Thị trường bất động sản ra sao khi Phú Quốc lên thành phố?
Ông Đặng Đức Giới - Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Đặc Khu cho biết, việc Phú Quốc lên thành phố chỉ là sự thay đổi về thể chế, không thể khiến giá đất "phi mã".
Thông tin Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua quyết định thành lập thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia và giới đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, khi trở thành Thành phố, Phú Quốc sẽ có những có cơ chế đặc thù, quy hoạch được hoàn thiện hơn, xây dựng đầu tư hạ tầng hiện đại… thu hút đầu tư, tăng giá trị đất của vùng đất này.
Cụ thể, theo ông Đính, Phú Quốc ngoài việc có lợi thế nhờ cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp, nơi đây cũng là điểm đến của các chủ đầu tư với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sôi động bậc nhất cả nước. Hệ thống nhà hàng, khách sạn khá sang trọng với hàng ngàn phòng đủ tiện nghi sinh hoạt phục vụ du khách tham quan, du lịch Phú Quốc, đồng thời mời gọi và thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch.
Hệ thống giao thông đường bộ kết nối trung tâm huyện đảo Phú Quốc với các điểm du lịch cũng đặc biệt được hoàn thiện trong các năm qua. Đường biển với tàu cao tốc xuất phát từ thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên tần suất 5 chuyến đi và về mỗi ngày, bình quân 150-300 khách/tàu, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách ra đảo.
Đặc biệt, đường hàng không có sân bay quốc tế Phú Quốc tần suất 15-20 chuyến/ngày nối Phú Quốc với Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Vinh… việc di chuyển không còn là trở ngại với du lịch Phú Quốc.
Ông Đính nhìn nhận, việc Phú Quốc lên thành phố sẽ giúp thị trường bất động sản nơi đây trở nên ổn định, lâu dài hơn, tạo xung lực để bất động sản nghỉ dưỡng trở lại "đường đua".
Đồng quan điểm, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đặng Đức Giới - Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Đặc Khu (DK Land) cho biết, đây là thông tin tích cực tuy nhiên việc này sẽ không dẫn đến việc giá đất “phi mã” như thị trường hồi năm 2018.
Ông Giới phân tích, thời điểm 2018, với thông tin Quốc hội thông qua Luật Đặc khu, nhà đầu tư đã phán đoán sai về chính sách và kỳ vọng quá nhiều vào Phú Quốc, họ dùng đòn bẩy tài chính, đầu cơ hết vào đất để “chờ thời”. Thị trường cũng bởi giới đầu cơ “làm loạn” mà ảo giá. Sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã phải ban hành quyết định dừng phân lô tách thửa để kiểm soát thị trường. Nhiều nhà đầu tư đến nay vẫn ôm đất mà chưa thể “gặp thời”.
“Trở thành thành phố chỉ là một sự thay đổi về thể chế, chuyển từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, nhưng không đủ xung lực để cứu cánh các nhà đầu tư trước đó” – ông Giới khẳng định.
Ông Đặng Đức Giới cũng chia sẻ thêm, không loại trừ trường hợp sẽ có các sàn giao dịch tận dụng thông tin để đẩy “giá ảo”, các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản Phú Quốc thời điểm này phải thực sự tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin từ các cơ quan nhà nước, các sàn giao dịch uy tín về quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu cũng như pháp lý của từng khu đất. Nên ưu tiên các dự án được đầu tư bài bản, pháp lý rõ ràng, thông tin minh bạch để đảm bảo an toàn.
Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đất nền Phú Quốc sốt “hừng hực” bởi thông tin thành lập đặc khu, có thời điểm những mảnh đất chỉ sau một đêm giá tăng hàng trăm triệu/m2. Việc phân lô, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra ồ ạt khiến thị trường sinh ra sốt đất, băm nát quy hoạch, nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh tréo ngoe vì mua phải những lô đất “ảo”. Trước tình hình đó, ngày 15.5.2018, ông Phạm Vũ Hồng - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang buộc phải ký công văn số 651/UBND-KTCN về việc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc. Đến đầu năm 2020, tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương chấm dứt hiệu lực quyết định trên để "mở cửa" thị trường. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng, tình trạng loạn phân lô bán nền lại tái diễn, tỉnh này đã một lần nữa buộc phải ra lệnh cấm. |
Có thể bạn quan tâm