Bộ KHĐT đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về đầu tư ra nước ngoài theo hướng ngăn chặn đầu tư bất động sản tại nước ngoài để mua quốc tịch, chống rửa tiền và các cá nhân lợi dụng để tẩu tán tài sản.
Việc dự thảo Nghị định về đầu tư ra nước ngoài mà Bộ KHĐT đang xây dựng bổ sung điều kiện đầu tư ra nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản là rất hợp lý. Dù vậy, nhìn ở góc độ kiểm soát dòng tiền cần có giải pháp để kiểm soát được dòng tiền chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.
Hiện nay, kiểm soát vấn đề này pháp luật Việt Nam đã có 2 luật quy định là Luật quản lý ngoại hối và Luật phòng chống rửa tiền. Theo Luật thì một người muốn mua BĐS ở nước ngoài, nếu không phải vì mục đích kinh doanh thì không thể chuyển được một cách hợp pháp.
Hiện nay, nếu chuyển tiền ra nước ngoài, trong phạm trù được pháp luật quy định chỉ cho phép các trường hợp như chuyển tiền chữa bệnh, cho con du học, thanh toán thẻ tín dụng hoặc những kinh doanh được phép của Chính phủ.
Như vậy, theo Luật, việc một cá nhân có thể chuyển được một số tiền lớn lên đến hàng nhiều triệu USD ra nước ngoài mà ngoài các mục địch trên thì chỉ có thể chuyển ngân bất hợp pháp, chuyển lậu, lách luật.
Thực tế cho thấy, 2 quy định trên cũng chưa thể ngăn chặn triệt để việc người ta tìm cách này, cách kia chuyển được tiền ra nước ngoài. Chẳng hạn như có trường hợp những nhóm 4 người A, B ở Việt Nam và C, D ở nước ngoài. Lúc này, sau khi các bên đã thỏa thuận việc chuyển tiền, tại Việt Nam, A sẽ chuyển tiền cho B bằng tiền đồng. Sau đó, C (vốn là đối tác của B) tại nước ngoài sẽ chuyển số tiền tương đương cho D (vốn là người nhà của A) số tiền tương đương bằng đồng tiền sở tại sau khi đã trừ phần chi phí để mua BĐS. Việc này hầu như rất khó có thể kiểm soát.
Bên cạnh đó, thời gian qua, một số người cũng lợi dụng các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin làm trung gian để chuyển tiền xuyên biên giới mà hầu như không phải chịu chi phí nào. Cá nhân mua Bitcoin bằng tiền đồng, sau đó chuyểt số coin đó cho một người ở nước ngoài, họ sẽ bán ra và thu ngoại tệ đem đi mua BĐS.
Dù người Việt có muốn mua BĐS hay bất cứ thứ gì cũng vẫn phải có tiền, do đó dòng tiền chính là một trong những chìa khóa để có thể kiểm soát được việc cá nhân tại Việt Nam mua các bất động sản tại nước ngoài không đúng quy định của pháp luật.
Nếu các cá nhân mua BĐS ở nước ngoài xét đến cùng sẽ không có ích lợi cho đất nước mà việc làm của họ còn làm “chảy máu ngoại tệ”, chuyển tài sản ra nước ngoài hoàn toàn không có lợi cho phát triển kinh tế trong nước.
Nếu trường hợp các doanh nghiệp Việt mua BĐS tại nước ngoài là để triển khai các dự án kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, cơ sở thương mại, nói chung là các BĐS sinh lời theo tôi rất nên khuyến khích cho các doanh nghiệp mua. Khi đó, doanh nghiệp đi đến đâu, đất đai của doanh nghiệp Việt đến đâu là coi như hình ảnh của Việt Nam tới đó, rất tự hào.
Do đó, cần đưa ra các quy định để nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp tư nhân được phép đầu tư vào những loại hình bất động sản nào ở nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng là các doanh nghiệp trong nước, nếu chỉ mua các BĐS tiêu dùng, nhà ở tại nước ngoài thì vẫn là không nên khuyến khích bởi khi đó nó sẽ làm dòng tiền vốn kinh doanh trong nước bị thâm hụt.
Nhìn chung, tất cả những loại hình kinh doanh bên ngoài mà đem lại ngoại tệ cho đất nước, đem thương hiệu của đất nước Việt Nam ra thế giới thì đáng khuyến khích. Còn những loại không phải kinh doanh thì dù là doanh nghiệp hay cá nhân đều không nên./.
Có thể bạn quan tâm
"Chặn cửa" người Việt mua nhà ở nước ngoài để lấy quốc tịch
15:00, 25/09/2020
Hạn chế đầu tư ra nước ngoài: Bước lùi hội nhập
17:49, 11/09/2019
Nới "room" cho người nước ngoài mua nhà
07:00, 01/09/2020
Phản hồi: Hà Nội mới có 41 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà được “cấp sổ”
12:00, 09/09/2020
Quản chặt người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
14:34, 01/11/2019