Đây là góp ý của Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương tại Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường...
Theo đó, tiếp tục Phiên họp thứ 41, sáng 07/01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Trình bày một số nội dung của Dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Kế hoạch đã xác định các mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát. Theo đó, mục đích của việc giám sát là xem xét, đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường; việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp (xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện) để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Hoạt động giám sát phải bảo đảm yêu cầu là việc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường cần bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể được xác định trong các văn kiện của Đảng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc tiến hành giám sát đúng quy định pháp luật; bảo đảm tính toàn diện, khách quan, trung thực và tiến độ theo kế hoạch…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội - Trần Quang Phương nêu rõ, kết quả khảo sát thực tế tuyến đường Trường Sơn Đông cho thấy, quy định về đánh giá tác động môi trường hiện thời còn bất cập, dẫn đến các dự án chậm tiến độ. Cần làm rõ quy chuẩn, tiêu chuẩn, thủ tục hành chính trong đánh giá tác động môi trường, từ đó khơi thông các điểm nghẽn trong triển khai dự án xây dựng.
Về phương thức giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Đoàn thành lập các tổ công tác đến giám sát kỹ lưỡng, tìm hiểu, khảo sát, tổng hợp chi tiết tại địa phương trước khi Đoàn giám sát chính thức đến làm việc, để giúp tiếp cận được sâu sát nhất với thực tiễn, có cơ sở vững chắc cho công tác hoạch định chính sách sau này.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cũng bày tỏ đồng tình với kế hoạch của Đoàn giám sát, đồng thời nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát rất “nóng”, rất “trúng” và “đúng”, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân về bảo vệ môi trường. Đoàn giám sát cần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đối chiếu thực tế với các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường cho giai đoạn 2021 - 2025 như: tỷ lệ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh của khu dân cư thành thị 95 - 100% và của khu vực nông thôn là 93 - 95%; tỷ lệ thu gom rác, xử lý chất thải sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có khu xử lý chất thải chung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%...
Đồng thời đề nghị, Đoàn giám sát nghiên cứu, giám sát kỹ lưỡng để chỉ ra được những mặt mạnh và cả những hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Cần chỉ rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; nêu rõ trách nhiệm của các bên liên quan, đề xuất giải pháp tháo gỡ bất cập; xử lý dứt điểm những hiện tượng “nóng” về môi trường ở địa phương, cơ sở, nhất là những vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, nghiêm trọng hơn là ở các khu đô thị, vấn đề xử lý rác thải y tế.
Tham gia thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, kết quả cuối cùng của chuyên đề giám sát chính là Nghị quyết của Quốc hội, vì vậy, Nghị quyết giám sát cần phải cụ thể, rõ ràng, để sau khi chuyên đề kết thúc sẽ tạo ra những thay đổi thực chất trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát cần phải bám sát các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng thời cần có danh mục cụ thể các Nghị quyết, Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần được giám sát. Nội dung giám sát cần bao gồm việc đánh giá kết quả tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó bao hàm cả giám sát công tác phòng ngừa, kiểm soát, xử lý ô nhiễm, xử lý chất thải và phục hồi môi trường.