Theo giới chuyên gia, dự án lấn biển Cần Giờ sẽ giúp tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương và là một “cú hích” trong phát triển kinh tế, xã hội của TP. HCM.
Khu vực Cần Giờ với sự xuất hiện của Khu đô thị lấn biển sẽ là một trạm trung chuyển lớn trong tuyến đường quan trọng của thế giới, điều mà rất nhiều nước mong muốn. Theo đánh giá, vị trí khu vực này hoàn toàn có thể cạnh tranh với vị trí của Singapore. Thậm chí, nếu như kênh đào Kra dự kiến xây dựng tại phần chuôi bán đảo Malacca (Malaysia) hình thành thì lợi thế cạnh tranh hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau khi hình thành, dự án sẽ không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện Cần Giờ, mà còn là điểm đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của TP. HCM trong tương lai. Dự án sẽ làm tăng nguồn thu của ngân sách Thành phố, cải thiện điều kiện hạ tầng kinh tế xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân bản địa.
Theo đó, dự án sẽ tăng thu ngân sách qua tiền thuê sử dụng đất, cho thuê đất, mặt nước, hoạt động sản xuất kinh doanh.…Dự kiến, dự án sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP. HCM. Bên cạnh đó, dự án sẽ giúp tiết kiệm ngân sách trong các hoạt động bảo vệ đê, kè, trồng cây chống xâm thực.
Không chỉ vậy, khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra một quỹ đất đủ lớn, với chức năng đa dạng để tạo động lực phát triển du lịch vùng và thu hút đầu tư đủ sức cạnh tranh về du lịch với các thành phố khác trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Miami, Australia…
Ngoài ra, dự án sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm gắn với phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân sống và làm việc trong khu vực dự án và khách du lịch. Nuôi trồng thủy sản sẽ phát triển đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản sẽ được khai thác một cách hiệu quả.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, với quy mô dân số dự kiến là 228.506 người và khoảng 9 triệu lượt khách du lịch/năm. Đặc biệt sẽ tạo ra công ăn việc làm cho 25.000 lao động.
"Với tiềm năng sẵn có của địa phương cộng với dự án lấn biển hoàn thành, Cần Giờ sẽ trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư tầm vóc khu vực và quốc tế, một điểm nhấn, một sản phẩm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP. HCM". Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ nhấn mạnh.
Đại diện chủ đầu tư (CĐT) dự án cũng cho biết, dự án chỉ ảnh hưởng đến số ít hộ nuôi nghêu tại khu vực bờ biển. Hiện nay, CĐT đang phối hợp với huyện để lên phương án hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp đảm bảo sinh kế của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án.
Dự án sẽ đóng góp khoảng 2.900 tỷ đồng/năm cho ngân sách và khoảng 2-3% tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa cho TP. HCM và mang đến cơ hội việc làm cho tối thiểu 5.000 người dân địa phương.
Dự án được thực hiện với mục đích phát triển du lịch sinh thái, nên việc sử dụng lao động là người địa phương được ưu tiên hàng đầu. CĐT cũng ưu tiên sử dụng công nhân là người dân tại khu vực Dự án - tối thiểu 5.000 người.
“Đối với người lao động phổ thông, không có nghề nghiệp cụ thể và vốn liếng, thì đây chính là cơ hội để đổi đời. Trước mắt, bản thân họ có cơ hội trở thành nhân viên cây xanh, kỹ thuật, bảo vệ, nhân viên các khách sạn…tại dự án - những công việc chỉ cần được đào tạo không quá 3 tháng. Về lâu dài, khi dự án đi vào hoạt động, con cháu họ sẽ có điều kiện tiếp cận và học tập trong môi trường hiện đại, có cơ hội trở thành lao động trí thức hay chuyên gia…”. Đại diện CĐT chia sẻ.
Cũng theo CĐT, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho rừng ngập mặn Cần Giờ, CĐT đã đề nghị Deltares (Viện quốc gia độc lập của Hà Lan, chuyên nghiên cứu về nước, địa vật lý, hệ sinh thái…) và các đơn vị liên quan thực hiện những báo cáo chi tiết, nghiêm túc về những yếu tố liên quan để có giải pháp phù hợp, đảm bảo bảo vệ tốt khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ như đánh giá chất lượng nước, nghiên cứu ngưỡng chịu ngập và chịu mặn của các loại cây đặc trưng trong rừng ngập mặn Cần Giờ.
Đơn cử, trong quá trình thi công, CĐT sẽ thực hiện công tác san lấp theo đúng phương án kỹ thuật đã đề ra nhằm tránh ảnh hưởng đến dòng chảy tại khu vực cũng như hạn chế lan truyền độ đục và các chất ô nhiễm khác. Có kế hoạch và bố trí thời gian thi công san lấp phù hợp, hạn chế san lấp vào thời điểm triều dâng để tránh lan truyền độ đục.
“Chúng tôi đang nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tạo chỗ khi cải tạo khu vực biển hồ để san lấp.Bên cạnh đó là phương án xin sử dụng nguồn vật liệu từ thi công dự án metro, tận dụng nguồn nạo vét các con sông lân cận. Qua khảo sát ở một số vị trí tại khu vực biển hồ (nằm trong dự án), chúng tôi nhận thấy trữ lượng lớn cát tại đây hoàn toàn phù hợp để thực hiện cân bằng đào đắp tại chỗ, không cần lấy cát từ các địa phương khác” - đại diện CĐT chia sẻ thêm.
Về nước thải, CĐT sẽ xây dựng các trạm xử lý nước thải để xử lý toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ dự án đạt tiêu chuẩn quy định trước khi xả ra môi trường; tái sử dụng nước thải để tưới cây, rửa đường… nhằm hạn chế lượng nước thải xả ra môi trường. Kết quả chạy mô hình tính toán của các đơn vị nghiên cứu cho thấy, trong nước thải đã xử lý ra môi trường, hàm lượng các chỉ tiêu chất lượng nước không chênh lệch so với điều kiện môi trường hiện trạng.
Ngoài ra, CĐT cũng cam kết sẽ phối hợp với Ban quản lý rừng ngập mặn Cần Giờ giám sát số lượng, thành phần loài khu vực rừng ngập mặn theo định kỳ để có phương án ứng phó với tình huống phát sinh.
Có thể bạn quan tâm