Đổi mới công nghệ ở vùng Đông Nam Bộ - Bài 2: Nguyên nhân hạn chế và các giải pháp
Vùng Đông Nam Bộ có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cao hơn so với nhiều vùng nhưng vai trò ứng dụng sản xuất, đời sống xã hội còn hạn chế, chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng...
>>> Đổi mới công nghệ ở vùng Đông Nam Bộ - Bài 1: Thực trạng và các hạn chế
Cho đến thời điểm ghi nhận tại tháng 3/2023, sự phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) thực chất vẫn chưa mạnh, chưa thực sự trở thành trung tâm phát triển KHCN có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước, và TP.HCM chưa có vị trí KHCN của Đông Nam Á lẫn thế giới, mặc dù như ở phần bài viết đầu tiên, kinh tế vùng vẫn ghi nhận những thành tựu về chuyển đổi số.
Những nguyên nhân của tồn tại yếu kém
Về phía Nhà nước và Thành phố:
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030. Nhưng vùng ĐNB và từng tỉnh, thành phố của vùng chưa xây dựng triển khai chiến lược cụ thể về KHCN và đổi mới sáng tạo.
Nhiều cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát triển KHCN chưa đi vào cuộc sống, ví dụ Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý “Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ” của doanh nghiệp. Đến bây giờ gần 7 năm trôi qua số doanh nghiệp áp dụng cơ chế ưu đãi này khoảng 1% số doanh nghiệp đang hoạt động, vì khó áp dụng, thủ tục giải trình phức tạp.
Cơ chế phát triển kinh tế và cơ chế phát triển KHCN của các tỉnh vùng ĐNB chưa thực sự gắn chặt với nhau: sự phát triển KT-XH chưa đặt hàng được cho KHCN, vì thế KHCN nghiên cứu xong cũng ít có điều kiện để ứng dụng hoặc bàn giao cho các sở, ban, ngành triển khai ứng dụng, kết quả nghiên cứu hầu hết mang tính hình thức.
Nguyên nhân chính do KHCN chưa được xem là nhân tố quan trọng quyết định tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của từng tỉnh ĐNB. Các chủ trương chính sách của các tỉnh đều có nói về KHCN, nhưng biện pháp thực thi có nhiều hạn chế, chưa có quyết sách mang tính đột phá về phát triển KHCN chung cho cả vùng và từng tỉnh.
>>>Chính sách phát triển tài sản trí tuệ vùng Đông Nam Bộ
Toàn bộ vùng ĐNB chưa có đầu mối chung và từng Sở KH-CN thành phố, tỉnh trong vùng chưa thực hiện tốt chức năng tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc lựa chọn hướng nghiên cứu, chọn sản phẩm có lợi thế và tiềm năng phát triển và đề xuất giải pháp tốt nhất là về cơ chế chính sách để phát triển các sản phẩm KHCN đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các chính sách lương và các ưu đãi khuyến khích sinh viên, người lao động học các ngành kỹ thuật, công nghệ cao chưa đi vào cuộc sống. Trong khi đó nguồn nhân lực này đóng vai trò quan trọng nhất cho thực hiện cách mạng công nghệ 4.0 và phát triển ứng dụng KHCN trong các doanh nghiệp.
Các tỉnh vùng ĐNB, trong đó có TP.HCM chưa có chính sách khuyến khích các công ty công nghệ cao đến thành phố thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Chưa quản lý triệt để và có hiệu quả vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đây là rào cản hạn chế phát triển KHCN.
Tóm lại, vùng Đông Nam Bộ chưa có cơ chế chính sách và đầu tư mang tính đột phá cho đổi mới và phát triển KHCN đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ 4.0.
Về phía doanh nghiệp:
Có thể thấy các doanh nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa thực sự quan tâm đổi mới công nghệ. Cụ thể:
Các doanh nghiệp ở vùng ĐNB chưa có chiến lược với các biện pháp và bước đi cụ thể đầu tư cho đổi mới công nghệ và ứng dụng công nghệ 4.0. Theo quy định của Chính phủ, hàng năm, Doanh nghiệp Nhà nước ở TP.HCM phải trích mức độ đầu tư cho đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp trong Khu chế xuất, Khu công nghiệp chỉ khoảng 0,3% trên doanh thu/năm, chủ yếu là mua sắm công nghệ phần cứng (máy móc,trang thiết bị); trong khi ở Ấn Độ là 5% và Hàn Quốc là 10%.
Ứng dụng công nghiệp số trong sản xuất, thương mại, dịch vụ, nối kết thị trường còn hạn chế. Thực tế số doanh nghiệp của thành phố, đặc biệt DNNVV hiểu biết về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế.
Vốn thiếu, khả năng tiếp cận đến các nguồn vốn khó khăn ảnh hướng đến ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0 trong sản xuất và kinh doanh dịch vụ.
Trong báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gởi Chính phủ năm 2016 cũng từng đặt câu hỏi: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước; tại sao giới doanh nhân lại chưa thực sự quan tâm tới việc đổi mới công nghệ và ít đặt hàng với các nhà khoa học trong nước để tìm ra những giải pháp tiết kiệm nhất cho sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới và thay thế các máy móc ngoại nhập?”.
Những giải pháp tăng "hàm lượng" công nghệ
Để vùng ĐNB mà hạt nhân là TP.HCM trở thành trung tâm KHCN của cả nước và vùng Đông Nam châu Á, chúng tôi đề xuất:
Từ cấp quản lý khoa học và công nghệ ở Trung Ương đến địa phương cấp tỉnh/ thành phố vùng ĐNB tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Các chiến lược, chương trình phát triển KHCN các tỉnh/ thành phố khu vực ĐNB cần xây dựng và lồng ghép nhiệm vụ, kế hoạch/đề án phát triển thị trường KHCN vào kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm. Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh/thành phố của vùng ĐNB phải có chương trình giám sát thực hiện kế hoạch KHCN và đổi mới sáng tạo ở địa phương mình.
Mỗi tỉnh/thành phố vùng ĐNB tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả mục tiêu tổng quát và 9 mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030 được Thủ tướng Chính Phủ thông qua ngày 22/05/2022. Các tỉnh vùng ĐNB nên có chiến lược (Quy hoạch) chung về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; Có chương trình hành động chung của các tỉnh ĐNB về phát triển thị trường công nghệ, cụ thể:
Xây dựng cơ chế chung thúc đẩy phát triển nguồn cung và cầu của thị trường KHCN, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng ĐNB. Sở KH-CN từng tỉnh gợi ý để chính quyền địa phương cấp tỉnh Ban hành các cơ chế hỗ trợ giúp tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và kết nối cung cầu giữa bên mua và bên bán các sản phẩm KHCN đã được thương mại hóa.
Đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới tổ chức trung gian trên cơ sở kết nối các sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức dịch vụ KHCN tại các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp với các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN.
Đầu tư phát triển các sàn giao dịch công nghệ vùng ĐNB, kết nối liên thông với hệ thống các trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ khu vực châu Á và thế giới.
Các tỉnh/thành phố vùng ĐNB hợp tác tổ chức các sự kiện xúc tiến thị trường KHCN quy mô vùng, quốc gia và quốc tế; quảng bá thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo; lồng ghép, phối hợp với các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư với xúc tiến thị trường KHCN.
Các tỉnh vùng ĐNB phối hợp để từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường KHCN trong nước và quốc tế.
Hợp tác trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thị trường KHCN. Phát triển các doanh nghiệp tiên phong trong mua bán công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn. ứng dụng CN 4.0 trong sản xuất, kinh doanh.
Các tỉnh trong vùng ĐNB đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân, và xã hội để phát triển thị trường KHCN.
Tập trung xây dựng và triển khai thí điểm ở vùng ĐNB chính sách tạo động lực thương mại hoá sản phẩm KHCN, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước, hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân vào sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng chính sách chấp nhận rủi do trong hoạt động KHCN; khuyến khích hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Nhân rộng các mô hình đổi mới sáng tạo, ứng dụng KHCN, trong đó các công nghệ 4.0 vào trong sản xuất kinh doanh.
Xây dựng chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở dữ liệu lớn, chia sẻ dữ liệu, thông tin để đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, khởi nghiệp một cách toàn diện và đồng bộ.
Nâng cấp các vườn ươm công nghệ trong vùng, nâng cao chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tạo ra các “Kỳ Lân” về công nghệ. Tăng cường vai trò của các trường Đại học trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
(*) NGND.GS.TS Võ Thanh Thu - Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), ThS. Phạm Quang Văn -Trường Đại học Công nghệ TP.HCM
Có thể bạn quan tâm
Chính sách phát triển tài sản trí tuệ vùng Đông Nam Bộ
04:00, 04/10/2023
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ
14:30, 12/10/2023
Bình Phước: Tăng trưởng kinh tế cao nhất Đông Nam Bộ
16:22, 12/10/2023
Liên kết logistics - phát triển Đông Nam Bộ
14:25, 12/09/2023