Cơn sốt đất Bà Rịa - Vũng Tàu (KỲ II): 4 lý do "sớm nở tối tàn"
Cơn sốt đất ở Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu) tuy không còn dồn dập như mấy ngày trước nhưng vẫn còn nhiều nhà đầu tư âm thầm về đây gom đất.
Mới đây, sau khi có thông tin một doanh nghiệp lớn sẽ phát triển một đại dự án ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng trăm nhà đầu tư từ Bắc chí Nam, đặc biệt là ở TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương… đổ xô về khu vực này săn đất khiến cho vùng quê yên bình bỗng nhiên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Trước diễn biến của đợt sốt cục bộ, ông Hoàng Nguyên Dinh - Chủ tịch UBND huyện Châu Đức khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, không bị tác động bởi hiệu ứng đám đông, tham gia đầu cơ đất đai, có nguy cơ cao bị thiệt hại kinh tế.
“Huyện đã giao cơ quan công an chủ trì, phối hợp cùng phòng kinh tế hạ tầng, UBND các xã như Bình Ba, Đá Bạc và Suối Nghệ thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng tập trung đông người, phương tiện giao thông gây mất trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 56 đoạn qua địa bàn huyện”, Chủ tịch huyện Châu Đức thông tin.
Có thể bạn quan tâm
Cơn sốt đất Bà Rịa - Vũng Tàu: Đến nhanh đi chóng vánh
06:00, 20/02/2020
Cơn sốt đất nền Quảng Nam: Chủ đầu tư lách luật bán "lúa non“
07:00, 08/03/2019
Cơn sốt đất chưa từng có tiền lệ tại khu Tây Sài Gòn
18:00, 10/10/2018
Bình Thuận hạ nhiệt cơn sốt đất nền
11:15, 25/08/2018
Nửa cuối năm, cơn sốt đất nền liệu có tiếp diễn?
11:00, 25/06/2018
Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đừng để những cơn sốt đất làm cản trở các nhà đầu tư
12:21, 23/05/2018
Theo ông Ngô Văn Luận, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng UBND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đến nay các văn phòng công chứng, văn phòng đất đai trên địa bàn huyện chưa có con số giao dịch chính thống nào được thực hiện, nghĩa là toàn bộ giao dịch này chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau và có tính chất đầu cơ chưa chính thức.
Từ đó ông khuyến cáo lần nữa các nhà đầu tư cũng nên bình tĩnh xem xét việc mua bán, tránh bị cuốn vào cơn sốt đất ảo, vì thủ tục pháp lý dự án lớn, lí do dẫn đến cơn sốt đất Bình Ba những ngày qua chưa phải là thủ tục đầu tư.
Hiện tại, cơn sốt này bắt đầu nguội lạnh. Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh cho rằng, có 4 lý do chính khiến cơn sốt đất Bình Ba nhanh chóng lụi tàn:
Thứ nhất: Thông tin tập đoàn lớn sẽ triển khai dự án lớn - Nguyên nhân gây ra cơn sốt đất này lại chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, thông tin trên giấy và chưa có gì rõ ràng nên việc dựa vào đây để thổi giá đất khiến những đợt tăng giá thiếu đi yếu tố bền vững, khó giữ độ nóng lâu và chưa tác động mạnh đến phần lớn nhà đầu tư.
Thứ hai: Đối tượng tham gia giao dịch phần lớn là dân đầu tư từ Sài Gòn, Hà Nội. Đây là đối tượng mua với mục đích chính là sang tay, làm ảo thị trường khiến giá bán tăng.
Chính vì vậy, giá đất Bình Ba tăng là ảo chứ không dựa trên các yếu tố bền vững như thay đổi quy hoạch, chuyển biến hạ tầng tổng thể đa chiều với nhiều yếu tố cộng hưởng. Vì vậy tất yếu nó đến nhanh thì đi cũng nhanh.
Thứ ba: Xét về yếu tố địa lý, tính độc đáo, vị trí vàng, hạ tầng… Bình Ba gần như không có lợi thế gì nổi bật. Sức nóng hoàn toàn đến từ việc ăn theo dự án lớn, thiếu yếu tố bền vững giúp tăng giá lâu dài.
Thứ tư: Qua nhiều cơn sốt trước đây, bài học xương máu đã giúp dân đầu tư tỉnh táo hơn, kinh nghiệm hơn với các chiêu bài làm giá, tạo sốt ảo nên không phải nhà đầu tư hay người mua nào cũng liều lĩnh lao vào. Báo chí, chính quyền vào cuộc nhanh, thông tin kịp thời cũng góp phần dập tắt nhanh chóng cơn sốt đất cục bộ này.
“Hiện tại, hệ lụy từ cơn sốt đất sớm nở tối tàn này vẫn chưa thể hiện rõ, nhưng với tình trạng giá đất tăng mạnh, nhiều người liều lĩnh đổ tiền lướt sóng, thậm chí vay vốn nóng đầu tư nhảy cóc theo nhà đất, một khi thị trường bình ổn, nếu không có tài chính trụ vững lâu dài, việc đổ nợ là điều khó tránh” - chuyên gia Phan Công Chánh cho biết.
KỲ III: Bài học từ những cơn sốt đất vùng ven