Dự thảo Luật Kiến trúc dù được chỉnh sửa nhiều lần nhưng vẫn mang nặng tư duy cũ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kiến trúc Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai.
Đảm nhận trách nhiệm trực tiếp thực hiện dự thảo Luật Kiến trúc, lãnh đạo Bộ Xây dựng thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong kiến trúc của Việt Nam và cho rằng cần thiết phải ban hành Luật Kiến trúc nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc.
Quản lý lỏng lẻo khiến kiến trúc Việt... như "áo vá"
Trong một thời gian dài, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kiến trúc của Việt Nam còn quá lỏng lẻo, hệ quả là kiến trúc đô thị hỗn loạn, pha tạp và biến dạng.
Có thể bạn quan tâm
17:55, 08/11/2018
05:05, 14/11/2018
11:20, 13/08/2018
16:09, 27/07/2018
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đã chỉ rõ bảy hạn chế của kiến trúc Việt Nam là hỗn loạn trong kiến trúc tại các đô thị, kiến trúc nông thôn thì bị biến dạng, nhiều kiến trúc truyền thống tại các di sản văn hóa bị xâm hại, tính bền vững trong thiết kế kiến trúc Việt Nam còn hạn chế, không gian công cộng bị lãng quên, quá chú trọng vào các tòa nhà trọc trời, tư duy kiến trúc còn lạc hậu, việc tiếp cận với các xu hướng kiến trúc tiên tiến còn hạn chế và chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố khí hậu đặc trưng trong kiến trúc.
Theo vị đại biểu này, đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam không phải là không đủ khả năng, thậm chí là nhiều tài năng. Điển hình như Dinh Độc lập là do một kiến trúc sư người Việt Nam - ông Ngô Viết Thụ xây dựng. Hay như hiện nay, nhiều công trình là sản phẩm của kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa và cộng sự theo hướng kiến trúc xanh, vận dụng các yếu tố kiến trúc truyền thống, sử dụng vật liệu từ thiên nhiên, giành được nhiều giải thưởng quốc tế.
Hạn chế còn nằm ở thực trạng nhiều thành phố lớn xuất hiện các khu đô thị, những tòa nhà cao tầng được xây dựng dày đặc nhưng lại thiếu gắn kết với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông đô thị, thiếu hạ tầng xã hội, dịch vụ công như trường học, cơ sở y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Theo quy hoạch, các xã, phường đều có quỹ đất hợp lý để làm khu vui chơi cho thiếu nhi. Tuy nhiên, hiện không ít quỹ đất dành cho sân chơi, vườn hoa đang bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi kinh doanh, buôn bán.
Ví dụ như khu đô thị Linh Đàm từng là khu đô thị kiểu mẫu với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, với không gian xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Tuy nhiên, từ năm 2009 quy hoạch này dần bị băm nát khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên, khiến giao thông khu vực phía Nam thành phố Hà Nội bị quá tải.
Cần hành lang pháp lý đủ rộng
Ở góc nhìn khác, KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, thực tế có các công trình kiến trúc kém chất lượng, vi phạm các quy định pháp luật về bảo tồn di sản hay quản lý không gian kiến trúc xây theo quy hoạch, giấy phép đã duyệt , về ngân sách đầu tư... Rõ ràng vai trò trách nhiệm của các KTS trong các quyết định quản lý công trình kiến trúc không lớn so với việc ra các quyết định sai trái, để lại hậu quả về kinh tế, xã hội rất lớn và lâu dài… tuy nhiên trong Luật không đề cập.
Do vậy nó không quy được trách nhiệm cho các cơ quan quản lý hoạt động kiến trúc, cho từng cá nhân… tức là đồng nghĩa với duy trì sự trì trệ trong công tác quản lý hoạt động kiến trúc hiện nay. Chưa kể dự thảo Luật chỉ kêu gọi “giữ bản sắc, phát huy bản sắc” trong mỗi Luật Kiến trúc mà không nêu rõ phải sử dụng đồng thời những công cụ pháp lý cụ thể nào để thực hiện.
KTS Trần Huy Ánh dẫn chứng lên Sa Pa, Điện Biên, Yên Bái… hay hầu hết các thành phố, thị trấn miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, thấy hầu như không còn đô thị nào với quần thể các công trình các công trình kiến trúc nào “gợi nên bản sắc” của vùng đất, vùng văn hóa đó. Vì từ quy hoạch, luật xây dựng… người ta đã cho phép phá đồi bạt núi trong khi sẽ không thấy tình trạng này ở Auckland, Wellington… (New Zealand), nơi các thành phố này được xây dựng trên những địa hình núi rất dốc.
Thực tế, Việt Nam chưa có một đạo luật riêng về lĩnh vực kiến trúc. Các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến kiến trúc cụ thể về nội dung quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc hiện nằm rải rác tại các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chủ yếu gồm: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Di sản văn hóa năm 2014, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014.
“Với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là rất cần thiết, tuy nhiên nếu Nhà nước "Chạy quá nhanh" cơ chế thị trường sẽ lùi lại xa mà không thể phát triển được” – một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc bày tỏ.
Kỳ II: Luật Kiến trúc có cứu vãn được tình trạng đô thị “biến dạng”