Dự án đô thị sát khu dự trữ sinh quyển (KỲ II): Sẽ kiểm soát chặt
Hài hòa, không đánh đổi lợi ích kinh tế lấy môi trường là bài toán đặt ra trong việc phát triển các dự án kinh tế có liên quan đến các khu dự trữ sinh quyển hiện nay.
Từ xu thế đô thị tiến sát rừng
Trong xu thế phát triển hiện nay, việc phát triển các dự án kinh tế nói chung và dự án bất động sản nói riêng được xem là động lực không thể thay thế trong việc tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, đã có nhiều lo ngại về việc đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng, thậm chí có nhiều dự án đã hủy hoại môi trường một cách nghiêm trọng mà bài học formosa là một ví dụ sinh động.
Đối với các dự án phát triển hạ tầng bất động sản, với sự chuyển biến của các yếu tố như dư địa tại các đô thị lõi ngày càng đến hạn; hạ tầng giao thông kết nối ngày càng thuận tiện; xu hướng chuyển dịch nhu cầu sống xanh tách biệt với đô thị,… đã dẫn đến việc hình thành và phát triển các dự án khu đô thị theo hướng xanh, sinh thái, hòa vào thiên nhiên, trong đó có những dự án đã tiệm cận đến các vị trí của những khu dự trữ sinh quyển.
Đối với việc phát triển các khu dự trữ sinh quyển, một trong những giải pháp được Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) nhận định là phải có quy hoạch không gian các khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo Việt Nam gắn với quy hoạch không gian biển, quy hoạch khai thác sử dụng vùng bờ cộng với phát triển du lịch sinh thái bền vững tạo các khu dự trữ sinh quyển biển, hải đảo.
Đối với việc phát triển dự án đô thị, nhà ở gần các khu dự trữ sinh quyển, Giáo sư, Tiến sỹ Võ Tòng Xuân nêu quan điểm cho rằng môi trường sống là vấn đề ai cũng quan tâm, nếu khôn khéo vẫn bảo vệ được, vừa đạt hiệu quả kinh tế - xã hội vừa bảo vệ được môi trường.
Cùng chung nhận định, mới đây khi trao đổi liên quan đến Dự án đô thị có vị trí nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình “Con người và Sinh quyển” Việt Nam nêu quan điểm cho rằng trên lý thuyết, việc thực hiện Dự án là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO.
Đến vai trò kiểm soát của nhà nước
Trong việc triển khai các dự án sát khu dự trữ sinh quyển, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhìn chung đều cho rằng việc quan trọng nhất là dựa trên cơ sở khoa học để có cái nhìn chuẩn xác, khách quan nhất về những tác động đến môi trường có thể có.
Đối với việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại các dự án này, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng mọi chuyện phải dựa trên cơ sở khoa học, một dự án có đánh giá tác động môi trường tốt sẽ có hiệu quả kinh tế - xã hội về lâu dài và ngược lại nếu không đánh giá đầy đủ sẽ có thể để lại hậu quả nặng nề, gây thiệt hại cho Nhà nước, người dân và cả chủ đầu tư.
Về quy định đánh giá tác động môi trường tại các khu dự trữ sinh quyển, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết hiện nay theo các quy định các dự án có sử dụng đất hoặc mặt nước của khu dự trữ sinh quyển (trừ các dự án đầu tư xây dựng công trình quản lý bảo vệ khu dự trữ sinh quyển theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các dự án thuộc cột 5 Phụ lục II nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển) thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, cũng theo ông Thức thì các Dự án lớn mặc dù nằm ngoài phạm vi khu dự trữ sinh quyển nhưng có thể có những tác động đến khu dự trữ sinh quyển thì trong quá trình xem xét, đánh giá tác động môi trường cũng có xem xét, đánh giá ảnh hưởng của Dự án tới khu dự trữ sinh quyển trên nguyên tắc cơ bản gồm: Thực hiện Dự án để phát triển kinh tế nhưng phải giữ được khu dự trữ sinh quyển và phải có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi đối với khu dự trữ sinh quyển.
Về công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các khu dự trữ sinh quyển trong thời gian tới, ông Thức cho biết Bộ TN&MT đang xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trình Quốc hội Khóa XIV dự kiến thông qua vào cuối năm 2020.
"Theo đó, những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tác động lớn đến cảnh quan và môi trường như các dự án tác động đến khu dự trữ sinh quyển sẽ được thẩm định và đánh giá chặt chẽ hơn, sẽ có một chương đánh giá tác động đến cảnh quan và hệ sinh thái" - ông Thức khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Dự án lấn biển Cần Giờ: Tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân
05:00, 23/07/2020
Dự án lấn biển Cần Giờ: Phù hợp chiến lược phát triển kinh tế biển
15:00, 22/07/2020
Bộ TNMT nói gì về tác động của dự án lấn biển Cần Giờ?
11:30, 20/07/2020
Điều chỉnh Dự án lấn biển Cần Giờ - Saigon Sunbay
08:00, 22/06/2020