Cơ hội kinh doanh cho doanh nhân nữ Việt Nam tại tỉnh Kaluga (Liên bang Nga)
Thống đốc Shapsha Vladislav Valerievich - Chính phủ tỉnh Kaluga (Liên bang Nga), lãnh đạo Hiệp hội Doanh nhân Nữ Việt Nam và Tập đoàn TH trao đổi về cơ hội kinh doanh tại Nga.
>>> Khánh thành giai đoạn 1 trang trại của Tập đoàn TH tại Nga
Thống đốc Shapsha Vladislav Valerievich và đoàn lãnh đạo Kaluga đã cùng với lãnh đạo Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam VAWE do Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch VAWE chủ trì tiếp đón. Anh hùng Lao động Thái Hương cũng là Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH, doanh nghiệp Việt Nam đang có dự án đầu tư nông nghiệp quy mô lớn nhất tại Liên bang Nga nói chung và tại Vùng Kaluga nói riêng. Cùng tham gia tiếp Thống đốc và đoàn công tác với bà Thái Hương, còn có Phó Chủ tịch VAWE Nguyễn Thị Bảo Hiền, Tổng thư ký VAWE Đào Mai Hoa, những người cũng đang điều hành các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Đồng thời, sự kiện cũng có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp đang có những dự án đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới như Vinfast, TH Group…
Thống đốc Shapsha Vladislav Valerievich chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, hình thức gặp mặt và trao đổi như ngày hôm nay thì chúng tôi cũng ít thấy, dù ở bất kể quốc gia nào. Thường các cuộc gặp diễn ra đều có đại diện của các doanh nghiệp và có các nữ doanh nhân, nhưng tôi chưa thấy sự kiện nào mà có sự tham dự của nhiều nữ doanh nhân như trong cuộc gặp ngày hôm nay. Và đương nhiên, các nữ doanh nhân của chúng ta không hề thua kém những nam doanh nhân về mọi mặt”.
Đặc biệt trong số đó, Thống đốc tỉnh Kaluga dành sự cảm mến đối với Anh hùng Lao động Thái Hương: “Một người phụ nữ vô cùng đặc biệt, vô cùng tuyệt vời. Bởi không hề dễ dàng để có thể tạo dựng cả một “đế chế nông nghiệp” tại đất nước mình, chứ chưa nói đến vươn ra thế giới như bà. Hiện giờ, TH Group đang triển khai nhiều dự án ở tỉnh Kaluga. Trong số đó, một cụm trang trại bò sữa công nghệ cao đã đi vào hoạt động, Cụm trang trại và nhà máy chế biến sữa được xây dựng theo tiến độ. Các bước phát triển của TH Group tại tỉnh Kaluga là kinh nghiệm quý báu trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Về phần mình, với vai trò là người đứng đầu của Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam VAWE, Anh hùng Lao động Thái Hương đã tích cực kết nối để đại diện các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi trực tiếp với Thống đốc Shapsha Vladislav Valerievich và lãnh đạo Chính phủ tỉnh Kaluga. Chia sẻ động lực triển khai dự án đầu tư nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam tại Liên bang Nga, bà Thái Hương khẳng định: “Trên các chặng đường mà doanh nghiệp TH của tôi đã đi qua, có những thời khắc tôi gọi là cơ duyên. Tôi sang Nga trong thời kỳ Liên bang Nga bị các nước Phương Tây cấm vận và đang gặp vấn đề thiếu hụt sữa. Tôi nhận ra đây là thời điểm vàng trong kinh doanh, bởi tôi sẽ sản xuất được sữa tươi sạch tại đây. Lý do thứ hai thúc đẩy tôi triển khai hoạt động đầu tư ngay lập tức là vì sự tri ân. Khi đất nước mình có chiến tranh, người Nga đã không tiếc sức người sức của để ủng hộ nhân dân Việt Nam. Sự tri ân tạo nên cảm xúc để tôi bước chân sang Nga”
Theo Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, từ kinh nghiệm thực tiễn của TH, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Nga sẽ có cơ hội tiếp cận 2 nguồn lực quan trọng. Một là nguồn lực về tài chính, hai là nguồn lực về chính sách của nhà nước. Về chính sách, Liên bang Nga luôn đảm bảo tính nhất quán trong các cam kết với nhà đầu tư. “Từ khi tôi sang Nga cho đến tận thời điểm này, các chính sách vẫn được bảo lưu. Chính quyền lập các nhóm nhân sự hỗ trợ, trực tiếp sâu sát từng dự án, thúc đẩy các giai đoạn dự án hoàn thành tiến độ chứ không hề gây khó khăn hay đòi hỏi thủ tục. Quan trọng nhất, các cam kết đó luôn được đảm bảo”. Về vốn đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam có thể được các ngân hàng Nga hỗ trợ vay vốn tới 80%. Ngoài ra, logistics cũng rất thuận lợi. Từ Nga, hàng hóa có thể được vận chuyển đi khắp thế giới, rất thuận tiện cho các thị trường xung quanh như Việt Nam, Trung Quốc, Châu Á Thái Bình Dương… “Chỉ cần tìm ra con đường đầu tư, có một bản kế hoạch tương lai bài bản”, bà Thái Hương đúc kết.
Tham dự sự kiện, Phó Chủ tịch VAWE Nguyễn Thị Bảo Hiền cũng khẳng định: “Hiệp hội doanh nhân Cựu Chiến binh, hay Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam rất cần những thị trường như tỉnh Kaluga để xuất khẩu hàng hóa, mở rộng ngành nghề, tìm thêm cơ hội đầu tư. Các nội dung trao đổi hôm nay chắc chắn sẽ được phổ biến rộng rãi đến các cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam”.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, Chủ tịch toàn cầu Vinfast, cũng chia sẻ: “Cảm ơn chị Thái Hương đã có những chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư ở thị trường lớn, cũng như đề cập đến ngành nghề sản xuất ô tô điện của Vinfast thân thiện với môi trường và có ích cho cộng đồng. Chúng tôi như người em nhỏ hướng đến nước Nga. Sau sự kiện hôm nay, trong phạm vi của mình, chúng tôi sẽ có những nghiên cứu để triển khai các hoạt động phù hợp”.
Lắng nghe ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Thống đốc Shapsha Vladislav Valerievich chia sẻ: “Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và tỉnh Kaluga vô cùng lớn và chúng tôi luôn luôn cố gắng tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp nhất để chúng ta có thể tiến về phía trước. Vào năm 2017, kim ngạch thương mại giữa tỉnh Kaluga và Việt Nam chỉ đạt 30 triệu USD, tuy nhiên đến năm 2021, con số đó đã nâng lên thành 315 triệu USD. Với kim ngạch thương mại đó, Việt Nam đã chiếm vị trí thứ 5 trong top những đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Kaluga. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe các nhà đầu tư và cố gắng giải quyết những cái vướng mắc mà họ gặp phải. Chúng tôi có quỹ đất dành cho họ, chúng tôi phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ để họ có thể phát triển mô hình đầu tư của mình. Chúng tôi cũng đào tạo nhân lực cho họ nữa”. Để chứng minh cho những thành công trong việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, Thống đốc Shapsha Vladislav Valerievich khẳng định bên cạnh những dự án nông nghiệp như hợp tác với Tập đoàn TH, tỉnh Kaluga trong một thời gian ngắn cũng đã xây dựng được 125 cơ sở sản xuất có yếu tố nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: Sản xuất xe hơi, lâm nghiệp, linh kiện điện tử…
“Chúng tôi đề cao việc hợp tác không chỉ với những công ty, những tập đoàn lớn mà cũng rất quan tâm tới cả những doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ như người Việt Nam ở Liên bang Nga tham gia rất đông trong lĩnh vực may mặc. Quần áo Việt Nam sản xuất ở Liên bang Nga cũng rất được ưa chuộng và người dân rất thích bởi chất lượng cao. Trong thời kỳ đại dịch COVID, những xí nghiệp may mặc của Việt Nam ở Liên bang Nga chuyển sang sản xuất khẩu trang y tế và những bộ quần áo bảo hộ. Chính vì thế, chúng tôi cũng rất biết ơn họ”, Thống đốc khẳng định.
“Người Nga có câu nói “Bảy nghe không bằng một thấy”, tôi trân trọng mời các doanh nghiệp Việt Nam sang tỉnh Kaluga. Môi trường kinh doanh ở tỉnh Kaluga không hề khó hay phức tạp. Tôi chắc rằng bà Thái Hương nắm được mọi vấn đề, mọi ngóc ngách, từ những việc tiểu tiết nhất… để đạt được thành quả như hôm nay. Các bạn hoàn toàn có thể hỏi bà Thái Hương, và bà chắc chắn sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bạn”, nhà lãnh đạo Chính phủ tỉnh Kaluga kết luận.
Có thể bạn quan tâm