Nóng vội đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, nhiều khu đô thị phân lô bán nền mọc lên như nấm đã phá vỡ quy hoạch sử dụng đất mà điểm nóng nhất là Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với khoảng 120 dự án.
Một trong những khu đô thị phân lô bán nền nổi tiếng do chủ dự án Công ty Bách Đạt (nay là Bách Đạt An) mặc dù chưa đầy đủ thủ tục theo quy định nhưng đã có 1.000 người dân góp vốn mua tại dự án này đến nay vẫn chưa nhận được bìa đỏ mặc dù "tiền đã trao nhưng cháo chưa múc".
Nhà đầu tư “sập bẫy”
Nhiều ngày trời lang thang để nhìn tận mắt các dự án đất nền mang tên Nam Đà Nẵng tại khu đô thị tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang lên cơn sốt mặc dù chính quyền tỉnh Quảng Nam cùng ngành chức năng địa phương đã khuyến cáo. Nhưng người dân mua đất vẫn lao vào đầu cơ để khi tiền mất mới cầu cứu đến chính quyền địa phương giải quyết.
Hàng chục nhân viên môi giới cho người mua đất tại dự án Riverside 2 đều khẳng định đây là dự án đầy đủ thủ tục đã được nhà đầu tư mở bán. Tuy nhiên, đây là dự án Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng do Cty Bách Đạt An làm chủ đầu tư.
Tại dự án này, các lô đất nền có diện tích khác nhau được môi giới hét giá từ 1,3 tỷ đồng trở lên. Trong khi hạ tầng của dự án hầu như chưa có gì. Ngay hệ thống thoát nước không có. Còn hệ thống điện nước, hạ tầng chưa được đầu nối với các dự án liền kề. Vị trí nhiều lô đất, block trong dự án chưa có thực trên thực tế mà chỉ là một khu đất trống, ngổn ngang mồ mả.
Liền kề là dự án Bình An 2 do Cty TNHH Đại Việt làm chủ đầu tư cũng được các nhân viên môi giới chào bán. Mặc dù hạ tầng dự án vẫn chưa hoàn thành. Nhiều khu vực vẫn đang trong quá trình giải tỏa đền bù. Theo chính quyền địa phương khẳng định: Dự án này chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Nhà nước và chưa được chính quyền giao quyền sở hữu.
Khi hỏi về tính pháp lý của các lô đất dự án này sau khi mua, nhân viên môi giới cho rằng hầu hết các lô đất thuộc các block chào bán đều được các khách hàng trước của Công ty ký gửi lại. Hiện nay các lô đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên chỉ trong vòng 6-7 tháng (khoảng tháng 8/2019) sẽ ra “sổ đỏ” cho khách hàng. Nếu đồng ý mua thì sẽ làm “đơn đề nghị chuyển cọc để nhận chuyển nhượng hợp đồng đặt cọc”. Mọi thủ tục chuyển nhượng, nhân viên môi giới sẽ đứng ra giải quyết nhanh, gọn.
Bán “lúa non” đa cấp
Theo Phó Chủ tịch UBND Thị xã Điện Bàn Nguyễn Đạt, các dự án khu đô thị mới Điện Nam-Điện Ngọc hiện đang được Sở Xây dựng và UBND Thị xã Điện Bàn rà soát. Thống kê sơ bộ hiện tại có đến 79 dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2 dự án đã hoàn thành là khu dân cư phố chợ Điện Ngọc và khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Còn 7 dự án cơ bản hoàn thành gồm: Khu đô thị số 1A; khu đô thị số 1B; khu dân cư mới Thái Dương 1; khu đô thị DAT QUANG Green city; khu đô thị An Phú Quý; khu đô thị Ngân Câu-Ngân Giang.
Trong 79 dự án, hiện có 71 dự án đã được UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định giao chủ đầu tư nhưng chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư. Trong đó, có 23 dự án chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư và điều kiện khởi công xây dựng nhưng đã triển khai thi công xây dựng; và 48 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Đạt cho biết trong thời gian qua tại một số dự án khu đô thị đã thực hiện huy động vốn theo kiểu “bán lúa non”. Các chủ đầu tư dự án chỉ có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi họ đã được cơ quan nhà nước trao quyền. Tuy nhiên, vì áp lực nguồn về nguồn vốn thực hiện dự án nên chủ đầu tư dự án thực hiện hợp đồng góp vốn chưa đúng theo quy định của pháp luật.
"Việc các chủ đầu tư, doanh nghiệp môi giới thay đổi tên gọi các dự án khi thực hiện bán đất theo hình thức góp vốn đã khiến cho công tác quản lý, giám sát các dự án tại Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc gặp không ít khó khăn. Tình trạng thực hiện huy động vốn tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn diễn ra phức tạp và trái với các quy định của pháp luật" - Ông Đạt nói.
Chứng minh cho điều này, ông Đạt dẫn chứng các dự án như dự án của Cty Bách Đạt An mà cụ thể là: Sakura Central Park (dự án 7D mở rộng), Eco Park (dự án Bách Đạt 1), Hera Central Park Riveside đều chưa có giấy CNQSDĐ, hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, công tác giải phóng bàn giao mặt bằng vẫn đang còn thực hiện. Nhưng đã phân lô và huy động vốn từ nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Lâm, một nhà môi giới bất động sản tại Quảng Nam cho rằng các dự án đất nền chưa có giấy CNQSDĐ thì chủ đầu tư có muốn chuyển nhượng cũng không có cơ quan quản lý nhà nước nào công chứng và đăng ký. Nên các bên tự thỏa thuận và hứa hẹn chuyển nhượng trong tương lai, qua hình thức đăng ký, góp vốn đầu tư, hay đặt cọc giữ chỗ, hợp tác đầu tư.
Tuy nhiên, Luật sư Bùi Bá Dũng - Văn phòng Luật sư Hoàng Hà thuộc đoàn Luật sư Quảng Nam khẳng định chủ đầu tư các dự án chưa hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước, chưa được chính quyền cấp phép mà đã thực hiện việc mở bán là vi phạm quy định pháp luật.
Luật sư Dũng cho rằng việc cấp phép là của cơ quan Nhà nước nhưng để xảy ra việc chủ đầu tư huy động vốn, mở bán khi chưa đủ điều kiện là có phần trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý đất đai của các cấp chính quyền địa phương.
Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu sai phạm, chính quyền cấp tỉnh và ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra như trường hợp 1.000 người dân gửi đơn khiếu nại lên tỉnh vừa qua. Đây là vấn đề cần phải xử lý mạnh tay nếu việc phân lô bán nền trái với qui định của pháp luật thì chính quyền địa phương cần phải thu hồi dự án không thể để tình trạng này kéo dài.
"Nếu có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, chính quyền địa phương nên yêu cầu cơ quan công an tiến hành điều tra các trường hợp có dấu hiệu lạm dụng huy động vốn, lừa đảo, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân" - LS Dũng nhấn mạnh.