Cuộc "thương chiến" phân khúc thiết bị cao cấp
Dù được đánh giá nhiều tiềm năng nhưng “miếng bánh ngon” phân khúc thiết bị cao cấp tại Việt Nam lại không “dễ xơi” khi chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt.
Theo báo cáo của Tập đoàn Tư vấn Boston, Việt Nam có tầng lớp trung lưu đầy tham vọng đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á (12,9%/năm trong giai đoạn 2012 - 2020). Tầng lớp này không chỉ tập trung tại các trung tâm lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước, đem đến một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị cao cấp (bao gồm thiết bị gia dụng và vệ sinh).
Cuộc đua giành thị phần
Cũng theo báo cáo này thì trong những năm gần đây, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng kể. Họ không chỉ chi tiêu cho các vấn đề thiết yếu, mà còn sẵn sàng đầu tư vào nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống và hưởng thụ. Việc lựa chọn mua và sử dụng các thiết bị cao cấp trong gia đình không nằm ngoài xu hướng tất yếu.
Ngày nay, phần lớn khách hàng đều có hiểu biết về công nghệ thông tin và nhận thức tốt về thương hiệu. Đây là một lợi thế lớn giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng bằng nhiều phương thức tiếp thị đa dạng và thúc đẩy hành động người tiêu dùng.
Nhu cầu là có thật nhưng thách thức không nhỏ khi miếng bánh thị phần ngày càng chia nhỏ với sự gia nhập của nhiều nhãn hàng, cũng như việc phải đổi mới liên tục cách thức truyền thông, chăm sóc khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe hơn của thị trường.
Đơn cử như với mặt hàng thiết bị bếp cao cấp, người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đã có trong tay vô vàn lựa chọn từ cả trong nước và quốc tế. Chiếm ưu thế nhất vẫn là các nhãn hàng châu Âu, vốn đã khẳng định được uy tín nhờ chất lượng cao cấp và tiêu chuẩn vượt trội. Các thương hiệu nổi tiếng có thể kể đến như Teka, Malloca, Fagor, Cata (Tây Ban Nha), Bosch, Gaggenau, Hafele, Miele (Đức)… với tầm giá tuy cao hơn so với hàng nội địa, nhưng lại chiếm “thế thượng phong” trên thị trường.
Trong lĩnh vực cung cấp thiết bị vệ sinh cao cấp, các thương hiệu mới cũng phải đối mặt với sức ép từ những nhãn hàng đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt như ToTo, Inax, American Standard (Nhật), Kohler (Mỹ), Picenza (Ý), Caesar (Đài Loan)… Không chỉ dừng ở việc sản xuất các thiết bị vệ sinh cơ bản, các nhãn hàng cũng liên tục tung ra các sản phẩm mới, khác biệt như bồn cầu thông minh, vòi rửa tay cảm ứng, sen cây tự chỉnh nhiệt.
Cuộc đua giành thị phần đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi nhiều doanh nghiệp, đơn vị cùng tham gia sản xuất, nhập khẩu và phân phối các thiết bị cao cấp. Có nhiều cái tên đã “đến” rất hoành tráng như Tristar (chuyên phân phối sản phẩm thương hiệu fagor – Tây Ban Nha) nhưng mới đây cũng đã “ra đi” khá lặng lẽ.
Bện cạnh đó, những tác nhân tạo thêm sự khốc liệt cho phân khúc thị trường thiết bị cao cấp còn phải kể đến việc xuất hiện hàng giả, hàng kém chất lượng, không những gây tình trạng loạn giá bán, loạn chất lượng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến người sử dụng.
Người được lợi là khách hàng
Trong thị trường cạnh canh, những “tân binh” muốn gia nhập thị trường cũng phải “dòm trước, ngó sau” để có được sự quan tâm của khách hàng.
Bà Lê Thị Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Deborah (Deborah Home), một cái tên khá mới trong thị trường này nhận định thị trường hiện nay dù nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thử thách và những doanh nghiệp đi sau bắt buộc phải chấp nhận dồn lực để “chơi lớn” và bài bản và phải chấp nhận đi đường dài mới mong có thể tồn tại được.
Như đối với trường hợp của Deborah, khi tham gia thị trường này với hướng độc quyền phân phối các nhãn hàng cao cấp như De Dietrich, Brandt (thương hiệu thiết bị bếp của Pháp) và Clara (thương hiệu thiết bị vệ sinh của Úc) đã phải mạnh tay đầu tư đến 02 showroom có diện tích mặt bằng gần 1000 m2 tại Hà Nội và TP.HCM chỉ để cho khách hàng “đến xem”.
Rõ ràng, cuộc “thương chiến” trong phân khúc thiết bị cao cấp với không ít “người đến, kẻ đi” thì bên được lợi là khách hàng có thêm lựa chọn. Càng những doanh nghiệp “đến sau” sẽ bắt buộc phải tìm mọi cách để chiều lòng các thượng đế.
Bà Ngọc Anh thừa nhận, dù phân phối độc quyền sản phẩm cao cấp và đã có thương hiệu nhưng với khách hàng thì Deborah vẫn là cái tên “mới toe” do đó doanh nghiệp phải đề ra chính sách kiểm soát chặt chẽ, giá niêm yết các sản phẩm tại Deborah Home luôn được công khai rõ ràng, tránh tình trạng loạn giá, bán phá giá cũng như phải chú trọng phát triển năng lực cán bộ nhân viên.
"Tất cả những việc này đều đòi hỏi đi “đường dài”, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế do dịch bệnh hiện nay, đó cũng là thách thức mà chúng tôi sẽ phải vượt qua" - bà Ngọc Anh chia sẻ./.
Có thể bạn quan tâm
Cần Thơ: Triển lãm quốc tế Vietbuild kích cầu ngành xây dựng
16:30, 23/07/2020
Doanh nhân Nguyễn Bá Dương và Lê Viết Hải: Hai cá tính định hình ngành xây dựng Việt Nam
15:46, 13/10/2019
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp vật liệu xây dựng
08:00, 01/04/2020
Bất động sản Đồng bằng Sông Cửu Long: Hạ tầng đi trước, giá bước theo sau
11:00, 04/08/2020