Ngành kinh doanh quản lý vận hành chung cư: Rất quan trọng, cớ sao lại bỏ?
Luật Đầu tư không nên đề xuất bỏ 2 điều kiện kinh doanh là quản lý vận hành chung cư và đào tạo quản lý vận hành chung cư bởi đây là ngành nghề mà pháp luật không cấm thậm chí rất có lợi cho xã hội.
Với bất kỳ loại ngành nghề nào được sinh ra là do nhu cầu từ thực tế với điều kiện pháp luật cho phép. Tương tự, khi xã hội có nhu cầu nên đã sinh ra ngành quản lý vận hành nhà chung cư.
Rất quan trọng
Từ trước tới nay trải qua thời kỳ bao cấp, Nhà nước giải quyết vấn đề nhà ở cho cán bộ công nhân viên, hoàn toàn do nhà nước quản lý hoặc doanh nghiệp của nhà nước quản lý. Do đó, việc quản lý các khu nhà chung cư thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Thời gian gần đây, khi chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường đặc biệt là từ khi nhà chung cư phát triển rất nhanh đã nảy sinh vấn đề cần thiết có đơn vị chuyên ngành, chuyên nghiệp để quản lý vận hành nhà chung cư. Đây là một ngành nghề phổ biến trên thế giới chứ không phải là ngành nghề độc đáo.
Có thể bạn quan tâm
"Khai tử" ngành nghề quản lý vận hành nhà chung cư
09:15, 07/10/2019
Thiếu chuyên gia hội tụ đủ chuyên môn quản lý vận hành nhà chung cư
11:00, 08/10/2019
Làm gì cũng cần có chuyên môn, với việc quản lý các tòa nhà chung cư khác hẳn so với các ngành quản lý khác bởi nó liên quan đến rất nhiều vấn đề, từ việc nhỏ nhất như: Giải quyết rác thải, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, điện, nước, thang máy, vui chơi giải trí, bãi đỗ xe, bảo hành và đặc biệt là vấn đề bảo trì…
Qua thời kỳ bảo hành sẽ đến giai đoạn bảo trì, giám sát hạng mục nào hỏng để kịp thời sửa chữa, thay thế.
Trên thế giới, rất nhiều nước đã áp dụng và đa số tuyệt đối các nước đều áp dụng mô hình công ty - xí nghiệp quản lý nhà chung cư chuyên nghiệp.
Ở Việt Nam hiện nay cũng đã hình thành các đơn vị quản lý tòa nhà chung cư, thậm chí các đơn vị quản lý nhà chung cư đã thành lập hội. Họ có một tờ báo cập nhật thông tin nội bộ, chuyên cung cấp các vấn đề liên quan hoặc những phát sinh thuộc lĩnh vực này, đặc biệt là những quy định pháp luật quản lý, để người làm công việc quản lý vận hành tòa nhà chung cư nắm được.
Cớ sao lại cấm?
Tôi cảm thấy ngạc nhiên khi Luật Đầu tư lại đưa ra dự thảo đề xuất bỏ 2 điều kiện kinh doanh, đó là kinh doanh quản lý vận hành chung cư và kinh doanh đào tạo quản lý vận hành chung cư.
Thực chất ngành này thuộc Luật nhà ở, thuộc Luật xây dựng và Luật kinh doanh. Tôi muốn nhắc lại Luật đầu tư không nên can thiệp vào việc này bởi đây là ngành nghề mà pháp luật không cấm thậm chí rất có lợi cho xã hội.
Thứ nhất, khi ngành quản lý vận hành tòa nhà chung cư hình thành, những đơn vị hoạt động chuyên nghiệp thường có ưu điểm rất lớn, đó là tận dụng sức lao động, ứng dụng công nghệ thông minh trong việc quản lý giúp mang lại những lợi ích tối đa cho người dùng.
Ví dụ, các đơn vị quản lý chuyên nghiệp chỉ cần một người cùng một lúc có thể quản lý cả chục tòa nhà trong một lĩnh vực điện, nước, hoặc cây xanh, vệ sinh môi trường, cứu hỏa,...
Thứ hai, các công ty quản lý tòa nhà chung cư đã đào tạo ra đội ngũ nhân sự quản lý rất chuyên nghiệp, họ có kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực bảo hành, bảo trì bởi công việc này không khác gì một ngành sửa chữa.
Tại các trường đào tạo trong lĩnh vực xây dựng, từ trước đến nay chúng ta chưa có một chuyên đề riêng nào lĩnh vực quản lý tòa nhà chung cư. Tôi cho rằng việc đào tạo không nhất thiết cần một khoa hay một ngành mà chỉ cần bổ sung môn học, với thời lượng nhất định là có thể để đáp ứng được.
Trên cơ sở thực tế, luật cũng không cấm các trường đào tạo các ngành nghề mà xã hội đòi hỏi, và công việc này không thuộc về quản lý nhà nước. Do đó, tùy từng trường có những chuyên ngành đào tạo liên quan sẽ có thể mở thêm môn học này bổ sung trong chương trình.
Tôi cũng rất hoan nghênh các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý vận hành nhà chung cư đã đã thành lập hội và có tờ báo nội bộ để cung cấp trao đổi thông tin liên quan đến những vấn đề phát sinh.
Thứ ba, khi đã có công ty quản lý tòa nhà chung cư sẽ hình thành cơ chế thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp nào tốt nhất chất lượng nhất giá thành phù hợp nhất sẽ được lựa chọn.
Một số chung cư cao cấp họ làm rất tốt việc quản lý gồm: Công tác lễ tân, bảo vệ, vệ sinh công nghiệp… đều rất chuyên nghiệp. Tôi cho rằng các dự án chung cư khác cũng cần phải như vậy .
Hơn nữa, tại mỗi dự án không chủ đầu tư nào có thể theo dõi công trình cả trăm năm được, mà xong dự án này người ta phải chuyển sang dự án khác. Do đó hãy chuyển giao việc quản lý tòa nhà chung cư cho đơn vị quản lý chuyên nghiệp, họ phối hợp với ban quản trị tòa nhà đó quản lý sẽ hiệu quả và phù hợp hơn.
Hiện nay, tất cả các nước không chủ đầu tư nào trực tiếp quản lý dự án mà họ đều thuê quản lý, thuê giám sát. Chúng ta đừng quên chúng ta đang mắc một bệnh từ lâu rồi đó là tư tưởng bao cấp mà quên rằng hiện nay thị trường đang cần gì.
Cũng nhờ việc cạnh tranh từ các công ty quản lý, thời gian gần đây giá dịch vụ cho việc quản lý các tòa nhà đã có xu hướng giảm so với trước, từ 18 - 20 nghìn đồng/m2 xuống 16 - 17 nghìn đồng/m2.
Điều quan trọng hơn, nhờ có sự cạnh tranh mà các hợp đồng đã trở nên minh bạch, chi tiết và dịch vụ cũng trở nên tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.