Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ III): Tận dụng nguồn lực từ doanh nghiệp
Đắp chiếu suốt 25 năm, nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều có những đề xuất góp vốn, giải quyết nguồn lực phát triển đô thị ven sông Hồng nhưng các đề xuất vẫn đi vào ngõ cụt.
Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã được TP Hà Nội khởi động từ năm 2000. Từ thời các Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Nghiên, Nguyễn Quốc Triệu, Hà Nội đã mời các chuyên gia quy hoạch từ nước ngoài để tham vấn. Thành phố Seoul (Hàn Quốc) cũng có dự án tặng Hà Nội 5 triệu USD để nghiên cứu quy hoạch này, nhưng vẫn chưa thành hiện thực.
Doanh nghiệp đi vào ngõ cụt
Trong suốt 30 năm qua, kể từ khi Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước “đánh tiếng” đồng ý góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, từ đó đề xuất các dự án phát triển hạ tầng 2 bên bờ sông Hồng.
Trong đó, khởi nguồn cho dự án Trấn Sông Hồng, năm 1995, một nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng một khu dân cư hiện đại với các quần thể cao ốc ở khu vực ngoài đê An Dương. Theo đó, TP Hà Nội đã lập ban quản lý dự án, phê duyệt quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500, tuy nhiên sau đó chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên đã phải dừng lại.
Kế đó là sự hợp tác, tài trợ đến từ thành phố Seoul, Hàn Quốc hồi năm 2006 với đề xuất dự án có tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 2 năm lấy ý kiến, dự án quy hoạch này lại tiếp tục thất bại và nguyên do vẫn là về trị thủy.
Năm 2016, 3 Tập đoàn là Geleximco, Sun Group và Vingroup có văn bản đề nghị tài trợ cho thành phố toàn bộ kinh phí lập quy hoạch này. Trong đó, Tập đoàn Geleximco đã chủ động mời Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư ngoại đến từ Mỹ, thậm chí cả Ý cũng đã có những đề xuất phát triển dự án hạ tầng ở 2 bên bờ sông Hồng. Trong đó nổi bật nhất làm “khu đèn đỏ” ở khu vực bãi giữa, nằm dưới chân cầu Long Biên. Nhưng các đề xuất này cũng sớm đi theo vết xe cũ do chưa tìm được phương án khả thi trong vấn đề trị thủy, thoát lũ.
Lãnh đạo Hà Nội đã chỉ rõ những khó khăn về nguồn lực khi thực hiện dự án. Cụ thể, hiện có gần 1 triệu người dân sinh sống hai bên bờ sông Hồng, từ Ba Vì, Phúc Thọ, Sơn Tây đến Phú Xuyên. Vì vướng luật đê điều và quy hoạch phân lũ, nên toàn bộ công trình điện, đường, trường, trạm ngoài bờ sông thành phố đều không triển khai được. Tại một số khu vực, người dân có sổ đỏ mà không được cấp phép xây dựng.
“Nhìn vào thực lực về tài chính của thành phố và ngân sách T.Ư thì 5 đến 10 năm tới rất khó có kinh phí làm đường và đắp đê sông Hồng qua các quận nội thành; và cũng không có kinh phí để di dời gần 1 triệu người dân vốn phải di dời theo luật" - lãnh đạo Hà Nội chỉ rõ.
Việc làm tất yếu cho tương lai
Theo chuyên gia Hoàng Minh Sơn - Tổng Công ty cổ phần Vinaconex một trong những rào cản dẫn tới việc triển khai quy hoạch vào thực tế còn ì ạch là nguồn lực thì hiện nay đã có lối mở. Đó là việc đã có các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ nguồn lực để lập quy hoạch.
Nguồn lực tự nhiên đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản theo hướng đổi hạ tầng để khai thác quỹ đất. Tất nhiên việc hoán đổi này phải được kiểm soát chặt chẽ để không được ảnh hưởng tới quy hoạch, hạ tầng, đồng thời không bị lợi dụng chính sách để trục lợi. Phải đặt lợi ích chung của người dân, sự phát triển của đô thị lên trên hết.
Để xây dựng quy hoạch TP hai bên sông phát triển hiện đại và bền vững, ông Sơn cho rằng các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc. Đặc biệt, UBND TP Hà Nội là cơ quan đứng ra chủ trì để lập quy hoạch hai bên sông Hồng. Trong đó, việc đầu tiên là phải làm rõ các vấn đề pháp lý đối với sông Hồng đoạn qua Hà Nội, nhất là về vấn đề phạm vi thoát lũ. Phải xây dựng được một quy chế để khai thác không gian xung quanh hai bờ sông Hồng như thế nào cho phù hợp. Trên cơ sở đó, phải có một quy hoạch mà được ưu tiên đối với tổ chức khai thác cảnh quan hai bên sông với việc sử dụng diện tích đất cho xây dựng phải hợp lý.
"Tùy từng địa điểm, từ phía Bắc và phía Nam của sông Hồng để xây dựng những không gian đô thị thích ứng kết nối hệ thống cầu và hệ thống giao thông để tạo nên một tổ hợp không gian kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông theo đúng chức năng và tỷ lệ (kích thước đô thị hợp lý)" - ông Sơn cho biết.
Trao đổi với DĐDN, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục lắng nghe ý kiến phản biện của chuyên gia các lĩnh vực liên quan, bộ, ngành, các tổ chức xã hội, ý kiến cộng đồng dân cư. Về việc lựa chọn đối tác thực hiện, Hà Nội cần xây dựng và đưa ra bộ tiêu chí rõ ràng công khai trước dư luận.
“Việc chọn đơn vị tham gia nghiên cứu lập quy hoạch là Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc châu Âu không quan trọng miễn là thành phố lựa chọn được đơn vị đưa ra phương án quy hoạch phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên sông Hồng, lựa chọn được chủ đầu tư đủ nguồn lực tham gia, đồng thời xây dựng được quy chế quản lý - giám sát chặt chẽ…”, ông Nghiêm phân tích.
Kỳ IV: Cần quyết định sáng suốt
Có thể bạn quan tâm
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông Hồng (KỲ II): "Phá băng" sự trì trệ
08:30, 24/08/2020
Ì ạch quy hoạch thành phố ven sông (KỲ I): “Lỡ dở” sông Hồng
05:00, 24/08/2020
Dự án Thành phố ven sông Hồng: Xây hàng trăm chung cư cao tầng là không ổn
07:30, 21/06/2019
Thành phố ven sông Hồng: Nguy cơ hay cơ hội cho Hà Nội?
11:13, 25/01/2019