Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ V): Bài học từ những con sông huyền thoại

DIỆU HOA 24/09/2020 15:00

Theo các chuyên gia, ngay cả những con sông huyền thoại trên thế giới như sông Thames (Anh) hay sông Hàn (Hàn Quốc) cũng đã từng rơi vào cảnh tương tự như sông Tô Lịch hiện tại.

Việc cải tạo sông Tô Lịch nên hướng theo thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị nhằm thu hút khách du lịch và góp phần tạo nên môi trường sống trong sạch

Trao đổi riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia cầu đường Tổng Công ty cổ phần Vinaconex cho biết vốn dĩ sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng. Đây là con sông có gắn liền với lịch sử lâu đời của thành Thăng Long và sự tích trấn yểm về tâm linh cũng như một số công trình là di tích lịch sử ven sông. 

Hài hoà lợi ích 3 bên

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, không phải vì lý do đó mà biến nơi đây thành nơi công viên tâm linh mà hãy xây dựng thành con sông vốn tự nhiên của nó để đảm bảo cảnh quan đô thị, góp phần tạo nên môi trường trong sạch hơn, thu hút khách du lịch, khai thác du lịch, trở thành nơi vui chơi, thưởng ngoạn cho người dân đi dọc bờ sông và các cầu đi bộ trên sông như một số con sông ở các thành phố khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, để sông Tô Lịch luôn luôn chảy và lấy nước tự nhiên thì phải tính đến thủy văn, thủy lực, tức là phải tính toán cao độ của đáy sông, độ dốc của đáy sông, mặt cắt của lòng sông, vận tốc và lưu lượng để có sự điều tiết phù hợp bởi nguyên tắc của con sông là phải luôn luôn chảy. 

"Trên thực tế, ở các nước châu Âu đã từng áp dụng cải tạo lòng sông bằng cách xây dựng kè thẳng đứng để tăng lưu lượng nước trên sông, vẫn đảm bảo kiến trúc, cảnh quan đô thị, có thể khai thác trên sông và không ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan xung quanh" - ông Sơn cho biết.

Đồng thời, theo ông Sơn, các nhà đầu tư cần phải tính toán đến việc thực hiện nạo vét đáy sông tạo dòng chảy tự nhiên đảm bảo nguồn nước sạch cho các sinh vật sinh sống. Kết nối với sông Hồng và một số hồ hiện có như Hồ Tây… tạo thành hệ thống sông – hồ hài hòa.

Giai đoạn tiếp theo sẽ kết nối với sông Nhuệ, sông Kim Ngưu và các sông khác xung quanh để thoát nước mưa và chống ngập cho thành phố. Bên cạnh đó là trồng cây và các vật liệu kiến trúc mang đến cho thành phố vẻ đẹp đặc sắc văn hóa riêng của thủ đô Hà Nội và phù hợp với phong thủy như vốn có trước đây.

“Thực tế, đề xuất cải tạo thành Công viên Lịch sử - Văn hóa là ý tưởng tốt. Việc cải tạo sông Tô Lịch nên hướng theo thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị, nhằm thu hút khách du lịch và góp phần tạo nên môi trường sống trong sạch” – ông Sơn đề xuất.

TS Đào Trọng Tứ - Cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng giải pháp tổng thể hay công nghệ gì thì cũng không thể làm sạch sông Tô Lịch một cách tức thời mà vẫn phải thu gom nước thải, xử lý rồi tìm nguồn nước bổ cập cho sông để tạo dòng chảy, sông mới từ từ hồi sinh. Khi sông đúng nghĩa là sông rồi, mới có thể tính toán những chuyện khác.

"Các ý tưởng hồi sinh sông Tô Lịch đều đáng được khích lệ. Nhưng để làm được hay không còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Cần tính toán các giải pháp làm sao để lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân được hài hòa" - TS Đào Trọng Tứ bày tỏ quan điểm.

Bài học từ những con sông huyền thoại

Năm 1957, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh tuyên bố sông Thames đã chết về mặt sinh học. Đơn vị này cho biết môi trường nước sông đã bị ô nhiễm bởi chiến tranh, nước thải sinh hoạt và công nghiệp chảy trực tiếp xuống sông, trong khi đó các công trình xử lý nguồn nước thì đã bị bom đạn phá hủy. Dòng sông này đã phải đối diện với sự "từ bỏ" của chính phủ Anh vì cho rằng không cần thiết phải làm sạch.

Khó để tưởng tượng rằng sông Thames huyền thoại từng bị chính phủ Anh "từ bỏ" vì quá ô nhiễm

Đến năm 1960, khi các công trình xử lý nước thải mới được xây dựng, cộng thêm các công trình cũ được cải tạo, nước thải từ các cống đã được tách không cho chảy xuống dòng sông, người dân dọn dẹp các chất thải rắn ra khỏi lòng sông. Đến lúc này, sông Thames mới bắt đầu "cựa quậy".

Ngay sau đó, chính phủ Anh cũng thắt chặt quy định về di dời nhà máy, công nghiệp khỏi nội đô, hạn chế các hoạt động có chất thải kim loại nặng nhằm hạn chế ô nhiễm. Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, con sông Thames một lần nữa sống lại, trở thành biểu tượng của thủ đô London.

Hay với sông Hàn của Hàn Quốc, con sông này vốn dĩ có tên gọi là Hán Giang, là con sông lớn ở Hàn Quốc, là con sông dài thứ tư ở bán đảo Triều Tiên sau các sông Áp Lục, Đồ Môn, Lạc Đông. Bởi ảnh hưởng của chiến tranh, giai đoạn 1950 - 1953, con sông này là biểu tượng ô nhiễm của Hàn Quốc. Thời điểm đó, sông Hàn thơ mộng ngày nay là nơi tập hợp nước thải của các nhà máy dệt, nhà máy sô cô và nước thải sinh hoạt của toàn thành phố.

Người dân thủ đô Seoul đã phải chứng kiến cảnh tượng cá chết ngập bờ sông, không một loài chim nào sinh sống gần đấy.

Năm 1982, Hàn Quốc khởi động dự án làm sạch sông Hàn với ngân sách 470 triệu USD. Dự án này được triển khai trong 5 năm, tiến hành xây 4 nhà máy xử lý nước thải, nạo vét, kiểm soát mực nước sông, xây dựng công trình giải trí, cây xanh dọc dòng sông. Đến năm 1988, Hàn Quốc đã chứng minh thực lực của mình khi sông Hàn được lựa chọn làm nơi tổ chức môn đua thuyền.

Có thể nói, Hàn Quốc đã thành công biến sông Hàn từ con sông mà không một loài nào sống được, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, điểm đến mà không ai có thể bỏ qua khi đặt chân đến Hàn Quốc bởi sự quyết tâm cao độ và sự đồng bộ giữa các công trình thủy lợi, môi trường và giao thông. Biến nơi đây đã trở thành khu vực đắt đỏ bậc nhất châu Á.

Có thể bạn quan tâm

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ IV): Cần làm rõ nguồn vốn

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ IV): Cần làm rõ nguồn vốn

    16:00, 23/09/2020

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ III): Chủ tịch JVE nói gì?

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ III): Chủ tịch JVE nói gì?

    15:30, 22/09/2020

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ II): Bài học

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ II): Bài học "quyết tâm" từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

    08:00, 21/09/2020

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ I): Khó khả thi

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ I): Khó khả thi

    07:30, 19/09/2020

  • "Sức khỏe" JVE: Doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch

    11:00, 18/09/2020

  • Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Mời doanh nghiệp vào cuộc

    Dự án cải tạo sông Tô Lịch: Mời doanh nghiệp vào cuộc

    06:30, 30/11/2018

DIỆU HOA