Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói gì về siêu dự án lấn biển Cần Giờ?
Trong phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) liên quan đến dự án lấn biển Cần Giờ.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đối với dự án này, có những nhà khoa học và cử tri băn khoăn nó sẽ tác động đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và rừng ngập mặn Cần Giờ. Vị đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu các giải pháp để triển khai dự án nhằm thúc đẩy kinh tế của địa phương nhưng vẫn bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự án Khu du lịch Đô thị lấn biển Cần Giờ "thực chất đã được phê duyệt từ năm 2003", với diện tích lấn biển khoảng 600 ha, đến nay nâng lên cho cả dự án đô thị là hơn 2.800 ha bao gồm diện tích chân bờ.
Trong quá trình phê duyệt dự án, Bộ TN&MT đã trao đổi với UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc). Theo đó, tại khung pháp lý của UNESCO phân ra ba vùng, vùng lõi, vùng đệm và vùng lân cận, bán lân cận.
Ông Hà cho biết, dự án nằm tiếp nối với vùng bán lân cận, UNESCO đã có văn bản khẳng định việc đầu tư dự án dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định. Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định dự án không vi phạm quy định của UNESCO và phù hợp với Pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ TN&MT cũng cho biết, việc nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của dự án cũng đã được tính toán kỹ lưỡng, bao gồm tổ chuyên gia trong và ngoài nước cùng nghiên cứu, đơn cử như mời tập đoàn đến từ Hà Lan tham gia thực hiện dự án.
Về vật liệu san lấp lấn biển, chủ đầu tư đang mời các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra phương án lấy vật liệu tại chỗ. Tức là tạo ra một hồ rất lớn để bổ sung nước biển và nước ngọt cho đô thị này. Với việc lấy vật liệu này sẽ dùng để san lấp bên ngoài.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư tính toán cũng là sẽ bố trí một con đường đi trên con đường sẵn có hiện nay, tức là phía trên rừng sác. Dùng con đường trên cao để tránh ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như hoạt động giao thông.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định nếu dự án thành công, đây có thể là một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên.
Theo tìm hiểu của PV, dự án lấn biển Cần Giờ được phê duyệt năm 2004 và khởi động vào năm 2007, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu dự kiến khoảng 8.470 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 15 năm, dự án mới chỉ dừng chân ở bước chuẩn bị. Mới đây, Chính phủ chính thức phê duyệt điều chỉnh quy mô dự án lên 2.870 ha, gắn với chủ trương chuyển đổi quy hoạch, cơ cấu kinh tế của huyện đảo Cần Giờ, lấy du lịch làm ngành kinh tế chủ đạo. Theo báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt, dự án lấn biển Cần Giờ nằm hoàn toàn bên ngoài khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, cách vùng lõi khoảng 18 km về phía bắc; nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp 34.672,79 ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn là 32.451,02 ha (rừng phòng hộ Cần Giờ); nằm kế cận vùng chuyển tiếp thuộc ranh giới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài ra, chủ đầu tư còn xây dựng 2 tuyến kênh Rạch Lở, Hà Thanh để dẫn dòng, đảm bảo nguyên trạng tiêu thoát nước khu vực và xây dựng các công trình quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn không để phát tán ra xung quanh. Dự án cũng được cập nhật, lồng ghép quy hoạch kết nối đường giao thông trên cao ngang qua khu vực rừng ngập mặn để giảm thiểu tác động do hoạt động giao thông đến động thực vật dọc tuyến đường này. Đáng chú ý, phía chủ đầu tư đã nghiên cứu phương án cân bằng đào đắp, lấy đất, cát biển hồ trong dự án và một số nguồn khác như vật liệu từ đào metro, nạo vét sông... với trữ lượng đủ để tiến hành xây dựng, không lấy cát từ nơi khác về đắp biển. |
Có thể bạn quan tâm