Cảng Hải Phòng: Nhiều chính sách được áp dụng trong dịp nghỉ lễ 2/9
Cảng Hải Phòng vừa có thông báo gửi các hãng tàu, đại lý hãng tàu và khách hàng về việc áp dụng chính sách miễn lưu container trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (thời gian từ ngày 1 đến ngày 4/9/2022).
>>>Bộ Tài chính đề nghị Hải Phòng nghiên cứu đề xuất không thu phí hạ tầng hàng thuỷ nội địa
>>>Hải Phòng: Tạm giữ tàu biển đâm vào cầu tàu, trụ cần cẩu cảng
Từ áp dụng chính sách
Trong đó, đối tượng được Cảng Hải Phòng áp dụng chính sách miễn lưu là container có hàng nhập từ tàu (trừ container lạnh có sử dụng điện). Khu vực áp dụng chính sách miễn lưu là chi nhánh Chùa Vẽ và chi nhánh Tân Vũ.
Trong trường hợp thời gian miễn lưu trùng với thời gian miễn lưu quy định trong hợp đồng và các văn bản liên quan khác thì thời gian miễn lưu không được cộng lũy tiến vào thời gian miễn lưu được quy định trong hợp đồng giữa Cảng với các hãng tàu, đại lý và khách hàng. Ngoài ra, chính sách miễn lưu không áp dụng đối với container hàng nhập tàu đối với khách hàng không ký hợp đồng với Cảng Hải Phòng.
Trước đó, Cảng Hải Phòng chính thức triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, qua đó cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận, thanh toán trực tuyến cho các container qua Cảng Tân Vũ trên trang website https://eport.haiphongport.com.vn. Các dịch vụ đăng ký lệnh trên ePort bao gồm lệnh lấy nguyên, hạ hàng, hạ vỏ, cấp rỗng, lệnh dịch vụ kiểm dịch, kiểm hóa, đóng, rút container, lệnh cân…Các phương thức thanh toán trực tuyến được hỗ trợ như ví điện tử VNPay, thẻ ATM nội địa, hệ thống cho phép cấp lệnh đối với cả hai hình thức hợp đồng thanh toán tiền ngay và tiền sau.
Dịch vụ cảng điện tử ePort của Cảng Hải Phòng hướng tới hai nhóm gồm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Khách hàng doanh nghiệp bao gồm các công ty giao nhận, logistics, các đơn vị vận tải và hãng tàu, đại lý hãng tàu. Khách hàng cá nhân là những người làm dịch vụ đơn lẻ thay mặt doanh nghiệp để đăng ký thủ tục giao nhận hàng hóa tại cảng.
Hệ thống ePort của cảng gồm hai nhóm dịch vụ chính là cung cấp dịch vụ đăng ký giao nhận hàng hóa và cung cấp môi trường trao đổi dữ liệu lệnh giao nhận điện tử eDO, tra cứu container giữa hãng tàu và cảng.
Khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân sau khi sử dụng dịch vụ cảng điện tử ePort đều nhận định, việc triển khai dịch vụ này đã góp phần hiện đại hóa, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cải tiến thủ tục quy trình giao nhận, thanh toán điện tử và giao nhận hàng hóa thuận tiện theo hướng đơn giản, nhanh chóng. Từ đó, giảm thời gian khách hàng trực tiếp đến giao dịch tại cảng; giảm thời gian xe dừng đỗ tại các cổng cảng làm thủ tục và giảm ách tắc giao thông tại cổng cảng.
Đối với Cảng Hải Phòng, việc triển khai dịch vụ cảng điện tử ePort cũng góp phần hạn chế việc giao dịch trực tiếp giữa khách hàng và cán bộ nhân viên tại quầy thủ tục. Cùng với đó, giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm COVID-19, góp phần nâng cao hiệu quả của đơn vị trong việc ứng phó và phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh, trong thời gian tới, khi các chi nhánh cảng khác trong Công ty được đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cũng như kết nối thông tin, Cảng Hải Phòng sẽ xây dựng kế hoạch để triển khai ePort rộng rãi trong toàn công ty.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải tiến quy trình thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, Cảng Hải Phòng đã xây dựng nhiều giải pháp hiệu quả để lan tỏa văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm” trong toàn thể cán bộ công nhân viên.
Với lợi thế sở hữu 3 đơn vị xếp dỡ có quy mô lớn tại Hải Phòng, Cảng Hải Phòng cũng chủ động đề xuất với cơ quan Hải quan cho linh hoạt điều chuyển hàng hóa và tàu giữa các chi nhánh cảng trong trường hợp có nguy cơ tồn đọng hàng hóa.
Chính vì vậy, chỉ số hiệu quả cảng biển của Cảng Hải Phòng, đặc biệt là Cảng Tân Vũ luôn được ghi nhận trong số các cảng biển tốt nhất thế giới. Trong tương lai, dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện của Cảng Hải Phòng hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng cho các hãng tàu với khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT giảm tải. Đây sẽ là nơi mở ra nhiều hơn sự hợp tác và là mục tiêu mà Cảng Hải Phòng đang phấn đấu để có thể cung cấp cho các khách hàng dịch vụ chất lượng nhất. Cảng Hải Phòng luôn song hành với các đối tác trên tinh thần “Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro“.
…Đến nỗ lực khai thác
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Bộ Chính trị vừa có NQ số 45 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2045, Hải Phòng sẽ phát triển với 3 trụ cột chiến lược là cảng biển, công nghiệp và du lịch thương mại.
Trong đó, cảng biển được đưa lên hàng đầu. TP Hải Phòng sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế.
Được biết, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng trong tháng 7 đạt 6,791 triệu tấn (giảm 0,9% so với tháng 6). Thời tiết nắng nóng, mưa giông cục bộ gây nhiều hạn chế cho hoạt động khai thác của cảng.
Được biết, sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng trong tháng đạt 2,528 triệu tấn, hàng container đạt 122.300 Teu. Trong đó, hàng container nội địa có xu hướng tăng nhẹ. Hàng container xuất khẩu và một số mặt hàng ngoài container giảm. Tuy nhiên sản lượng xe ô tô khai thác trên tàu RORO tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ tăng mạnh, đạt 5.800 xe (tăng 28,9% so với kế hoạch và tăng 36,3% so với tháng 6/2022). Toàn cảng đón và khai thác 148 lượt tàu, trong đó 91 lượt tàu container.
Với các giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong công tác thị trường, tăng cường tiết giảm chi phí, mặc dù sản lượng hàng hóa chỉ đạt 97,6% kế hoạch đề ra nhưng các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của Cảng Hải Phòng đều tăng cao so với kế hoạch và kết quả thực hiện cùng kỳ. Cụ thể, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 161,704 tỷ đồng (tăng 5,8% so với kế hoạch, tăng 19,3% so với cùng kỳ); Lợi nhuận hợp nhất đạt 42,563 tỷ đồng (tăng 56,5% so với kế hoạch, tăng 31,9% so với cùng kỳ).
Cảng đón thêm 1 tuyến dịch vụ mới của hãng tàu ZIM khai thác tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ kết nối Shanghai – Ningbo – Haiphong – Xiamen – Shanghai, dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng cao của các tuyến nội Á.
Bên cạnh việc phát triển thêm các tuyến dịch vụ mới, Cảng Hải Phòng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số toàn diện để tạo những bước phát triển nhanh, bền vững. Trong tháng 7, Cảng Hải Phòng đã triển khai ứng dụng hệ thống quản lý container TOS tại Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ và vận hành thí điểm hệ thống tự động quản lý container nhập, xuất qua cổng Smartgate tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý container theo hướng hiện đại và tạo thêm nhiều thuận lợi, tiện ích cho khách hàng khi thực hiện các tác nghiệp tại Cảng.
Dự án Đầu tư xây dựng hai bến container số 3,4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng chính thức được triển khai thi công tại hiện trường vừa qua là một bước tiến quan trọng trong công tác đầu tư mở rộng của Cảng Hải phòng theo xu hướng tiến xa ra biển, hướng tới đón những chuyến tàu tải trọng đến 100.000 DWT, nâng cao lợi thế cạnh tranh, và khẳng định vị trí chủ lực của Cảng Hải Phòng trong hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc.
Có thể bạn quan tâm