Doanh nhân Nguyễn Bá Dương và Lê Viết Hải: Hai cá tính định hình ngành xây dựng Việt Nam

Theo Kinh tế và Tiêu dùng 13/10/2019 15:46

Hai con người này đã so kè nhau trên đường đua của ngành xây dựng nội địa suốt những năm qua. Nhiều người ví đó như là một cung đường song mã.

Nếu có dịp đến thành phố Hồ Chí Minh vào ban đêm bằng máy bay, qua cửa sổ bạn sẽ thấy một tòa cao ốc hiện lên như cột ánh sáng nổi bật và huyền ảo. Đó là Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam, cao 461,3 m, tọa lạc ngay bên bờ sông Sài Gòn như một ngọn hải đăng khổng lồ.

Tuy nhiên, ngôi vương của Landmark 81 chịu thách thức bởi một công trình khác đang được xây dựng, ở phía bờ sông đối diện xuôi về Nam, mang tên Empire 88 Tower. Sau ngày khánh thành, người ta có thể thấy rõ tòa nhà này khi đứng tại đường Nguyễn Huệ, con đường đắt giá bậc nhất Sài Gòn.

Empire 88 Tower (trái) và Landmark 81 (phải).

Empire 88 Tower (trái) và Landmark 81 (phải).

Landmark 81 với hình tượng của bó tre vững chãi, trong khi tòa tháp tọa lạc tại bán đảo Thủ Thiêm, empire 88 tower lấy cảm hứng từ hình ảnh có phần êm đềm hơn là đồi núi và ruộng bậc thang.

Hai tòa nhà cao nhất Việt Nam được xây dựng bởi hai nhà thầu lớn nhất đất nước, Coteccons của doanh nhân Nguyễn Bá Dương và Hòa Bình của doanh nhân Lê Viết Hải. Thật trùng hợp, hình ảnh tượng trưng của hai tòa nhà cũng phần nào giống với cá tính những người xây nên chúng.

Những vị thuyền trưởng không cùng mẫu số

Doanh nhân Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Xây dựng Coteccons.

Doanh nhân Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Xây dựng Coteccons.

Ông Nguyễn Bá Dương, sinh năm 1959, một người Nam Định có cá tính mạnh. Ông từng nói rằng "có những dự án mang lại rất nhiều tiền nhưng nếu không thấy vui thì không làm, nếu chủ đầu tư không uy tín hoặc không tin tưởng mình thì đều không làm".

Với sự tự tin đó, sau 14 năm gầy dựng, ông Dương đã đưa Coteccons từ một công ty có vốn điều lệ 15,2 tỉ đồng trở thành hãng xây dựng có doanh thu tỉ USD đầu tiên của Việt Nam.

Doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Phía bên kia, ông Lê Viết Hải, 61 tuổi, sinh ra tại Huế, người đàn ông với chất giọng nhỏ nhẹ, khiêm nhường nhưng ẩn sau đó là bản lĩnh của vị thuyền trưởng đã dẫn dắt Hòa Bình từ một văn phòng xây dựng vài chục nhân viên trở thành nhà thầu hàng đầu đất nước, tạo công ăn việc làm cho gần 30.000 con người.

Ông Hải từng cho biết tính cách của mình ảnh hưởng bởi gia đình với bố và ông làm nghề giáo, "không nhất thiết các ông chủ xây dựng phải có chung một mẫu số".

Hai cá tính khác biệt này đã so kè nhau trên đường đua của ngành xây dựng Việt Nam trong những năm qua. Một cung đường được nhiều người ví von là song mã.

Mở đầu buổi tiệc tất niên 2018 của Coteccons, ông Dương phát biểu: "Khi chủ đầu tư đến và mang cho chúng tôi một lô đất. Chúng tôi có thể biến ước mơ của họ thành sự thật, tối ưu hóa lợi nhuận của họ."

3 năm trước đó, thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc. Năm 2015, Coteccons tạo bước ngoặt với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Ông Dương tiếp tục cùng nhà thầu này thừa thắng xông lên, đến năm 2017 đã vượt mốc doanh thu tỉ USD.

"Cái quan trọng là đọc vị được trận đấu. Tôi ít khi đấu thầu trượt và chỉ cần trao đổi sơ qua tôi có thể tính toán được lời lỗ và quyết định có làm hay không", vị Chủ tịch Coteccons từng cho biết.

Đối với Hòa Bình, nhà thầu này đã chậm chân hơn, khi chuyển biến rõ nét trong kết quả kinh doanh đến vào năm 2016. Đây là năm thực sự bùng nổ của ông Lê Viết Hải cùng cộng sự, doanh thu Hòa Bình tăng 110%, lợi nhuận cho cổ đông gấp gần 7 lần năm trước.

Vào năm 2015, sau gần 30 năm thành lập, Hòa Bình đạt mốc doanh thu 5.000 tỉ đồng. Nhưng chỉ 3 năm sau, con số đó đã là 18.000 tỉ đồng. Là một người yêu thơ ca, ông Hải ví sự phát triển của doanh nghiệp giống như cách mọc của loài tre.

"Mất 3 - 4 năm để cây tre ăn rễ sâu vài chục mét và chỉ nhú lên vài phân, nhưng sau đó chỉ trong 6 tuần nó sẽ cao lên 15 - 20 mét".

(Nguồn: Các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Coteccons và Hòa Bình)

(Nguồn: Các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của Coteccons và Hòa Bình)

"Nếu một công ty muốn phát triển thì phải làm sao cho khách hàng họ tự tìm đến mình, để làm được điều đó thì cũng giống như phải toả ra mùi hương quyến rũ họ đến, đó là phải tạo được tên tuổi", ông Dương, người nổi tiếng xem trọng uy tín, từng nói.

Các chủ đầu tư tự tìm đến, Coteccons ở vị thế tốt trên bàn đàm phán nhờ đó nổi tiếng với việc phát triển mà không hề dùng nợ vay.

Với Hòa Bình, nợ vay lại chính là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng. Điều này có chút gì đó trái ngược với hình ảnh mềm mỏng của người dẫn dắt doanh nghiệp này.

Chủ tịch Lê Viết Hải, sinh ra trong gia đình 11 anh chị em, cho biết sẵn sàng gồng gánh chia sẻ với chủ đầu tư để các công trình được hoàn thành đưa vào khai thác. Tuy nhiên chính cách làm đó cũng khiến Hòa Bình gặp khó khăn, các chỉ số tài chính của doanh nghiệp cũng trở nên mất cân đối.

Vị Chủ tịch có lúc phải thừa nhận rằng những chỉ số đó đã ảnh hưởng đến tâm lí các cổ đông, khiến giá cổ phiếu của Hòa Bình nhiều phen sóng gió.

(Nguồn: Các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018 của Coteccons và Hòa Bình)

(Nguồn: Các báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2018 của Coteccons và Hòa Bình)

Giai đoạn thử thách

Từ khoảng giữa năm 2018, thị trường bất động sản chững lại và tác động lên ngành xây dựng. Tiếng búa và máy móc vẫn inh ỏi tại các không ít công trình, nhưng âm vang lan tỏa thì đã không còn như trước.

Những con số kết quả kinh doanh của Coteccons cho thấy điều đó. 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận ròng của nhà thầu này sụt giảm lần lượt khoảng 20% và 57%. Giai đoạn đầu năm, không ít công trình của Coteccons tại thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng tạm ngưng.

Bên cạnh đó, một công ty xây dựng 2 năm tuổi của cựu Phó Tổng Giám đốc Coteccons lại đạt được nhiều thành tựu và nổi lên thành đối thủ đáng gờm. Ông Nguyễn Bá Dương, vốn xem nhân sự là giá trị lớn nhất của doanh nghiệp, đã không ngăn được sự rời đi của một trong những thành viên cùng mình sáng lập nên công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Trong năm 2019, doanh nhân tuổi hợi Nguyễn Bá Dương cũng phải đối diện thêm thử thách lớn khác, là sự xung đột với cổ đông lớn về đường hướng phát triển doanh nghiệp.

Định hướng "Một Coteccons" - gom tất cả công ty thành viên vào Coteccons, của ông Dương hiện đã phải dừng lại, sau những tranh luận về việc sáp nhập Ricons tại kì đại hội thường niên năm 2019. "Chúng ta mà dừng lại tại đây thì sẽ không bao giờ có M&A nữa", ông Dương nói tại đại hội.

Việc này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển của Coteccons. Ông Dương từng chia sẻ rằng nếu không sáp nhập Ricons để tăng qui mô doanh nghiệp thì sẽ khó tăng thị phần và cũng khó để tiến ra nước ngoài.

Về mặt này, ông Hải có phần thuận lợi hơn so với người đồng cấp tại Coteccons. Trong năm 2019, Hòa Bình nhận được trợ lực từ cổ đông mới Huyndai Elevator, hãng thang máy lớn nhất Hàn Quốc.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2019, lợi nhuận ròng của nhà thầu này sụt giảm hơn 40%, dù doanh thu vẫn có được sự tăng trưởng.

Hòa bình đang trong quá trình chuyển đổi với tên gọi "nhân đôi lợi nhuận và quốc tế hóa" nhằm trở thành một tập đoàn xây dựng toàn cầu. Việc hiện thức hóa sẽ không dễ dàng như một câu khẩu hiệu, nhưng như những lời ca trong bài hát do chính ông Hải sáng tác rằng "thách thức là bao ai tính được... khát vọng có thúng nào mà đong".

Sinh ra và lớn lên trong thời kì chiến tranh, ông Hải chọn cho doanh nghiệp mình cái tên Hòa Bình. Giờ đây, ông mong muốn sẽ mang cái tên này tiến ra thế giới. Tại thị trường trong nước, Hòa Bình lên kế hoạch tập trung vào phân khúc trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng và các khu phức hợp.

Có thể bạn quan tâm

  • “Hé lộ

    “Hé lộ" tài sản khủng của đại gia Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động

    11:01, 12/10/2019

  • Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh: Khát vọng của tôi là ra khơi và phát triển mãi mãi

    Doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh: Khát vọng của tôi là ra khơi và phát triển mãi mãi

    08:20, 11/10/2019

  • “Nữ đại gia” Nguyễn Thị Như Loan: Nhiều khi tự hỏi

    “Nữ đại gia” Nguyễn Thị Như Loan: Nhiều khi tự hỏi "tại sao chọn nghề vất vả này"?

    00:41, 10/10/2019

  • CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và tham vọng bay toàn cầu

    CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và tham vọng bay toàn cầu

    14:28, 26/09/2019

  • "Nữ tướng" NutiFood, người vừa lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á là ai?

    15:31, 24/09/2019

Về phần Coteccons, nhà thầu này đang mở rộng sang phân khúc xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp để tránh chu kì suy giảm của bất động sản dân dụng tại nội địa. Đồng thời, Coteccons cũng thành lập các đơn vị đầu tư nhằm đa dạng hoá nguồn thu từ 3 năm trước, song đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Biểu tượng của ngành xây dựng Việt Nam

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của Coteccons và Hòa Bình đã suy giảm mạnh kể từ những mức đỉnh lập cuối năm 2017. Nhưng đấy không phải là điểm chung duy nhất của hai nhà thầu này.

Dù mỗi bên đều có khó khăn riêng, Coteccons và Hòa Bình vẫn đang tạo ra trăm tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm cho các cổ đông.

Ông Hải từng nói rằng giá cổ phiếu chỉ phản ánh phần nào chứ không thể hiện hết năng lực của Hòa Bình. "Vấn đề tôi quan tâm nhất là công ty phát triển theo đúng chiến lược của mình".

Với ông Dương, trả lời phỏng vấn vào đầu năm 2016 giữa thời điểm cổ phiếu của Coteccons đang chinh phục các mức cao, cho biết: "Công ty chỉ quan tâm là phải làm ra lợi nhuận cho cổ đông và chia cổ tức đều đặn đầy đủ, ít nhất là đạt theo kế hoạch đề ra. Còn giá cổ phiếu là do thị trường tự đánh giá, việc phản ánh hết giá trị hay chưa thì tôi không quan tâm lắm."

Dù khác biệt về nhiều mặt, hai doanh nhân Nguyễn Bá Dương và Lê Viết Hải đều chia sẻ niềm tự hào về năng lực của ngành xây dựng nội địa, và về công ty của họ nói riêng.

"Xây dựng là một trong những ngành mà Việt Nam tiệm cận được trình độ thế giới. Chúng tôi tự hào là một trong những công ty dẫn đầu", ông Dương nói trong buổi tất niên 2018 của Coteccons, theo sau là tràng vỗ tay của cán bộ nhân viên.

Về phần ông Hải, trong một buổi phỏng vấn đã từng cho biết rằng: "Ngành xây dựng Việt Nam ở một đẳng cấp cao, so với Đông Nam Á là chênh nhau đến 3 - 4 bậc. Và tôi tự hào về điều đó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Nguyễn Bá Dương và Lê Viết Hải: Hai cá tính định hình ngành xây dựng Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO