Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã đề xuất tái khởi động lại quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sau nhiều năm "lỡ dở".
Đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện. Việc Hà Nội chậm triển khai quy hoạch không chỉ gây ra những hệ lụy từ môi trường sinh thái, quản lý đất đai mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sống ở khu vực này.
Trong gần 30 năm qua, một số dự án quy hoạch sông Hồng đã được đưa ra nhưng đều “lỡ dở”. Cụ thể, Dự án Trấn Sông Hồng năm 1994, nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với TP, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.
Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng. Giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến năm 2020. Sau nhiều lần lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.
Năm 2016 có ba doanh nghiệp tự góp kinh phí nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng theo 2 phương án. Một là xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo khai thác quỹ đất phát triển đô thị, giữ an toàn nội đô (chống lũ trên báo động 3), thay thế cho tuyến đê hiện tại. Hai là quy hoạch xây dựng đường và đê kết hợp đảm bảo chống lũ báo động 2; bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng hệ thống hồ, kênh thu nước, phục vụ tiêu thoát nước hỗ trợ tuyến đê phía trong (đê hiện tại) đảm bảo chống lũ trên báo động 3. Nhưng cũng không khả thi.
Tại cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT đầu tháng 7 mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra định hướng trong 5 năm tới phải thực hiện các quy hoạch phân khu để phủ kín quy hoạch chung thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt. Từ quy hoạch như vậy, TP Hà Nội mới có thể sử dụng được nguồn tài nguyên đất là các bãi ven sông để phát triển đô thị.
“Hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì thủ đô rất khó phát triển, bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm”, ông Huệ nói và cho hay 3 năm trước, TP Hà Nội đã bỏ lỡ việc phê duyệt quy hoạch ven sông khi thẩm quyền còn thuộc HĐND TP.
Một quy hoạch long lanh chưa thấy đâu nhưng suốt nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại phường Yên Phụ đang bị “trói tay, trói chân” khi căn nhà, mảnh đất họ đang ở không thể làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên, mua bán thậm chí là cải tạo nhà bị xuống cấp. Nguyên nhân là do khu vực này nằm trong quy hoạch dự án Sông Hồng City hay còn gọi là dự án Trấn Sông Hồng đã treo lơ lửng suốt 25 năm qua, ngót ngét 1/3 đời người.
Ông Triệu Ngọc Oanh, người dân sống tại khu dân cư 13, phường Yên Phụ cho biết từ thời điểm năm 1995 khi có quy hoạch dự án sông Hồng City đến nay, đô thị hiện đại thì chưa thấy đâu nhưng “cái được” của hàng trăm hộ dân nơi đây là cảnh sống tạm bợ không bằng đi ở nhờ trên chính ngôi nhà của mình, không được sửa chữa, xây dựng, việc bán mua thì lại càng không thể.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Tiệp (tổ 40, phường Yên Phụ) ngao ngán, dự án đã quy hoạch nhưng không thấy triển khai. "Hơn 20 năm nay chúng tôi sống trong tình trạng thiếu thốn đủ thứ, sống tạm trên chính ngôi nhà của mình, không có quyền lợi trên chính mảnh đất mình đang ở. Nếu chính quyền có chủ trương hợp lý, chúng tôi sẵn sàng rời khỏi nơi ở".
Các hộ dân trong vùng ảnh hưởng của dự án Sông Hồng City cho biết, họ đã nhiều lần kiến nghị lên các ban, ngành chức năng thành phố. Đặc biệt, qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, các kỳ họp Quốc hội, dự án Sông Hồng City đã được các Đại biểu Quốc hội nêu tên, đưa vào danh sách các dự án sớm được triển khai, nhưng "xong rồi để đó". "Mong rằng, Thành phố, các cấp chính quyền sớm triển khai và giải quyết dứt điểm tình trạng trên” – ông Tiệp nói thêm.
Ông Phạm Thành Trung, Phó Chủ tịch phường Yên Phụ thừa nhận, để giải quyết các khó khăn cho người dân, UBND phường đã nhiều lần có công văn báo cáo để UBND quận Tây Hồ tập hợp trình thành phố sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với các hộ dân liên quan đến Dự án sông Hồng City.
Đồng thời, đề nghị TP trả lời về việc dự án có tiếp tục được thực hiện hay không, nếu không đề nghị xem xét giải quyết để những hộ dân nằm trong dự án được cấp phép xây dựng cải tạo, sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống.
Kỳ II: "Phá băng" sự trì trệ
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội quyết định tái khởi động dự án Trấn Sông Hồng
03:12, 19/12/2018
Ì ạch dự án quy hoạch sông Hồng (KỲ I): Sống mòn với "siêu dự án trên giấy”
22:00, 23/08/2020
NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (KỲ IV): Ban chỉ đạo cho lộ trình di dời mới
06:00, 02/08/2020
NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (Kỳ III): Kẽ hở do luật "vênh" nhau
14:00, 01/08/2020
NHÀ MÁY "CỐ THỦ" PHÁ VỠ QUY HOẠCH THỦ ĐÔ (KỲ II): Khó di dời bởi “đất vàng”
21:15, 31/07/2020