Làm lãnh đạo không bắt buộc phải là trẻ hay già, mà vấn đề là sức khỏe và tư duy của họ có bắt kịp xu hướng phát triển năng động của thực tiễn cuộc sống hay không.
Trong chỉ thị 35 của Bộ Chính trị “về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” và trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh việc phấn đấu làm thế nào để tỷ lệ nữ, người dân tộc và đặc biệt tăng cán bộ trẻ hơn khóa XII.
Có thể thấy, tăng tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia vào các cấp là một tiêu chí rất được quan tâm trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Tính đến ngày 7/10 đã có 15 tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, trong đó có 8/15 Bí thư trong độ tuổi từ 45-50 tuổi.
Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo giữa lớp thế hệ những cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và các nước xã hội chủ nghĩa sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
“Tre già măng mọc” – đó là tất yếu của cuộc sống và trẻ hóa trong mỗi cấp ủy là cần thiết. Song, cái trẻ của cán bộ không chỉ là trẻ về độ tuổi, mà phải là trẻ cả tư duy, tác phong, lề lối làm việc. Vì nhiều người trẻ nhưng có tư duy già cỗi và ngược lại nhiều người già nhưng luôn đổi mới, có sức sống phù hợp với xu thế.
“Tôi nghĩ trẻ hóa phải hiểu theo nghĩa như thế chứ không chỉ là trẻ hóa độ tuổi. Việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy Đảng, Nhà nước có chủ trương đúng đắn để thu hút những người được đào tạo cơ bản, có năng lực tham gia vào bộ máy nhà nước” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, bài học từ những nhiệm kỳ gần đây, việc thực hiện trẻ hóa cán bộ cũng đã phạm phải những sai lầm. Thực tế vừa qua đã có cán bộ được đề bạt khi còn trẻ nên sinh ra chủ quan, cao ngạo, sớm nảy sinh tư tưởng ích kỷ, bị cám dỗ bởi vật chất, không thực sự xả thân, hy sinh vì quyền lợi tập thể mà chỉ lo thu vén cá nhân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cán bộ.
Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ cách mạng là đầy tớ của dân, là phục vụ nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng. Điều này là rất có ý nghĩa khi bây giờ ta đang chuẩn bị bầu các cơ quan lãnh đạo của cấp uỷ, Trung ương và sang năm bầu Quốc hội phải ghi nhớ câu của Bác “những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu’”.
Hơn nữa, cán bộ trẻ thì một vấn đề luôn được đặt ra đó là bản lĩnh. Bản lĩnh ở đây được hiểu là bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trước cám dỗ của quyền lực, lợi ích vật chất tầm thường.
Nói như vậy bởi vì con người bị tác động nhiều chiều trong điều kiện kinh tế thị trường và sự phát triển không ngừng của cuộc sống. Hôm qua chưa có quyền lực trong tay anh vẫn là người tốt, ngày mai có quyền lực có thể anh đã sớm thỏa mãn, tha hóa, hưởng thụ tùy tiện, mất dân chủ, lạm quyền…v..v.
Đại hội các cấp đang diễn ra và Đại hội Đảng khóa XIII đang đến gần. Nếu công tác chuẩn bị nhân sự theo cách làm cũ thì không khơi dậy được nhân tài, mặt khác không chuyển tiếp các thế hệ để bảo đảm có cán bộ có kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý đất nước với số cán bộ trẻ có triển vọng vươn lên, thay thế.
Sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo nào cũng đòi hỏi các cán bộ nắm giữ trọng trách mà cán bộ, đảng viên và nhân dân giao phó có đủ đức, đủ tài, đủ năng lực lãnh đạo để đưa địa phương, đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ mới.
Vì thế, bên cạnh xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thì chúng ta cũng nên chú ý đến vấn đề sức trẻ của cán bộ , lãnh đạo.
Tức là, làm lãnh đạo không bắt buộc phải là trẻ hay già, mà vấn đề là sức khỏe và tư duy của họ có bắt kịp xu hướng phát triển năng động của thực tiễn, cuộc sống hay không.
Bản thân mỗi cán bộ dù ở cấp nào cũng phải tự tu dưỡng, rèn luyện, bởi hôm nay anh tốt thì không có nghĩa ngày mai anh vẫn được nhân dân tin tưởng nếu không chịu rèn luyện, không chịu cống hiến. Hãy nhớ, luật pháp cũng không dung thứ cho những sai phạm của cán bộ, dù cán bộ đó giữ cương vị nào.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 22/09/2020
05:00, 18/09/2020
05:31, 09/09/2020
21:00, 03/09/2020
05:00, 01/09/2020