Vụ nữ cán bộ cho "mượn" 22 sổ đỏ: Cần nắm rõ thời gian cấp sổ
Người dân phải thận trọng khi làm hồ sơ, thủ tục liên quan đến sổ đỏ; nắm rõ thời gian cấp sổ để tránh rơi phải tình huống sổ đỏ bị thất thoát, bị rao bán mà không biết.
Liên quan đến sự việc cán bộ phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà tự ý mang 22 sổ đỏ của dân cho bạn mượn, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự - TAT Law firm đã có ý kiến phản hồi với DĐDN.
Nhân viên phòng ĐKĐĐ có thể bị phạt tù
Mới đây, một trường hợp hy hữu đã xảy ra tại tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng khi một nhân viên “vô tư” lấy 19 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công dân cho người khác “mượn”.
Theo lời khai của nhân viên này, sau khi mượn được sổ đỏ, "cò đất" đã dùng các sổ đỏ này để được cò đất rao bán trên thị trường. Có thể nói, đây là một trường hợp hy hữu và hiếm gặp, tuy nhiên việc này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro cho những chủ nhân thật sự.
Trước hết, có thể thấy hành vi “cho mượn sổ” của cán bộ phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà là trái pháp luật, sổ đỏ là của người dân chứ không phải của cán bộ đó nên không thể nói là cho “mượn tạm” sổ đỏ để mang đi chứng minh năng lực của doanh nghiệp được.
Xét về bản chất, đây là hành vi cố ý đánh cắp tài liệu của cơ quan nhằm một mục đích cụ thể nào đó. Và tùy từng mục đích khác nhau mà cán bộ phòng đăng ký đất đai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các tội khác nhau.
Với hành vi phạm tội của cán bộ phòng đăng ký đất đai có thể sẽ cấu thành tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó mức hình phạt đối với loại tội này là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm tùy vào tính chất nghiêm trọng và mức độ vi phạm của tội phạm.
Tuy nhiên, với đối tượng đang giữ sổ đỏ của người khác, việc xử lý hành vi chiếm dụng, đánh tráo sổ đỏ của người khác lại rất khó xử lý. Bởi lẽ bản thân sổ đỏ đơn thuần chỉ là một “tờ giấy” theo nghĩa đen, và nếu bị mất sổ đỏ họ có thể tiến hành thủ tục xin cấp lại.
Vì không được coi là tài sản nên người lấy trộm sổ đỏ không bị truy tố về hành vi trộm cắp tài sản và cũng không thể xử phạt vi phạm hành chính được.
Thận trọng khi làm thủ tục liên quan đến sổ đỏ
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đang tiến hành điều tra và xem xét vụ việc để xem xét trách nhiệm hình sự của những người có liên quan. Sau khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Vụ việc xảy ra cũng chính là một lời cảnh tỉnh cho những cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan nhà nước, cần phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đồng thời không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn, từ đó không vướng phải những sai lầm tương tự như cán bộ nêu trong vụ việc.
Thông qua vụ việc này, người dân cũng cần hết sức lưu ý và thận trọng khi làm hồ sơ, thủ tục liên quan đến sổ đỏ; tránh rơi phải tình huống sổ đỏ bị thất thoát, bị rao bán mà không biết hoặc bị chậm cấp sổ đỏ mà không biết ứng xử như thế nào. Một số vấn đề người dân cần lưu ý là:
Một là cần phải nắm được thời gian cấp sổ đỏ là bao lâu. Ví dụ như đối với trường hợp đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp sổ đỏ thì thời gian là không quá 30 ngày; thủ tục đăng ký, cấp sổ đỏ khi thay đổi tài sản gắn liền với đất thì thời gian cấp là không quá 15 ngày….
Hai là khi hết thời hạn cấp sổ đỏ nêu trên mà vẫn chưa được cấp thì người có yêu cầu cấp sổ đỏ có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai để được xem xét.
Có thể bạn quan tâm
Gần 10 năm “sổ đỏ” vẫn treo tại khu tái định cư Đằng Hải 1: Lỗi từ nhiều phía
04:30, 01/09/2020
Vụ nữ cán bộ tuồn 22 sổ đỏ cho doanh nghiệp "mượn" phạm những tội danh gì?
00:10, 30/08/2020
Vụ nhân viên phòng đăng ký đất đai cho cò đất mượn sổ đỏ của dân: cảnh báo mua bán đất qua hợp đồng ủy quyền
22:34, 27/08/2020
Đà Nẵng sẽ truy xét, thu hồi toàn bộ sổ đỏ bị chiếm đoạt bất hợp pháp
14:15, 27/08/2020