Chính sách năng lượng tái tạo cần đáp ứng nguyện vọng nhà đầu tư

PHƯƠNG THANH 06/10/2023 05:00

Doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mục tiêu rõ ràng để phát triển các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam, tuy nhiên động lực và kế hoạch để triển khai dự án đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

>>Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp

Chính sách năng lượng tái tạo cần phản ánh nguyện vọng nhà đầu tư

Ông Nguyễn Như Thức - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom holdings

Nhìn lại chặng đường đã qua ngành Năng lượng đã có những bước tiến vượt bậc đưa Việt Nam vươn lên đứng đầu Đông Nam Á về phát triển năng lượng sạch, đóng góp chung vào thành quả đó không thể thiếu những nỗ lực cố gắng của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Để hiểu hơn về những thuận lợi, cũng như thách thức, khó khăn, trăn trở về sự phát triển cúa ngành năng lượng tái tạo (NLTT) trong tương lai, Diễn đàn Doanh nghiệp phỏng vấn lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư Hacom holdings xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch ông đánh giá thế nào về thị trường năng lượng tái tạo hiện nay?

Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một mốc chính sách quan trọng của Việt Nam nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia và thực hiện cam kết phát thải ròng “0” vào năm 2050.

Cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển các dự án năng lượng đã có, tuy nhiên các giải pháp để làm cho thị trường chuyển động theo các mục tiêu đề ra thì các bên cung cầu chưa được khớp với nhau.

Chẳng hạn như Hacom chúng tôi hiện nay có chiến lược, có mục tiêu rõ ràng nhưng động lực để triển khai dự án và mức đáp ứng các nguyện vọng để khớp với nhu cầu trên thị trường đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Toàn cảnh tuabin gió công suất 3,0-3,3MW của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - Hacom

Toàn cảnh tuabin gió công suất 3,0-3,3MW của Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 - Hacom

Về mặt chính sách pháp luật, hiện nay Chính phủ và Bộ Công Thương vẫn đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện. Kế hoạch để thực hiện Quy hoạch điện VIII và Dự thảo Thông tư quy định trình tự, phương pháp xây dựng khung giá phát điện; các địa phương vẫn trong quá trình thẩm định Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến 2050. Hiện tại doanh nghiệp rất mong mỏi vì thời gian hoàn thành và có hiệu lực chưa rõ khi nào mới được ban hành.

Đặc biệt là chính sách giá điện cho các dự án NLTT trong giai đoạn tiếp theo còn nhiều băn khoăn từ các nhà đầu tư.

Nếu căn cứ phương pháp khung giá điện cho các dự án NLTT chuyển tiếp hiện nay thì giá điện NLTT trong thời gian tới ở mức thấp hơn kỳ vọng rất nhiều. Mức này rất khó hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước bởi thiết kế công nghệ lõi của dự án là sản phẩm tấm pin mặt trời, tuabin gió vẫn phải nhập khẩu và phụ thuộc vào nhà cung cấp về vấn đề vận hành, bảo trì.

Nếu giá bán điện thấp thì rất khó triển khai để đảm bảo khả thi trong vòng đời dài hạn của dự án. Việc giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện có được dài hạn hay không, có được tăng giá theo thời gian không hoặc có được tính theo đồng tiền ngoại tệ không … đều là những vấn đề mà các quy định chính sách hiện nay chưa rõ ràng và thu hút được các nhà đầu tư.

Ngoài ra, các quy định về cơ chế đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cũng chưa rõ ràng, khó thích hợp với tính chất khó khăn của công tác giải phóng mặt bằng tại các địa phương.

Chính những khúc mắc trên làm cho thị trường NLTT hiện tại chưa thực sự sôi động trở lại như giai đoạn 3 năm trước đây. Tâm lý chờ đợi và thận trọng vẫn phủ bóng các nhà đầu tư.

Cá nhân tôi đánh giá nếu chính sách về giá điện và lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới không phản ánh kỳ vọng hợp lý của các nhà đầu tư thì rất khó để đảm bảo triển khai nguồn NLTT theo đúng chỉ tiêu Quy hoạch điện VIII đã đề ra, thậm chí doanh nghiệp trong nước có nguy cơ nhường thị phần cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào và lãi vay vốn thấp hơn nhiều và điều này sẽ không tốt cho khía cạnh an ninh năng lượng quốc gia.

>>Chuyển đổi xanh và tăng trưởng trung hạn: Bài 2 - Đầu tư năng lượng tái tạo

Trong xu thế chung về mục tiêu giảm phát thải và chuyển dịch năng lượng tại các quốc gia, ông sẽ đặt những mục tiêu nào cho Hacom trong thời gian tới?

Trạm biến áp 220kV và Khu nhà điều hành Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) tại Ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu

Trạm biến áp 220kV và Khu nhà điều hành Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) tại Ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu

Góp chung vào công cuộc chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải nhà kính, Công ty CP Đầu tư Hacom Holding cũng đầu tư vào các dự án năng lượng điện gió, điện mặt trời, thủy điện tại nhiều địa phương như Ninh Thuận, Đăk Nông, Quảng Trị, Thanh Hóa, Bạc Liêu… 

Đặc biệt, Công ty đang vận hành một số Nhà máy điện gió, mặt trời với tổng công suất phát điện gần 200MW, cùng với khoảng gần 1000MW đã được đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn đến 2030 tại các địa phương.

Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa vào vận hành thêm ít nhất 500MW điện NLTT góp phần vào mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh, sạch, thân thiện môi trường của đất nước. Ngoài ra, các dự án của Hacom Holdings đều đăng ký ban hành các tín chỉ NLTT hoặc tín chỉ carbon, có thể giao dịch trên thị trường carbon quốc tế hoặc bù trừ vào cơ chế giảm phát thải khí nhà kính theo các chương trình hành động quốc gia.

Để giúp cho Hacom nói riêng và ngành năng lượng tái tạo nói chung được phát triển ổn định, bền vững ông có những đề xuất, khuyến nghị nào cần góp ý?

Về mặt chính sách, chúng tôi đề xuất Chính phủ và các bộ ngành cần triển khai các quy định chính sách một cách nhất quán, kịp thời và phản ánh kỳ vọng hợp lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là giá bán điện của các dự án NLTT.

Ngoài ra, các có các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước như chỉ đạo hệ thống ngân hàng ưu tiên cho vay dài hạn đối với các dự án NLTT với lãi suất ưu đãi, ưu đãi đối với các nhà đầu tư chuyển giao công nghệ sản xuất thiết bị chính như tuabin gió, pin mặt trời tại Việt Nam...

Trước mắt cần sớm phê duyệt và ban hành Nghị định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án điện, Kế hoạch để thực hiện Quy hoạch điện VIII và Thông tư quy định trình tự, phương pháp xây dựng khung giá phát điện làm cơ sở pháp lý triển khai các dự án đã được quy hoạch.

Bên cạnh đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ chỉ đạo EVN, Tổng công ty truyền tải điện quốc ta ưu tiên triển khai đầu tư các dự án hạ tầng truyền tải điện, nhằm giải tỏa hết công suất của các dự án đã vận hành và đã được bổ sung quy hoạch, tận dụng tối đa nguồn năng lượng xanh sạch để phát triển kinh tế-xã hội. Cơ sở hạ tầng truyền tải đảm bảo sẽ giúp dự án vận hành đúng phương án tài chính, thu hút các nhà đầu tư và các bên cho vay.

Về mặt triển khai đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề rắc rối. Trong thời gian qua khi triển khai các dự án điện gió và điện mặt trời, việc thỏa thuận đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) với người dân rất khó khăn, nhiều địa phương người dân có những yêu cầu giá bồi thường rất cao và rất phi lý, khó thỏa thuận được. Rất nhiều dự án cả điện gió và điện mặt trời đã lỡ giá FIT vì liên quan đến vấn đề GPMB. Do đó, các nhà đầu tư như Hacom luôn mong mỏi chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thỏa thuận giải phóng mặt bằng với người dân.

Song song với đó, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ và chính quyền tại các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí ngân sách để nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới hạ tầng giao thông vận tải gồm đường xá, các bến thủy, cảng thủy để tạo thuận lợi trong việc vận chuyển thiết bị tuabin điện gió, các thiết bị siêu trường siêu trọng đến công trường dự án, giúp nhà đầu tư giảm chi phí triển khai dự án.

Về công tác vận hành, điện mặt trời hay điện gió tại Việt Nam đều là lĩnh vực còn mới, sau thời gian vận hành phát sinh các vấn đề kĩ thuật cần được xử lý, tuy nhiên các quy định ngành điện chưa thực sự được cập nhật phù hợp với tình hình thực tiễn.

Tôi lấy ví dụ vấn đề tấm pin năng lượng mặt trời, mỗi dự án điện mặt trời sử dụng hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu tấm pin trong vòng đời 20 năm của dự án. Sau vài năm vận hành, một số lượng các tấm pin phát sinh lỗi kĩ thuật cần được thay thế. Nhưng nhiều nhà sản xuất đã thay đổi dây chuyền công nghệ, không còn sản xuất model tấm pin cũ mà dự án đã mua trước đây. Lúc này chủ đầu tư phải lựa chọn các tấm pin model khác, của nhà sản xuất khác có đặc tính kĩ thuật tương đương để thay thế.

Tuy nhiên Giấy phép hoạt động điện lực và nhiều văn bản khác lại quy định chi tiết thông số các tấm pin khiến chủ đầu tư không thể thay thế tấm pin có thông số khác đi một chút dù công suất là tương đương. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần loại bỏ một số thông tin chi tiết trong giấy phép hoạt động điện lực để chủ đầu tư có cơ sở pháp lý để thay thế tấm pin, đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy và phù hợp với nguồn cung cấp trên thị trường tại thời điểm đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Dư địa nào để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo?

    Dư địa nào để Nghệ An phát triển năng lượng tái tạo?

    10:29, 26/09/2023

  • Cơ chế ổn định phát triển năng lượng tái tạo

    Cơ chế ổn định phát triển năng lượng tái tạo

    01:00, 19/09/2023

  • Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong ổn định chính sách

    Huy động vốn vào năng lượng tái tạo: Nhà đầu tư mong ổn định chính sách

    00:30, 15/09/2023

  • Lộ trình chính sách thực hiện 100% năng lượng tái tạo

    Lộ trình chính sách thực hiện 100% năng lượng tái tạo

    03:20, 04/09/2023

  • Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

    Bình Thuận: Đề xuất gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo

    04:00, 15/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách năng lượng tái tạo cần đáp ứng nguyện vọng nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO