Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về cải tạo chung cư cũ
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp quản lý phù hợp trong hoạt động cải tạo chung cư cũ.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điện tử ngày 10/12/2020 và ngày 16/12/2020 có bài viết phản ánh: Trong những vướng mắc liên quan hoạt động cải tạo chung cư nổi cộm và mang tính rào cản nhất là tỷ lệ đồng thuận của dân cư sở hữu nhà chung cư. Nguyên tắc 100% hộ dân thống nhất theo quy định là không khả thi, làm tắc cả hệ thống, rất bất cập nên chăng sửa quy định theo hướng đa số đồng ý.
Công tác cải tạo, xây dựng nhà chung cư ngoài vướng mắc về tỷ lệ đồng thuận phá dỡ nhà chung cư của Luật Nhà ở thì việc quy định lựa chọn nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ chưa đầy đủ các trường hợp và còn kẽ hở có thể khiến việc lựa chọn chủ đầu tư tiếp tục ách tắc.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đánh giá và có giải pháp quản lý phù hợp.
Thực tiễn công tác cải tạo chung cư cũ thời gian qua cũng cho thấy trở ngại pháp lý lớn nhất là việc Luật Nhà ở quy định trường hợp phá dỡ nhà chung cư (không phải nhà chung cư cấp D-cấp nguy hiểm, bắt buộc phá dỡ) để xây dựng lại nhà chung cư mới phải được tất cả, tức 100% hộ dân là các chủ sở hữu thống nhất thông qua Hội nghị nhà chung cư (theo quy định tại Khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở).
Chia sẻ tại Chương trình café Doanh nhân với chủ đề: “Giải pháp thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ” do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, chỉ nên quy định ở mức đại đa số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý. Nếu một dự án cải tạo nhà chung cư có 100 hộ dân phải di dời mà 99 hộ đã đồng ý chỉ còn duy nhất một hộ “chây ì” mà làm “tắc cả hệ thống” là rất bất cập.
Từ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại các nước, nguyên tắc cộng đồng rất được tôn trọng. Điều đó có nghĩa là khi cải tạo một chung cư, kể cả trước niên hạn hoặc một số nước có chung cư dài hạn nhưng khi cải tạo chỉ cần ý kiến của 70% cộng đồng đồng ý thì coi như phương án cải tạo đó được chấp nhận.
Trước những bất cập như trên, được biết, mới đây HOREA đã tiếp tục có kiến nghị Chính phủ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù về tỷ lệ (khoảng 80%) chủ sở hữu nhà chung cư thống nhất để cải tạo nhà chung cư cũ không phải cấp nguy hiểm.
Nếu điểm nghẽn này chưa được giải quyết triệt để thì có thể tất cả các cơ chế chính sách tốt đẹp của Dự thảo Nghị định 101/2015 (sửa đổi) về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, có thể sẽ không trở thành hiện thực.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Sẽ có phương án hữu hiệu cải tạo chung cư cũ
16:28, 08/01/2021
Hải Phòng: Phá dỡ 22 chung cư cũ, xây 6 chung cư mới giai đoạn 2021-2025
05:00, 06/01/2021
“Lối thoát” cho chung cư cũ Hải Phòng
07:00, 11/01/2021
Dự án cải tạo chung cư cũ Hải Phòng hối hả về đích
05:00, 14/12/2020
Cải tạo chung cư cũ vướng tỷ lệ đồng thuận
10:00, 10/12/2020
Tỷ lệ đồng thuận - rào cản lớn cho cải tạo chung cư cũ
13:14, 07/12/2020
Sửa Luật nhà ở, gỡ "tắc" cải tạo chung cư cũ
08:00, 28/10/2020