QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà ở: Chưa phù hợp thực tiễn
Quy chuẩn mới về an toàn cháy nhà ở nhằm thay thế cho quy chuẩn mã số QCVN 06:2010/BXD đã bộc lộ một số bất cập khiến các doanh nghiệp lúng túng trong thực hiện.
QCVN 06:2020/BXD được ban hành kèm theo Thông tư 01/2020/TT-BXD ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình nhằm thay thế cho QCVN 06:2010/BXD được đánh giá đã "lỗi thời" và không còn phù hợp với sự phát triển của công nghệ xây dựng hiện đại.
Bổ sung các quy định mới
Theo ông Hoàng Anh Giang - Viện Chuyên ngành Kết cấu công trình xây dựng, Bộ Xây dựng - cơ quan soạn thảo quy chuẩn cho biết, QCVN 06:2020/BXD đã làm rõ một số nội dung liên quan đến khoảng đệm không nhiễm khói để tiếp cận đến buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1, nguyên tắc bố trí cầu thang cong trên đường thoát nạn, bố trí các điểm quay trở lại phía trong nhà cho các buồng thang bộ thoát nạn, bổ sung và chỉnh sửa một số quy định liên quan đến bố trí cầu thang bộ và buồng thang bộ trên đường thoát nạn…
Bên cạnh đó, để ngăn chặn cháy lan, QCVN 06:2020/BXD bổ sung và làm rõ một số quy định về yêu cầu chịu lửa đối với hệ trần treo, điều chỉnh bổ sung quy định đối với ống đổ rác. Đặc biệt, QCVN 06:2020/BXD cũng đã bổ sung một chương về cấp nước chữa cháy và nhiều nội dung khác…
Đối với QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác, một trong nhiều nội dung đổi mới đáng chú ý là cho phép xây dựng chung cư diện tích tối thiểu 25 m2.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Châu - Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật, CTCP Tư vấn Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC), các điểm sửa đổi, bổ sung vẫn còn một số vướng mắc, không đồng nhất với QCVN 04:2019/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nhà chung cư. Theo đó, các vấn đề này cần được làm rõ, để doanh nghiệp “hiểu đúng và làm đúng”.
Thứ nhất, với quy định về kiến trúc, theo quy định tại Mục A.2.23. QCVN 06:2020 quy định về ngăn cháy lan theo mặt đứng không xác định cụ thể việc có tính vào khoảng lùi hay không và phụ thuộc vào mật độ xây dựng được thì tính như thế nào. Bởi ngay cả TCVN 9255:2012 cũng không tính khoảng lùi này, kiến nghị làm rõ tiêu chuẩn cụ thể.
Thứ hai, mục A.2 - Khoảng cách thoát nạn quy định đối với Nhà thuộc nhóm nguy hiểm cháy theo công năng F 1.2, F 4.3 và nhà hỗn hợp có chiều cao từ trên 50 m đến 150 m. Tuy nhiên, hiện nay các công trình thường được sử dụng đa công năng như thương mại, ở, văn phòng, công cộng... Do đó, cần quy định cụ thể đối với từng khu vực nhằm đảm bảo tính an toàn và công tác phòng cháy cao nhất.
Không những vậy, QCVN:06/2020 còn quy định trong bảng H1. Diện tích khoang cháy và chiều cao lớn nhất cho phép của nhà chung cư là 75m là chưa phù hợp với thực tiễn hiện tại. Cần làm rõ, đính chính chiều cao lớn nhất của nhà trong bảng trên.
Chuẩn hóa các thuật ngữ xây dựng
Theo ông Nguyễn Hồng Châu, tại điểm A.2.28.8 về giới hạn chịu lửa của áp điện chưa có quy định có cần thiết phải REI cho ống, hộp có cáp dây điện bên trong và có cần giới hạn chịu lửa 150, 120 và 90 phút không.
Hay giới hạn chịu lửa ống hút khói tối đa 120 phút, trong khi đó điểm A.2.28.1 lại quy định điện cấp cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật nêu dưới đây phải đảm bảo duy trì sự làm việc của các thiết bị đó trong thời gian không ít hơn 3 h kể từ khi có cháy và phải được lấy từ 3 nguồn cấp độc lập(Hệ thống PCCC) là chưa đồng nhất…
Về kết cấu điện, ông Châu kiến nghị xem lại thời gian cấp điện và giới hạn chịu lửa cho cáp điện trong QCVN 04:2019/BXD và QCVN:06/2020; Bỏ yêu cầu về giới hạn chịu lửa của cáp điện trong QCVN 04:2019 để tránh mâu thuẫn với quy chuẩn 06:2020.
Bên cạnh đó, về kết cấu nước, vị này cũng đề nghị đính chính mục A.2.28.1 (Cấp điện cho hệ thống PCCC) trong QCVN 06:2020 cho phù hợp với giới hạn chịu lửa và thời gian chữa cháy của các hệ thống PCCC. Đề nghị xem xét lại điều 2.9.2.17 trong QCVN 04:2019/BXD để có thể áp dụng các loại ống UPVC, HDPE, PPR trong nhà.
Đại diện CDC cũng kiến nghị xem lại quy định về miệng lấy không khí tươi trong phụ lục A của quy chuẩn 06:2020; thống nhất các thuật ngữ gió tươi, không khí tươi trong các quy chuẩn về thông gió.
Theo ông Châu, không ít chủ đầu tư hiện nay trong quá trình thiết kế, thi công đã không chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, không thực hiện nghiêm các quy trình PCCC theo các quy chuẩn hiện hành. Việc áp dụng các quy chuẩn quốc gia quy định những yêu cầu cơ bản về PCCC khi thiết kế xây dựng mới, cải tạo, mở rộng đối với các nhà, công trình dân dụng cao tầng là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Ông Châu kỳ vọng, thông qua những đóng góp của các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành “pháp điển” xây dựng và chuẩn hóa tất cả các thuật ngữ xây dựng trong toàn bộ hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn PCCC tại các công trình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, cơ quan Quản lý Nhà nước cam kết hỗ trợ các chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu xây dựng hướng dẫn và làm rõ các vấn đề trong việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2020/BXD về an toàn cháy cho nhà, công trình; QCVN 04:2019/BXD nhà chung cư và các QCVN liên quan khác hiện nay. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên quan nắm rõ hơn về các yêu cầu thực tiễn của cơ quan quản lý Nhà nước trong thẩm định, thẩm duyệt, nghiệm thu thiết kế xây dựng, PCCC và bàn giao công trình đưa vào sử dụng theo đúng quy định. |
Có thể bạn quan tâm