Đừng "trói" nhà đầu tư ra nước ngoài
Một số người Việt sang Mỹ đầu tư định cư và họ lại lấy tiền ở Mỹ về Việt Nam để đầu tư lại đó là điều rất tốt cho Việt Nam. Thay vì ra luật cấm, chúng ta cần thay đổi tư duy.
BỔ SUNG ĐIỀU KIỆN KINH DOANH MỚI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài, hướng dẫn Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, thay thế Nghị định số 83/2015. Tại dự thảo, bổ sung nội dung đối với việc kinh doanh bất động sản, điều kiện để được đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, “nhà đầu tư là doanh nghiệp thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết quy định này nhằm hạn chế những rủi ro lách luật tại hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của cá nhân. Ngoài việc bổ sung điều kiện để hạn chế cá nhân mua nhà ở nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng bổ sung quy định các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài dẫn chiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, là các cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam (Điều 2 Dự thảo Nghị định).
Cụ thể, trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài gồm cán bộ, công chức, viên chức (theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức); sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước; người chưa thành niên, người bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Quy định trên nhằm hạn chế rủi ro như việc các cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước có thể tẩu tán tài sản. Đồng thời, đảm bảo cá nhân khi đầu tư ra nước ngoài có đầy đủ tư cách pháp lý và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
CHƯA SÁT THỰC TẾ
Chia sẻ với PV, ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng cho rằng, việc cấm cá nhân nhưng lại cho DN đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài sẽ không có nhiều tác dụng. Bởi cá nhân muốn lách luật để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nước ngoài không khó. Việc thành lập một công ty hiện nay cũng chỉ cần vốn rất nhỏ, hoàn tất đầu tư, cá nhân có thể nhập quốc tịch, giải thể công ty. Như vậy, động cơ mang tiền ra nước ngoài mua quốc tịch của nhiều cá nhân vẫn thực hiện được.
Theo ông Quỳnh, thực tế với xu thế quốc tế hóa như hiện nay, việc một cá nhân hay con cái họ di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để làm việc, sinh sống, kết hôn rồi mua nhà là chuyện bình thường. Do vậy vấn đề cốt lõi ở đây không phải cấm là mà làm sao kiểm soát được nguồn thu nhập của họ, sao cho nguồn thu nhập đầu vào đó phải là hợp pháp.
Ông Thân Thành Vũ - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam (VnTPA) dẫn thống kê của Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR), năm 2017, Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ nhiều nhất, tăng 2 bậc so với năm 2016.
Ông Vũ cho rằng người Việt mua nhà tại nước ngoài là do nhiều quốc gia trên thế giới có những ưu đãi đặc biệt như được cấp quốc tịch, nhân khẩu thường trú. Cùng với đó là điều kiện sống, học tập, khám chữa bệnh, phúc lợi xã hội ở mức cao, rất hấp dẫn đối với người Việt, nhất là những gia đình có điều kiện cho con đi du học.
Một điểm hấp dẫn đặc biệt của bất động sản ngoại là quyền sở hữu tài sản. Tại nhiều quốc gia, điển hình như tại Mỹ, người mua nhà được sở hữu vĩnh viễn đối với tài sản nhà ở của mình. Bên cạnh đó, giá bất động sản ở nước ngoài có sức hấp dẫn hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, tính minh bạch và sự an toàn của một thị trường đã phát triển ổn định. Các khách hàng mua nhà nếu không có nhu cầu ở có thể cho thuê lại với lợi nhuận cao như một kênh đầu tư thông thường.
KINH NGHIỆM "MỞ CỬA" TỪ THẾ GIỚI
Theo bà Nguyễn Liễu- Đại sứ toàn cầu tại Việt Nam, Indonesia, Campuchia - Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (National Association of Realtors® - NAR), thực tế, các chương trình đầu tư quốc tịch không phải là mới. Trên thế giới, chúng đã được lập ra và tồn tại trong nhiều thập niên qua, chủ yếu là để các quốc gia tăng thu nhập. Canada và đảo St. Kitts và Nevis ở Caribê bắt đầu có những chương trình này vào những năm 80. Mỹ và Anh bắt đầu có những hoạt động tương tự vào thập niên 90. Mục đích là để có được nhiều tiền hơn từ các doanh nhân nhìn thấy giá trị ở các bãi biển nhiệt đới và thuế thấp ở những điểm này.
Thoạt đầu chỉ tầm vài trăm người tham gia. Nhưng năm 2009, có nhiều chiến dịch quảng cáo những người mang hộ chiếu của đảo quốc này đã được miễn thị thực vào 26 quốc gia thuộc khối Schengen và từ đó nhu cầu tăng nhanh chóng.
Năm 2014 là lần đầu tiên Hoa Kỳ hết visa định cư qua dạng đầu tư trước khi kết thúc năm tài chính. Và những chương trình như vậy là động lực kinh tế quan trọng. Ở St. Kitts và Nevis, hộ chiếu được xem là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của đảo này và số tiền thu được từ những chương trình này đã giúp đảo quốc này thoát khỏi nợ nần và thúc đẩy sự bùng nổ xây dựng tại đây.
Theo BBC, tầm 23 quốc gia từ Cyprus đến Singapore đã cung cấp 1 số loại hình đầu tư cư trú hoặc quốc tịch và hơn thế nữa đang được tạo ra với các chương trình tương tự đang phát triển trên khắp châu Âu. Gần 1/2 số quốc gia thành viên EU hiện cung cấp 1 số hình thức đầu tư cư trú hoặc các chương trình quốc tịch.
Không phải những người có nhiều quốc tịch nghĩa là họ sẽ cư trú ở các quốc gia đó, nhưng họ xem như đây là một mạng lưới an toàn. Khi biên giới của các quốc gia đóng lại, nhu cầu đối với các dịch vụ này sẽ càng tiếp tục tăng. Nơi nào có vũng nước, nước sẽ chảy về đó.
Bà Liễu cho biêt, tại Việt Nam, nhiều người Việt sang Mỹ đầu tư định cư và họ lại lấy tiền ở Mỹ về Việt Nam để đầu tư lại đó là điều rất tốt cho Việt Nam. Thay vì khép kín nền kinh tế Việt Nam qua luật lệ khó khăn thì nên mở ra cho các nhà đầu tư ra nước ngoài. Chúng ta cần nghiên cứu quy trình các nước ngăn chặn rửa tiền bằng cách nào, bởi càng cấm người dân sẽ tìm cách để luồng lách... Chính thức công khai, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn.
“Bên cạnh đó cũng cần thay đổi Luật Đầu tư thông thoáng hơn để doanh nghiệp các nước có thể vào Việt Nam để đầu tư dễ dàng hơn. Ví dụ như Mỹ hoặc Châu Âu họ không cấm người nước ngoài đầu tư vào nước họ. Họ làm luật dễ dàng để dễ kêu gọi đầu tư. Nơi nào có vùng trũng thì nước sẽ chảy về đó. Việt Nam đang được kì vọng sẽ tạo được nhiều vùng trũng để nhiều nước sẽ chảy về Việt Nam từ Bắc chí Nam” – bà Liễu nhấn mạnh
BỔ SUNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
Ông Phan Hữu Thắng - Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Việt Nam đã có chính sách thu hút người nước ngoài đầu tư vào bất động sản, ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng nên tạo thuận lợi để người dân có thể đầu tư bất động sản ra nước ngoài theo con đường chính ngạch. Qua đó, Nhà nước sẽ kiểm soát được dòng tiền đầu tư và bảo vệ được người tiêu dùng.
"Hiện tại cơ sở pháp lý cho việc đầu tư này còn trống. Do đó, Chính phủ nên xây dựng một khuôn khổ pháp lý cụ thể nhằm hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân đầu tư ra nước ngoài và cần quản lý chặt chẽ dòng tiền và tránh những tổn thất cho các nhà đầu tư" - ông Thắng đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, ông Quỳnh cũng đề xuất, cần hướng các quy định để nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phép đầu tư vào những loại hình như BĐS công nghiệp, BĐS thương mại như trung tâm mua sắm... Như vậy sẽ thu được ngoại tệ về cho đất nước, đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm