Điểm nổi bật về bất động sản trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng
Thị trường bất động sản và lĩnh vực đất đai là một trong những nội dung được nêu và nhấn mạnh trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã đưa ra một số nội dung quan trọng liên quan đến đất đai và thị trường bất động sản.
Tại phần thứ nhất về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 tại nội dung về thực hiện các đột phá chiến lược đã tổng kết “trong giai đoạn 5 năm qua thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất được hoàn thiện và hoạt động bền vững hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt. Các tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường đã hình thành và đi vào hoạt động ổn định, gồm: Hệ thống sàn giao dịch bất động sản, tư vấn, quản lý bất động sản, các tổ chức tài chính, tín dụng, các hội nghề nghiệp”.
Theo đó, loại hình nhà ở cho thuê bước đầu được xây dựng, phát triển. Các sản phẩm bất động sản hiện đại, tích hợp được hình thành, chất lượng sản phẩm từng bước được cải thiện, đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, bất động sản thông minh, an toàn.
Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, Dự thảo nhận định hệ thống các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên đã từng bước được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã từng bước khắc phục những hạn chế, phát huy được nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, dần chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động giải quyết. Tập trung thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc chấn chỉnh công tác cấp phép tài nguyên khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông. Công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm hơn.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Dự thảo cũng nêu ra một hạn chế, yếu kém liên quan đến việc quản lý đất đai như trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thì còn một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Trong việc thu ngân sách nhà nước “chưa bền vững, còn dựa vào các khoản thu từ vốn và thu từ đất đai có tính chất một lần, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa được phát huy”.
Trong cơ chế phân cấp quản lý kinh tế, quản lý ngân sách nhà nước và đầu tư được đẩy mạnh nhưng trong thực hiện còn thiếu đồng bộ, thiếu các cơ chế giám sát hiệu quả dẫn đến công tác quản lý tài chính, tài sản công, đất đai ở một số cơ quan, đơn vị còn kém hiệu quả.
Dự thảo cũng nêu ra việc “khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao, chưa theo nguyên tắc thị trường, nhất là đất đai. Liên quan đến công tác cải tách thủ tục hành chính công thì việc liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai và nhiều thủ tục khác chưa thông suốt, hiệu quả; số lượng giấy tờ khi xin giấy phép và làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn lớn”.
Liên quan đến công tác thực thi pháp luật liên quan đến đất đai, Dự thảo cũng nêu “còn chưa hiệu quả, việc chấp hành pháp luật có nơi chưa nghiêm, việc giám sát chưa chặt chẽ, chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Khiếu kiện về đất đai vẫn còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Từ những hạn chế, yếu kém liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đất đai trong giai đoạn 2016-2020, Dự thảo đã nêu ra một số phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2021-2025 như sau: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với một trong những trọng tâm là vận hành đồng bộ thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường bất động sản, khoa học và công nghệ, tài chính... theo chuẩn mực của nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế”.
Trong nội dung thực hiện các đột phá chiến lược, Dự thảo đưa ra nội dung “thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất được hoàn thiện và hoạt động bền vững hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt. Các tổ chức trung gian hỗ trợ thị trường đã hình thành và đi vào hoạt động ổn định, gồm: Hệ thống sàn giao dịch bất động sản, tư vấn, quản lý bất động sản, các tổ chức tài chính, tín dụng, các hội nghề nghiệp”.
Có thể bạn quan tâm
Hướng tới Đại hội XIII: Phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân
05:30, 21/10/2020
TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XIII: Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương đạt được nhiều thành tích nổi bật
17:52, 20/10/2020
HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XIII: Cán bộ cần những điều kiện gì?
06:00, 10/10/2020
HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XIII: Lắng nghe những ý kiến trái chiều, phát huy quyền làm chủ của nhân dân
05:00, 22/09/2020