Hà Nội: Sốt đất ở miệng “cò”
Việc đất nền bị “thổi giá” vượt các định luật của thị trường luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mà trong đó các đợt “sốt ảo” vùng ven Hà Nội thời gian qua chủ yếu do “chiêu trò” của giới đầu cơ.
Theo báo cáo đánh giá thị trường bất động sản của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), trong năm 2020, thị trường xuất hiện sự chuyển dịch đầu tư vào thị trường bất động sản từ các ngành kinh tế khác, làm tăng lực cầu đầu tư trong ngắn hạn. Điều này đã làm thị trường bất động sản nóng lên ở một số khu vực nông thôn, vùng chuẩn bị lên quận.
Cụ thể, đất đai trong khu dân cư hiện hữu ở các vùng có tốc độ đô thị hóa mạnh như Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… tăng giá hơn 50% so với năm 2019, đạt ngưỡng 25-30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, các vùng gần trung tâm hơn như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng ghi nhận mức tăng lên đến 30% so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, dù giá tăng nhưng lượng giao dịch ghi nhận qua các sàn mua bán không nhiều, chủ yếu là các giao dịch qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau. Các thông tin về quy hoạch, đầu tư, hay lên quận cũng là một trong những nguyên nhân làm sốt đất bùng phát ở các khu vực trên.
Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế, càng về cuối năm, nhiều dự án đắp chiếu cả thập kỷ ở khu vực huyện phía Tây Hà Nội cũng bất ngờ "trỗi dậy", tăng giá gấp 2 - 3 lần khiến thị trường.
Trong đó có thể kể đến như dự án KĐT Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) của chủ đầu tư Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex. Dự án được ra mắt thị trường từ năm 2008 thế nhưng nhiều năm nay dự án này bị bỏ hoang, phần lớn diện tích để hoang hóa chưa đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được xây dựng.
Từ đầu tháng 11/2020, dự án được các đơn vị môi giới "thổi giá", bán trở lại, với ở khu vực gần mặt đường 17m, giá bán có thể lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2, gấp 2,5 lần so với giá đầu thời kỳ hoàng kim trước đây. Các giao dịch ở dự án này hiện vẫn chỉ được thực hiện qua loại hình thỏa thuận góp vốn.
Hay dự án Dự án Hà Đô Charm Villas (An Thượng, Hoài Đức), dù được khởi công từ năm 2009 nhưng cả chục năm nay dự án bị “đắp chiếu”. Năm 2018 dự án được điều chỉnh quy hoạch với việc "xóa" chung cư cao tầng thay vào đó sẽ là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề mọc lên. Hiện dự án được giới thiệu ra thị trường với cơ cấu sản phẩm toàn bộ là nhà thấp tầng.
Một dự án khác cũng có chiêu thức tương tự trong việc bán hàng là dự án An Lac Symphony (Vân Canh, Hoài Đức). Các đơn vị môi giới đang rao bán với giá bán trung bình dự kiến cho liền kề lên tới 110-120 triệu đồng/m2. Với những căn biệt thự, đơn giá dự kiến không dưới 90 triệu đồng/m2.
Đánh giá về hiện tượng tăng giá đột ngột của các dự án khu vực phía Tây, cũng như việc tăng giá đất nền trong làng, xã, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, đối với các dự án vùng ven ghi nhận mức tăng từ 40% trở lên trong thời gian ngắn là không có căn cứ, bởi cơ sở hạ tầng chưa có nhiều chuyển biển trong khi giá đất tăng phải đi kèm với phát triển hạ tầng xung quanh.
Ông Đính cho rằng, chỉ khoảng 20-30% nhà đầu tư rót tiền vào khu vực phía Tây hiện nay nhằm để ở nhưng cũng một vài năm nữa mới về sinh sống, trong khi đó đa số mua đầu tư. Do đó, ông cảnh báo nhà đầu tư, khách mua ở thực nên cẩn trọng đánh giá chính xác giá trị đất khu vực này, tránh mắc cạn thay thế cho người mắc trước.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc CBRE Việt Nam, bất kỳ con sóng nào cũng lên cao sau đó khi xảy ra biến cố thị trường thì giá sẽ giảm xuống nhanh chóng. Do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng trước các thông tin đẩy giá bất động sản, việc đầu tư cần phải phù hợp với khả năng tài chính của mình và vẫn đảm bảo khả năng vượt qua nếu thị trường khó khăn. Bên cạnh đó cần quan tâm hơn về mặt thông tin pháp lý của dự án, lô đất là vấn đề cốt lõi nhất để giảm thiểu rủi ro.
Có thể bạn quan tâm