Khoanh vùng khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm
Phát triển kinh tế ban đêm sẽ là giải pháp giúp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ sau “giấc ngủ đông" hậu COVID-19.
Tại Tọa đàm do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nêu rõ các vai trò của kinh tế ban đêm:
Thứ nhất, nếu làm tốt có thể đóng góp 5 - 8% GDP. Thứ hai, giúp cho phát triển kinh tế bền vững, trong đó du lịch là mũi nhọn. Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tạo ra các dịch vụ mới. Thứ tư là thu hút đầu tư hấp dẫn. Cuối cùng, mang lại yếu tố văn hoá mới, rất nhiều văn hoá sinh hoạt du lịch ban đêm được phát triển.
Trụ cột chính để quản lý, khai thác kinh tế ban đêm: Thứ nhất là cơ chế chính sách, quy định về kinh tế ban đêm cần cởi mở. Thứ hai là cơ sở hạ tầng cần được chú trọng hàng đầu. Thứ ba là nguồn nhân lực liên quan khi mỗi năm cần 40.000 hướng dẫn viên du lịch cả đêm và ngày nhưng hiện nay vẫn thiếu.
Tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm bao gồm: Khả năng hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu du lịch toàn cầu; Định hướng coi “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” và xu hướng phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam; Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh dẫn đến nhu cầu về giải trí, du lịch, chi tiêu cũng tăng; Quá trình đô thị hoá nhanh dẫn tới sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ; Tiềm năng gia tăng chi tiêu, số ngày lưu trú của khách du lịch (đặc biệt khách quốc tế) còn rất lớn khi các hoạt động du lịch, dịch vụ ban ngày đã đến ngưỡng.
Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cũng dẫn chứng các chỉ số vĩ mô và môi trường kinh doanh của Việt Nam so với khu vực đều đứng đầu bảng. Về kinh tế vĩ mô: Tăng trưởng GDP, 2018 – 2023 vào 6,5%; Tiêu dùng cá nhân 2019 đạt 68,2%; Tăng trưởng tầng lớp trung lưu 9,2%; Tỷ lệ đô thị hoá 2018 là 36%. Về môi trường kinh doanh, chúng ta thu hút FDI 2019 7,7%; Thứ hạng về môi trường kinh doanh 2019 – 2020 xếp thứ 70…
Về tiềm năng phát triển du lịch của Việt Nam, năm 2019 khách quốc tế tăng 16,2%, khách nội địa tăng 6,2%. Đóng góp trực tiếp khoảng 9% GDP. Theo chiến lược phát triển du lịch đến 2025 đóng góp 12 – 14% GDP và 2030 đóng góp 15 – 17% GDP.
Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực thách thức phát triển kinh tế ban đêm vẫn còn tồn tại đó là: Nhận thức về kinh tế ban đêm còn nhiều sai lệch, phiến diện; Còn thiếu kinh nghiệm quản lý, kể cả tại các thành phố lớn; Hài hoà giữa việc đáp ứng nhu cầu chính đáng và hạn chế tiêu cực rủi ro; Ảnh hưởng đến những người không tham gia kinh tế ban đêm do khâu quy hoạch, quản lý; Còn thiếu các hoạt động văn hoá gắn với du lịch như festival, âm nhạc, nghệ thuật… Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước trong kinh tế ban đêm còn hạn chế (chủ yếu là doanh nghiệp FDI).
"Với kinh nghiệm quốc tế, chúng ta có thể học hỏi tại một số quốc gia, ví như Bắc Kinh có nhiều chính sách đột phá về kinh tế ban đêm như: Khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi mở cửa muộn hơn vào ban đêm; Trợ cấp bằng tiền mặt cho các hộ kinh doanh từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; Các dịch vụ giao thông công cộng được tăng tuyến, tăng thời gian phục vụ trong đêm" - TS Cấn Văn Lực cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm không chỉ là định hướng chung mà là xu hướng phát triển đúng đắn và cần được khai thác càng sớm càng tốt. Đặc biệt trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn do hệ quả của dịch bệnh thì càng phải kích cầu, phát triển, và nên ban hành sớm các quy định phù hợp để phát triển kinh tế ban đêm.
Theo Luật sư Đức, để đạt được mục tiêu trên cần một số điều chỉnh như sau: Thứ nhất, cần khoanh vùng các khu vực có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt là phục vụ khách nước ngoài, khách du lịch. Thứ hai, cần điều chỉnh các tiêu chí sao cho phù hợp vì điều kiện cơ sở hạ tầng, môi trường tự nhiên tại các khu thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng và khu dân cư là khác nhau, nên cần có sự phân biệt rõ ràng hơn. Thứ ba là cần phát triển đồng bộ, hài hòa kinh tế ban đêm, phát triển các sản phẩm dịch vụ đi kèm để thu hút, giữ chân khách du lịch.
Song song đó cũng cần có sự đồng hành của cơ quan quản lý Nhà nước, phải có biện pháp quản lý, triển khai, siết chặt quản lý nhưng nới lỏng các tiêu chí để kinh tế ban đêm phát triển.
"Bên cạnh đó, để tránh việc xuất hiện những sản phẩm không đồng bộ, méo mó… thì cơ quan quản lý phải nhanh chóng đặt ra quy hoạch, vạch ra tiêu chuẩn sao cho hợp lý. Nếu chậm trễ trong bối cảnh thị trường đang vận động mạnh mẽ như hiện nay thì rất dễ xảy ra tình trạng làm bừa rồi sau đó phải trả giá khắc phục sửa sai" - Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm.
Có thể bạn quan tâm