Ngành thủy sản sẽ phục hồi vào năm 2024?
Ngành thủy sản sẽ phục hồi vào năm 2024 khi hàng tồn kho của các thị trường giảm trong năm tới, cùng với đó, giá bột đậu nành giảm sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận.
>>>Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
Xuất khẩu sụt giảm do lạm phát
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho biết, trong 10 tháng năm 2023 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 7,4 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ và cá tra đạt 1,5 tỷ USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Kể từ tháng 8, xuất khẩu cá tra đã thu hẹp đà giảm và tháng 9 đã tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.
Theo Shinhan Việt Nam, năm 2023, lạm phát diễn ra trên toàn cầu khiến cho giá hàng hóa trở nên đắt đỏ, người dân giảm chi tiêu dẫn đến việc tiêu thụ thủy sản giảm sút (bởi thủy sản không phải là thức ăn tiêu thụ thiết yếu với các nước như Mỹ và EU). Tổng tiêu thụ thủy sản trên đầu người trung bình ở Mỹ là 14,6 kg/người/năm.
Xuất khẩu cá tra và tôm nửa đầu năm 2023 liên tục giảm do tồn kho ở thị trường nhập khẩu hàng đầu là Mỹ còn cao, nhu cầu yếu cùng với đó giá tôm của Việt Nam cũng không có sức cạnh tranh với tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ và việc so sánh với mức nền cao của năm ngoái cũng là một nguyên nhân khiến con số giảm khá lớn. Xuất khẩu các loại thủy sản khác cũng giảm ở mức hai chữ số, tuy nhiên mức đóng góp vào tỷ trọng doanh thu không cao.
Nhận định về triển vọng ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2024, Shinhan Việt Nam cho rằng, ngành thủy sản sẽ phục hồi vào năm 2024 khi hàng tồn kho của các thị trường giảm trong năm tới cùng với đó giá bột đậu nành giảm sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Đối với ngành Cá tra, xuất khẩu cá tra sẽ tăng trưởng trở lại khi các nước xử lý hàng tồn kho và lợi thế là sản phẩm giá rẻ. Giá cá tra xuất khẩu đi Mỹ đã có mức giảm sâu kể từ tháng 10/2022, kéo dài đà giảm sang quý III/2023. Hiện nay tồn kho của thị trường Mỹ còn cao dẫn đến việc xuất khẩu sang Mỹ vẫn sẽ bị trì trệ ở quý tới.
Shinhan Việt Nam dự phóng giá cá tra xuất khẩu trung bình sang Mỹ cả năm 2023 sẽ ở mức 3,2 USD/kg và năm 2024 sẽ ở mức 3,8 USD/kg dựa trên kỳ vọng hàng tồn kho ở thị trường Mỹ giảm và nhu cầu quay trở lại.
Thị trường Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam và chủ yếu nhập cá tra xẻ bướm. Thị trường Trung Quốc phục hồi chậm do chưa phục hồi giai đoạn sau COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp cao, cùng với đó thị trường này cũng có yêu cầu về size giá nhỏ hơn so với các thị trường khác.
“Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn khá ổn định bởi sản phẩm cá tra vẫn là sản phẩm giá rẻ. Chúng tôi dự phóng giá bán fillet sang thị trường Trung Quốc năm 2023 sẽ ở mức 2,0 USD/kg và năm 2024 sẽ đạt 2,3 USD/kg”, Shinhan Việt Nam nhận định.
>>>Xuất khẩu thủy sản và triển vọng dịp cuối năm
Đối với ngành tôm, theo Shinhan Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm khoảng 21% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023. Hiện nay, Việt Nam chiếm gần 6%, Ấn Độ chiếm 39%, Ecuador chiếm gần 25% thị phần ở Mỹ. Từ đầu năm đến nay, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm do lạm phát cao nên người dân chuyển sang các sản phẩm đóng hộp và mức hàng tồn kho cao do nhập khẩu nhiều vào cuối năm ngoái.
Cũng theo Công ty Chứng khoán này, kể từ quý II/2023, giá thành sản xuất nước ta đã hạ đáng kể do giá thức ăn (chiếm hơn 60%) giảm sâu. Cùng với đó sản phẩm ViệtNam xuất khẩu sang Mỹ chủ yếu là tôm chế biến sâu và đang chiếm thị phần khoảng 25% (thấp hơn Ấn Độ 1%). Do đó, kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong quý IV với sản phẩm tôm chế biến sâu khi mùa lễ hội đang đến gần.
Những tín hiệu hỗ trợ ngành
Theo Shinhan Việt Nam, thời gian gần đây xu hướng tiêu thụ cá thịt trắng ngày càng tăng bởi những xu hướng ăn kiêng tốt cho sức khỏe. Các loại cá thịt trắng được tiêu thụ chủ yếu là cá minh thái Alaska, cá tuyết, cá rô phi và cá tra. Trong đó, cá tra của Việt nam sẽ có lợi thế nhất do: Cá tra của Việt Nam hưởng mức thuế suất nhập khẩu là 0%, trong khi, cá rô phi Trung Quốc bị đánh mức thuế 25% nên cá tra của Việt Nam sẽ có lợi hơn về giá; Mỹ và EU ưa chuộng cá khai thác tự nhiên như cá tuyết và cá minh thái Alaska.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa chính thức ban hành kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 19 (POR19) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Theo đó, có hai doanh nghiệp bị đơn bắt buộc được DOC sơ bộ xác định mức thuế chống bán phá giá là VHC 0.00USD/kg và CCA 0.14USD/kg.Các doanh nghiệp còn lại nhận mức thuế toàn quốc ở mức 0.14USD/kg.
Ngoài ra, giá bột đậu nành đang có chiều hướng giảm xuống điều đó sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nuôi cá tra bởi chi phí thức ăn chiếm phần lớn trong giá vốn sản xuất.
Tôm Việt Nam tuy khó cạnh tranh trong mảng tôm đông lạnh tuy nhiên lại khá có lợi thế trong mảng tôm chế biến sâu. Thị phần tôm chế biến sâu của Việt Nam là cao nhất thế giới với gần 41%, trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm hơn 37% thị phần chỉ sau Thái Lan với 38,5%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng hàng năm đang ở mức 7%, trong khi, Thái Lan là -17%. Tại thị trường Mỹ, nước ta chiếm gần 25% thị phần đứng sau Ấn Độ (26%) và Indonesia (28%).
“Có thể thấy thị phần của Việt Nam tại các nước phát triển là khá cao và chỉ thấp hơn các nước xuất khẩu lớn khoảng 1-2%. Tuy nhiên, giá bán lại cao hơn từ 10-25%. Nếu nước ta duy trì được thị phần tôm chế biến sâu, nâng cao tay nghề và tận dụng được các hiệp định miễn, giảm thuế từ EVFTA, CPTPP và thuế chống bán phá giá thì thị phần sẽ có cơ hội được mở rộng trong những năm tới nhất là khi thuế nhập khẩu vào EU cho tôm chế biến sâu sẽ về mức 5% trong năm 2025 và 0% trong năm 2027”, Shinhan Việt Nam đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu hồi phục, cổ phiếu ngành thủy sản có được hưởng lợi?
04:45, 07/10/2023
Cổ phiếu ngành thủy sản tăng “nóng” khi Trung Quốc cấm thủy sản Nhật Bản
04:30, 26/08/2023
Ngành Thuỷ sản: Nhu cầu yếu cản trở sự phục hồi
13:30, 08/06/2023
Ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023?
04:45, 12/01/2023
Ngành thủy sản và xu thế tất yếu chuyển đổi xanh
10:10, 29/11/2022