"Bùng nổ" nguồn cung bất động sản công nghiệp

DIỆU HOA 12/11/2020 12:21

Nguồn cung bất động sản công nghiệp sẽ bùng nổ trong năm 2021 là nhận định của Savills Việt Nam mới đây.

Theo báo cáo thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020 của Savills Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động của lĩnh vực công nghiệp vẫn xoay quanh việc các công ty nội địa mở rộng hoặc di dời địa điểm sản xuất do sự hạn chế đi lại cũng như tiếp xúc.

Toàn cảnh Báo cáo thị trường Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2020 của Savills Việt Nam

Những thương vụ tiêu biểu

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam dẫn chứng 9 tháng đầu năm chứng kiến một số thương vụ sáp nhập quan trọng. Điển hình như Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ở một động thái khác, Tập đoàn GLP chuyên về kho bãi cũng đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...

Trong lĩnh vực sản xuất, tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chuyên gia Savills Việt Nam cũng cho biết nguồn cầu về nhà kho, xưởng xây sẵn tăng mạnh do các nhà cung cấp dè dặt hơn trong cam kết cho thuê đất dài hạn hoặc dựa vào các hợp đồng ngắn hạn với khách hàng. Sự phụ thuộc của ngành vào chuỗi cung ứng khi di dời khỏi Trung Quốc ngày càng rõ từ các chủ đầu tư.

"Các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương" - vị chuyên gia khẳng định.

Bùng nổ nguồn cung

Theo chuyên gia Savills, ưu thế của miền Bắc đó là mạng lưới giao thông phát triển, vị trí chiến lược của những vùng đất công nghiệp mới đi kèm các dự án cơ sở hạ tầng mới. Cùng với đó là sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc đổ về, tập trung các ngành công nghiệp nặng.

Trong khi đó, tại miền nam lại mang ưu thế của trung tâm kinh tế và công nghiệp của cả nước với các cảng lớn gần được giao thông quốc tế trên biển, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo lao động có kỹ năng cao, đa dạng lĩnh vực sản xuất.

Đặc biệt, chuyên gia Savills cũng dự kiến nguồn cung bất động sản công nghiệp sẽ bùng nổ trong năm 2021 với lần lượt các dự án lớn như: Dự án KCN Nam Tràng Cát với diện tích 200 ha; Dự án KCN Thủy Nguyên  319 ha tại Hải Phòng của CTCP Đầu tư và phát triển KCN Vinhomes; Dự án KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh của CTCP Phát triển đô thị Kinh BắC tại Bắc Ninh với 238ha...

Nguồn cung bất động sản công nghiệp dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2021 khi hàng loạt các Khu công nghiệp mới hoàn thành (ảnh: Khởi công KCN Việt Phát của CTCP Quản lý KCN Sáng tạo Việt Nam)

Bên cạnh đó, Vụ quản lý các Khu kinh tế (DEZM) cũng đã công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án KCN sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Trong số này có 259 KCN sử dụng 86.500 ha vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới.

Chuyên gia Savills Việt Nam cũng cho rằng, để thúc đẩy nguồn cung, Vụ quản lý kinh tế cần hoàn chỉnh khung pháp lý để phát triển Khu công nghiệp; tăng cường quản lý và đổi mới; nâng cao hiệu quả quy hoạch tổng thể; Hỗ trợ các dự án ngách ví dụ: KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết mô hình dịch vụ KCN và đô thị kết hợp.

Ngoài ra, về mặt nhân công, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư đầu vào về: Giáo dục, Công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc. Đồng thời kiến nghị Chính phủ thực thi chương trình Phát triển kỹ năng quốc gia theo khuyến nghị FDI cho năm 2020 - 2030.

Trong tương lai, xu thế Trung Quốc + 1 ngày càng được các nhà sản xuất hướng đến dẫn tới nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Phân khúc bất động sản công nghiệp trở thành đứa con đại diện cho bất động sản với nhu cầu ngày càng tăng và hoạt động thị trường vốn gia tăng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất động sản công nghiệp “bấp bênh” vì COVID-19

    Bất động sản công nghiệp “bấp bênh” vì COVID-19

    05:30, 04/11/2020

  • Bất động sản công nghiệp: “Sân chơi” đang nóng từng ngày

    Bất động sản công nghiệp: “Sân chơi” đang nóng từng ngày

    05:00, 04/11/2020

  • Bất động sản công nghiệp miền Nam xuất hiện nhà xưởng 4.0

    Bất động sản công nghiệp miền Nam xuất hiện nhà xưởng 4.0

    13:50, 06/10/2020

  • SSI Research: Thời của bất động sản công nghiệp

    SSI Research: Thời của bất động sản công nghiệp

    07:00, 15/09/2020

  • Cơ hội nào cho Phát Đạt trên mảng bất động sản công nghiệp?

    Cơ hội nào cho Phát Đạt trên mảng bất động sản công nghiệp?

    12:00, 08/09/2020

DIỆU HOA