Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án thu phí bảo trì chung cư
Bộ Xây dựng đề xuất tài khoản thu phí bảo trì nhà chung cư phải là tài khoản “đóng”, chủ đầu tư không được sử dụng cho đến khi bàn giao cho ban quản trị.
Bộ Xây dựng đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ (Nghị định 99) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Nhà ở. Trong đó có sửa đổi quy định về việc nộp phí bảo trì tòa nhà.
Theo Bộ Xây dựng, khoản 2 điều 36 Nghị định 99 quy định có 2 hình thức nộp phí bảo trì mà người mua nhà có thể lựa chọn. Hình thức thứ nhất là nộp trực tiếp vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng mua bán. Hình thức thứ 2 là nộp cho chủ đầu tư để chủ đầu tư chuyển vào tài khoản kinh phí bảo trì.
Việc quy định 2 hình thức như trên khiến nhiều chủ đầu tư tự ý sử dụng khoản phí này trước khi bàn giao cho ban quản trị, gây khó khăn trong công tác quyết toán, thu hồi kinh phí để bàn giao cho ban quản trị, làm tăng các vụ tranh chấp. Do đó, Bộ Xây dựng cho rằng cần bỏ quy định nộp 2% phí bảo trì trực tiếp cho chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về 2% phí bảo trì nhà chung cư như sau:
Thứ nhất, người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại điều 108 của luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.
Thứ hai, chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản nhận phí bảo trì đã mở theo quy định tại khoản 1 điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua, thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.
Hiện mỗi khách hàng mua nhà, ngoài chi phí căn hộ mua, phải nộp thêm 2% phí bảo trì chung cư và thông thường, khoản phí này được chủ đầu tư thu. Các khoản này không hề nhỏ, theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, ở một số chung cư, lên đến 60 - 70 tỷ đồng. Trong quá trình giữ quỹ, nhiều chủ đầu tư đã tự ý sử dụng khoản tiền này theo mục đích riêng.
Một số trường hợp không bàn giao, bàn giao chậm, giao không đủ cho ban quản lý chung cư, gây tranh chấp phức tạp giữa hai bên, ảnh hưởng đến cư dân. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tranh chấp này chiếm 36% trong các vấn đề tranh chấp tại chung cư.
Trao đổi với PV, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, việc thu phí bảo trì chung cư là nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế, khi một toà chung cư là đa sở hữu với cả diện tích chung và riêng. “Chúng ta mới xây dựng và quản lý chung cư được hơn 10 năm nay nên cũng đang từng bước hoàn chỉnh cơ chế quản lý” - Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.
Theo một số chuyên gia, việc thu phí bảo trì có thể không để chủ đầu tư toàn quyền nắm giữ mà cần có cơ chế đồng chủ tài khoản với sự giám sát của các cơ quan chức năng. Như vậy, chủ đầu tư không thể “tự tung tự tác” với quỹ này. Trong trường hợp cần trích quỹ ra sửa chữa chung cư khi Ban quản trị chưa được thành lập thì cần họp cư dân lại để lấy ý kiến, các bên đồng chủ tài khoản cũng không được toàn quyền quyết định.
"Ngay cả khi cư dân có đóng góp bằng cách này, cách khác vào Quỹ bảo trì chung cư, thì cũng đòi hỏi kiện toàn một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ hơn về Ban quản trị chung cư và người có trách nhiệm làm chủ tài khoản của Quỹ bảo trì, tránh việc một hai cá nhân trục lợi Quỹ bảo trì chung cư gây hậu quả không tốt" – ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất bỏ thu 2% phí bảo trì chung cư: Nguy cơ tạo lỗ hổng pháp lý
06:00, 28/05/2020
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: Nên thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu
09:08, 09/05/2020
Om phí bảo trì bị xử phạt, Chủ đầu tư chung cư "dát vàng" đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi Quyết định.
20:53, 06/04/2020
Thanh tra phí bảo trì hàng loạt chung cư tại Hà Nội, TP.HCM
06:00, 20/11/2019
4 lý do nên dừng thu phí bảo trì
10:44, 10/04/2019
Không nên thu phí bảo trì chung cư từ đầu
12:59, 16/03/2019