Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ IV): Cần làm rõ nguồn vốn

DIỆU HOA 23/09/2020 16:00

Sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp có loạt bài về "Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên", mới đây, Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - BIM Manager, kỹ sư cầu đường Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đã có ý kiến.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) - doanh nghiệp từng thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor vừa có đề xuất gửi tới Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch.

Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - Chuyên gia tư vấn Công ty CP Synetics - HBCI Group

Thạc sĩ Hoàng Minh Sơn - BIM Manager, kỹ sư cầu đường Tổng Công ty cổ phần Vinaconex

Theo đề xuất, đơn vị này sẽ phối hợp cùng đối tác là một trong những tổng thầu lớn nhất Nhật Bản để xây dựng đề án giải pháp tổng thể cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” sử dụng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.

Trên thực tế, sông Tô Lịch đã được UBND Thành phố Hà Nội quan tâm cải tạo bằng các phương pháp nạo vét đáy sông, kè bờ để làm sạch và chống lấn chiếm. Tuy nhiên, do hệ thống nước thải của Thành phố đổ về sông ngày càng nhiều, làm cho dòng sông ngày càng trở nên ô nhiễm. 

Hơn 10 năm nay, rất nhiều đề xuất, thử nghiệm đã được triển khai nhằm tìm phương án "hồi sinh sông Tô Lịch", có thể kể đến vào năm 2014, Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông. Cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Sau đó là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản hay Redoxy3C… Tuy nhiên, đa số các phương án chỉ xử lý được hiệu quả trong một khu vực hoặc một khoảng thời gian nhất định.

Phối cảnh sông Tô Lịch mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt vừa mới đề xuất

Bởi lẽ dù đã được Chính phủ chỉ đạo nhưng nguồn vốn để thực hiện dự án này vẫn là UBND TP Hà Nội tự chủ động, trong khi đó, để thực hiện đồng bộ từ thu gom nước thải, nạo vét làm sạch lòng sông, tạo dòng chảy tương đối... cần nguồn vốn rất lớn. Do đó, để dự án có tính khả thi được hay không, vấn đề cốt lõi nhất vẫn là nguồn vốn, về lâu dài không để đội vốn như các công trình thế kỷ mà chúng ta đã chứng kiến.

Với đề xuất của Công ty JVE, UBND TP Hà Nội cần xem xét doanh nghiệp này liệu có đủ năng lực quản lý, kỹ thuật và tài chính để thực hiện hay không hay chỉ đưa thông tin để quảng cáo, gây sự tò mò cho người dân như một số doanh nghiệp trước đây. Bên cạnh đó, cần phải tìm hiểu rõ về đối tác mà doanh nghiệp này nói đến rằng sẽ "tài trợ" toàn bộ phải tìm hiểu thật sự họ có đối tác Nhật Bản như thế nào?, các chuyên gia Nhật Bản có vai trò thật sự trong đề xuất này hay không?

Đặc biệt, cần làm rõ nguồn vốn để thực hiện dự án này là vốn tài trợ không hoàn lại hay vốn vay (vốn vay ODA hay vốn vay thương mại), nếu là vốn đầu tư PPP (hợp tác công tư) thì đề xuất đầu tư và phương án thu hồi vốn như thế nào? Một điểm quan trọng nữa là các công trình này cần phải được kết hợp với dự án mà TP Hà Nội đang triển khai đó là nhà máy nước Yên Xá.

Được biết, đến nay dự án đã tiến hành lắp đặt ống cống khổng lồ dẫn nước sông Tô Lịch vào nhà máy xử lý nước thải, đồng thời lắp đặt cống ngầm dưới lòng sông, sông Tô Lịch sẽ không còn bị hàng trăm nghìn mét khối nước thải chảy vào mỗi ngày. Có thể nói, đến khi hoàn thiện, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, nhà máy nước Yên xá sẽ giúp Hà Nội giải quyết vấn đề cấp bách về xử lý nước thải, góp phần làm sạch các con sông ô nhiễm từ lâu. 

Như vậy, sau khi hệ thống thoát nước thải được cải tạo thành hệ thống đi riêng, nước đổ ra sông sẽ là nước mưa tự nhiên và nguồn nước sạch tự nhiên, coi như việc xử lý sông Tô Lịch đã được hoàn thành bởi dự án trên, công tác xử lý làm sạch nguồn nước không cần bàn đến nữa mà việc quan trọng là cải tạo lòng sông.

"Dự án này nếu có đủ nguồn vốn thì hoàn toàn khả thi xét về mặt kỹ thuật, cần lưu ý là trong quá trình thực hiện dự án, phải nghiên cứu, phối hợp với các Dự án khác có liên quan" - ông Sơn bày tỏ quan điểm.

JVE Group tiền thân là Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt được thành lập vào ngày 8/5/2017. Vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, với tỷ lệ nắm gần như tuyệt đối thuộc về Chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Anh (98%) và 2 cá nhân còn lại là Nguyễn Thị Ngọc Bích (1%), Nguyễn Đức Anh (1%).

Đến tháng 4/2020, công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn môi trường Nhật Việt (JVE) như hiện tại. Cùng với đó, JVE Group tăng mạnh vốn lên 1.000 tỷ đồng, với 100% là nguồn vốn tư nhân.

Từ khi thành lập, JVE chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ khoảng 1-3 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, JVE lần lượt báo lỗ 340 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng và 2,93 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của JVE đạt 4,91 tỷ đồng, tăng 3,46 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng từ 700 triệu đồng lên mức 4,6 tỷ đồng.

Kỳ V: Không mang “tâm linh” vào dự án

Có thể bạn quan tâm

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ III): Chủ tịch JVE nói gì?

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ III): Chủ tịch JVE nói gì?

    15:30, 22/09/2020

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ II): Bài học

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ II): Bài học "quyết tâm" từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

    08:00, 21/09/2020

  • Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ I): Khó khả thi

    Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ I): Khó khả thi

    07:30, 19/09/2020

  • "Sức khỏe" JVE: Doanh nghiệp đề xuất cải tạo sông Tô Lịch

    11:00, 18/09/2020

  • Xả nước Hồ Tây có làm trôi kết quả thử nghiệm của JVE?

    Xả nước Hồ Tây có làm trôi kết quả thử nghiệm của JVE?

    19:41, 23/07/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên (KỲ IV): Cần làm rõ nguồn vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO