TKV: Không để thiếu than cho điện
Với quan điểm “Không để thiếu than cho điện”, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đang tăng tốc sản lượng than cao nhất để đáp ứng tối đa các chủng loại than cho tiêu thụ.
>>>Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV): Chủ động trước biến động!
>>>Quảng Ninh: Giải pháp nào cho những bãi thải của TKV?
Phải đảm bảo năng lực sản xuất…
Vừa qua, Bộ Công Thương có văn bản số 1225/BCT-DKT về việc đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo năng lực sản xuất than, thực hiện mọi giải pháp đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện theo đúng hợp đồng mua bán, cung cấp than đã ký, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước để tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.
Trước đó, Bộ Công Thương đã nhận được một số văn bản của một số chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than báo cáo về việc TKV cung cấp không đủ khối lượng than trong 2 tháng đầu năm 2022 theo hợp đồng mua bán, cung cấp than đã ký.
>>>Dự án nghìn tỷ của TKV 10 năm vẫn dở dang
Theo số liệu báo cáo từ Bộ Công Thương trong tháng 2 đầu năm, tổng khối lượng than thực cấp của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cấp cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN chỉ tương đương 69,24% khối lượng hợp đồng đã ký và thấp hơn nhiều so với nhu cầu vận hành của các nhà máy này.
Theo lãnh đạo TKV cho biết: Thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2022, TKV đã và đang chủ động thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đáp ứng than cho khách hàng, nhất là cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện. Năm 2022, TKV giao Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả tiêu thụ hơn 55,4 triệu tấn than; than mua mỏ hơn 54,5 triệu tấn. Mặc dù từ đầu năm đến nay, đơn vị ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19 cộng với giá than nhập khẩu, nhiên liệu tăng mạnh dẫn đến Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, các phân xưởng trong Công ty đã linh hoạt nhiều giải pháp, vượt qua khó khăn hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Quản đốc Phân xưởng Vận tải xếp dỡ, cho biết: Phân xưởng Vận tải xếp dỡ có nhiệm vụ chính đảm bảo khai thác dịch vụ vận tải, bốc xếp đường thủy, quản lý khai thác 15 đoàn tàu đẩy sà lan trọng tải 2.100-2.300 tấn, 2 cẩu nổi, 1 tàu kéo Than Việt Nam 02. Phạm vi hoạt động của Phân xưởng trải dài từ các cảng khu vực Quảng Ninh đến cảng tại khu vực Hải Phòng, Hải Dương (vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng). Năm 2022, Công ty giao cho Phân xưởng bốc xếp 1 triệu tấn hàng, vận tải 1,9 triệu tấn hàng. Giai đoạn cuối tháng 2/2022, tại thời điểm dịch diễn biến phức tạp, một số trường hợp người lao động của đơn vị ở các vị trí thuyền viên, thuyền trưởng đoàn sà lan mắc COVID-19, nguy cơ thiếu nhân lực sản xuất. Để không bị đứt gãy dây chuyền sản xuất, Phân xưởng có nhiều cách điều hành sản xuất linh hoạt, phù hợp ở từng thời điểm.
Đến nay sản lượng vận tải đạt 368.000 tấn, sản lượng bốc xếp đạt gần 150.000 tấn, tổng doanh thu hơn 15 tỷ đồng. Toàn đơn vị phấn đấu hết tháng 3/2022 các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch được giao, đảm bảo đời sống, thu nhập ổn định cho người lao động.
Cùng với Phân xưởng Vận tải xếp dỡ, hiện nay nhiều phân xưởng trong Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả đang triển khai những giải pháp phòng chống dịch, cắt giảm chi phí đầu vào của sản xuất, phấn đấu tiêu thụ than ở mức cao nhất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng than, không để tồn kho than tại các đơn vị sản xuất làm thiếu hụt than giao cho khách hàng. Dự kiến quý I/2022, Công ty phấn đấu tiêu thụ hơn 13,8 triệu tấn than.
Được biết, hiện sản lượng than cung cấp cho nhiệt điện năm 2022 tăng và chiếm chủ yếu sản lượng than sản xuất của TKV, Bộ Công Thương đang yêu cầu TKV đáp ứng đủ than cấp cho nhiệt điện theo các hợp đồng đã ký kết, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.Trước đó, theo phản ánh nhà máy Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1 cũng không được cung cấp đủ than theo như hợp đồng cung cấp than đã ký từ cuối năm 2013, như vậy có thể dẫn tới nguy cơ phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.
Hiện, TKV đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị khắc phục khó khăn của dịch bệnh, có giải pháp trước mắt về huy động lao động, bố trí sản xuất cũng như giải pháp lâu dài, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, về giá than, nhập khẩu than. Đặc biệt đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, đáp ứng than cho nền kinh tế, nhất là than cho nhiệt điện, trong đó có 3 nhà máy nhiệt điện BOT gồm: Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Mông Dương và Hải Dương.
Không để thiếu
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương từ đầu năm 2022 đến nay, TKV đã yêu cầu các đơn vị thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo sản xuất, đáp ứng than cho khách hàng. Hiện nay, các đơn vị đang nỗ lực phòng chống dịch, nhanh chóng điều trị các trường hợp công nhân, lao động là F0, có phương án bố trí lao động, sản xuất phù hợp để giữ ổn định sản xuất, cung cấp than cho các khách hàng, nhất là than cho nhiệt điện. Căn cứ nhu cầu của thị trường và tình hình thực tế, cùng với đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng, chế biến, tiêu thụ chủng loại than, TKV còn tăng cường công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ than chất lượng cao, phân công các đơn vị có tài nguyên và điều kiện sản xuất than chất lượng cao như Than Đèo Nai, Cao Sơn, Hà Lầm, Nam Mẫu, Vàng Danh..., ưu tiên giao than chất lượng tốt cho các nhà máy tuyển để chế biến, chuẩn bị đủ chân hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.
Theo báo cáo của TKV, tính riêng 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng than nguyên khai đạt 6,38 triệu tấn, than sạch thành phẩm 6,14 triệu tấn, than tiêu thụ 6,69 triệu tấn, bóc đất đá 16,62 triệu m2, đào 32.577m lò; nộp ngân sách nhà nước 2.600 tỷ đồng; tiền lương bình quân của cán bộ, công nhân đạt 14,58 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến quý I/2022, TKV sản xuất đạt 10,37 triệu tấn than, đạt 26,5% kế hoạch năm; than tiêu thụ 11,46 triệu tấn, đạt 26,66% kế hoạch năm.
Theo ông Đặng Thanh Hải - Tổng Giám đốc TKV cho biết: thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của TKV tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19, đồng thời động viên, kêu gọi cán bộ, công nhân tăng thời gian làm việc, tăng thời gian hữu ích, năng suất lao động, xây dựng các kịch bản ứng phó với diễn biến thị trường nguyên nhiên, vật liệu đầu vào, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị để tăng sản lượng than khai thác; huy động tối đa sản phẩm than phục vụ nhu cầu hiện nay của thị trường; cân đối phân phối than cho từng khách hàng, đặc biệt ưu tiên than cho nhiệt điện.
Đến thời điểm hiện nay, số lao động huy động của TKV đã tăng lên và đảm bảo sản xuất với sản lượng 150.000 tấn than nguyên khai/ngày. Với quan điểm “không để thiếu than cho điện”, TKV đang tăng tốc tập trung sản xuất sản lượng than cao nhất có thể, đáp ứng tối đa các chủng loại than cho tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm