiếp đã điều chỉnh giảm 20-30% so với mức giá FIT trước đây.
“Vì vậy, cơ chế giá mới được áp dụng sẽ sàng lọc kỹ hơn về năng lực tài chính các chủ đầu tư có thể tham gia phát triển dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cho rằng điều này sẽ mở ra một lợi thế rất lớn đối với các chủ đầu tư có nguồn lực tài chính mạnh mẽ và chi phí tài trợ thấp”, KIS Việt Nam nhận định.
Có thể bạn quan tâm
Cần có chính sách thu hút đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo
17:08, 12/10/2023
Chính sách năng lượng tái tạo cần đáp ứng nguyện vọng nhà đầu tư
05:00, 06/10/2023
Dư địa nào để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo?
10:29, 26/09/2023
Chuyển đổi xanh và tăng trưởng trung hạn: Bài 2 - Đầu tư năng lượng tái tạo
11:00, 25/09/2023
Cơ chế ổn định phát triển năng lượng tái tạo
01:00, 19/09/2023