Khi chính quyền “quản” đô thị bằng định tính
Thực tế cho thấy, kiến trúc các đô thị Việt Nam ngày càng được cải thiện, trở nên hấp dẫn hơn, nhưng đồng thời cũng đi kèm những vấn đề bất ổn.
Năm 2003, Luật Xây dựng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam nhằm quản lý toàn bộ các hoạt động xây dựng. Như vậy, kể từ đây bên cạnh hai chuyên ngành đã có từ lâu là kiến trúc công trình và quy hoạch đô thị sẽ xuất hiện chuyên ngành “mới” là thiết kế đô thị (urban design).
Luật “dẫm chân” nhau
Gọi là “mới” nhưng thực ra chỉ mới ở Việt Nam, còn ở các nước trên thế giới, thiết kế đô thị đã xuất hiện từ lâu và được xem là cấp trung gian chuyển tiếp, kết nối giữa kiến trúc và quy hoạch. Tuy nhiên, khi đưa vào Việt Nam, cho đến nay sau 15 năm được luật hóa, thiết kế đô thị vẫn chưa thực sự là một chuyên ngành độc lập của khoa học đô thị, mà các nhà quản lý và chuyên môn vẫn xem đó là một phần chi tiết hóa của quy hoạch đô thị, thậm chí một số quan điểm còn xem thiết kế đô thị tương đương với quy hoạch chi tiết đô thị.
Điều này dẫn đến các quy định về thiết kế đô thị được đề cập trong Luật Quy hoạch đô thị - một bộ luật được xem là “con” của Luật Xây dựng - ban hành vào năm 2009.
Có thể bạn quan tâm
Kiến trúc quy hoạch mang hình hài đồng tiền và quyền lực
14:01, 11/12/2018
Kiến trúc đô thị Việt Nam: Những bài học đắt giá
15:09, 10/12/2018
"Lỗ hổng" kiến trúc Việt: Những bản sao vô hồn, không bản sắc
14:00, 08/12/2018
Dự thảo Luật Kiến trúc: Bản sắc kiến trúc Việt ở đâu?
15:01, 06/12/2018
Ngoài ra, việc quản lý kiến trúc đô thị còn được quy định trong các nghị định - một loại văn bản dưới luật mà hiện đang được sử dụng điển hình là Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Đây là một lĩnh vực tương đối quan trọng nên Bộ Xây dựng còn dự kiến nâng cấp lên thành Luật Quản lý phát triển đô thị mà dự thảo của luật này cũng đã được đưa ra lấy ý kiến của giới chuyên môn.
Bước tiếp theo, Luật Kiến trúc có thể được xem là “con” của Luật Quy hoạch đô thị cũng được dự thảo và lấy ý kiến nhằm quản lý các hoạt động kiến trúc, mà theo quan điểm của ban soạn thảo “Hoạt động kiến trúc = Quản lý kiến trúc + hành nghề kiến trúc” dẫn đến trong Luật Kiến trúc có hai chương quan trọng nhất là chương 2 đề cập đến quản lý kiến trúc và chương 3 đề cập đến hành nghề kiến trúc.
Tuy nhiên, trong chương 2 về quản lý kiến trúc, dự thảo chủ yếu đề cập đến các yêu cầu của kiến trúc đô thị, nghĩa là gắn kết kiến trúc vào đô thị. Đây rõ ràng là một quan điểm đúng vì tất cả các kiến trúc, phần nhiều gắn liền với các điểm dân cư đô thị, đều được xây dựng dựa trên bối cảnh đô thị xung quanh và việc quản lý kiến trúc phải mang tính tổng thể trong bản hòa ca mang tên đô thị.
Tuy nhiên mặt khác lại cho thấy sự chưa rõ ràng về mức độ và phạm vi điều tiết của Luật Kiến trúc khi hiện tại, kiến trúc đô thị lại đang được quy định bởi Luật Quy hoạch đô thị 2009 thông qua định nghĩa “kiến trúc đô thị là tổ hợp các vật thể trong đô thị, bao gồm các công trình kiến trúc, kỹ thuật, nghệ thuật, quảng cáo mà sự tồn tại, hình ảnh, kiểu dáng của chúng chi phối hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan đô thị”, trong khi dự thảo Luật Kiến trúc lại không xác định khái niệm này.
Luật Kiến trúc còn đề cập đến một số khái niệm khác như không gian đô thị hay cảnh quan đô thị cũng được tìm thấy định nghĩa trong Luật Quy hoạch đô thị. Mặt khác, Điều 60 của Luật Quy hoạch đô thị 2009 có quy định chi tiết về “Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị” trong đó có nội dung “quy định quản lý kiến trúc, không gian đô thị và các biện pháp khuyến khích, hạn chế” thì trong Điều 10 dự thảo Luật Kiến trúc cũng đề xuất “Quy chế quản lý kiến trúc gồm quy chế quản lý kiến trúc chung và quy chế quản lý kiến trúc chi tiết. Quy chế quản lý kiến trúc chung được lập cho toàn bộ thành phố, thị xã, thị trấn và xã. Quy chế quản lý kiến trúc chi tiết được lập cho những khu vực trong địa bàn được xác định trong Quy chế quản lý kiến trúc chung hoặc theo yêu cầu quản lý của địa phương”. Vậy thì các đô thị sẽ có hai quy chế quản lý kiến trúc được tạo bởi hai bộ luật?
Như vậy, có vẻ như Luật Kiến trúc đang “dẫm chân” một phần lên phạm vi của Luật Quy hoạch đô thị, và trong tương lai nếu Luật Quản lý phát triển đô thị cũng được chấp thuận thì sẽ có đến 3 luật cùng chi phối lĩnh vực kiến trúc đô thị - một sản phẩm chính của chuyên ngành thiết kế đô thị.
Khi chính quyền “quản” đô thị bằng định tính
Nếu như người dân đang “làm” đô thị một cách định lượng, nghĩa là thông qua những con số biết nói, chẳng hạn như số mét vuông, số tầng cao, số phòng, số không gian... để có thể quy đổi ra số tiền, thì có vẻ các nhà quản lý lại mong muốn “quản” đô thị một cách định tính thông qua những điều luật rất chung chung và hiểu theo cách nào cũng được.
Chẳng hạn như trong điểm a, khoản 1, điều 7 có quy định “Không gian, kiến trúc, cảnh quan (đô thị) phải được thiết kế gắn kết với cảnh quan hiện hữu, mang yếu tố bản sắc văn hóa, đặc thù địa phương và yêu cầu quốc phòng, an ninh”. Rõ ràng những yếu tố như “cảnh quan hiện hữu”, “bản sắc văn hóa”, “đặc thù địa phương” là những yếu tố rất khó định lượng, ngay cả với những người làm công tác thiết kế kiến trúc. Nếu như sự thay đổi về diện tích, số tầng, số phòng... trong các công trình kiến trúc ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, hoạt động sống của người dân thì khó mà tính toán được những thiệt hại hay lợi nhuận thu về từ việc “gắn kết cảnh quan” hay “mang bản sắc địa phương” mà Luật yêu cầu.
Một cách nôm na, có hay không “gắn kết cảnh quan” hay “mang bản sắc địa phương” cũng “không ảnh hưởng đến ai” dẫn đến sự không quan tâm của chính người dân và ngay cả các nhà thiết kế kiến trúc.
Như vậy, có vẻ như chính quyền quản lý và người dân đang nhìn kiến trúc đô thị dưới hai góc độ khác nhau. Điều này đã làm mất đi phần nào hiệu quả của Luật Kiến trúc khi nhắc lại một vấn đề được đề cập trong một luật khác nhưng lại không thay đổi cách thức tiếp cận quản lý, không xuất phát từ những nhu cầu thực tế cuộc sống.