Bất động sản du lịch và những cơn sóng "dập dồn" từ phía biển
Những vấn đề thực tế đặt ra cho bất động sản du lịch đang như những cơn sóng “dập dồn” hối thúc các cơ quan quản lý cần sớm có hành lang pháp lý để “định danh” để nâng tầm bờ biển Việt Nam.
Những vấn đề đặt ra cùng với sự phát triển bùng nổ của các loại hình bất động sản kiểu mới mà nổi bật nhất là căn hộ du lịch (Condotel) đang như những cơn sóng dập dồn hối thúc các cơ quan quản lý cần sớm có hành lang pháp lý để “định danh”, qua đó sẽ góp phần “nâng tầm” bờ biển Việt Nam.
Manh nha tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ (2010, 2011) phát triển bùng nổ từ khoảng năm 2016, 2017, bất động sản du lịch nói chung là loại hình căn hộ du lịch nói riêng theo cách nói của Giáo sư Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là kết quả tất yếu của xu thế kinh tế chia sẻ.
Ra đời dựa trên nhu cầu của thực tiễn, với sự tham gia “đi tắt đón đầu”của hầu hết các doanh nghiệp “đầu đàn” thì bất động sản du lịch dường như đã đi trước thực tiễn và vượt ra ngoài các khuôn khổ pháp lý hiện có. Việc đi quá nhanh trong một hệ thống Luật vốn vẫn được nhận xét là phải “chạy theo” thực tế vô hình chung lại khiến bất động sản du lịch rơi vào thế khó khi “chung chiêng” về pháp lý và không được “định danh” làm khó cả chủ đầu tư phát triển dự án và các nhà đầu tư thứ cấp.
Trong bối cảnh đó, với vai trò là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục phản ánh những tồn tại, vướng mắc từ doanh nghiệp cũng như chuyển tải những ý kiến tham góp, phản biện từ các chuyên gia, nhà phân tích cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Diễn đàn Doanh nghiệp còn tiên phong trong việc tạo ra các diễn đàn mở để các doanh nghiệp, chuyên gia và cơ quan quản lý “ngồi lại với nhau” nhằm tìm ra những kiến giải “hài hòa” nhất cho bài toán bất động sản du lịch.
Ngay từ thời điểm đầu năm 2020, sự kiện Tọa đàm trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường condotel" đã diễn ra với chất lượng nội dung chuyên môn được đánh giá cao khi hàng loạt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp đã được “trải lòng” và nhận được sự chia sẻ của đại diện các cơ quan quản lý.
Theo đó, các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý đã thống nhất về quan điểm để thị trường phát triển lành mạnh, ngoài những vấn đề pháp lý cần được minh bạch, rõ ràng thì các doanh nghiệp cũng mong muốn các bộ ngành liên quan như: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch… cần ngồi lại với nhau, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tìm thêm biện pháp tháo gỡ các vướng mắc đã được nêu ra để thị trường bất động sản nói chung và loại hình bất động sản du lịch như Condotel nói riêng phát triển bền vững.
Với những hiệu ứng từ các sự kiện mà Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của VCCI, trong năm 2020, bất động sản du lịch du lịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành trong công tác quản lý chuyên môn theo hướng thảo gỡ những khó khăn, tồn tại. Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đều đã ban hành những văn bản hướng dẫn cấp phép, quy chuẩn, quy chế quản lý liên quan đến loại hình căn hộ du lịch (Condotel).
Đến cuối năm 2020, một lẫn nữa diễn đàn "Bất động sản du lịch-nghỉ dưỡng Quảng Ninh 2020: Giải pháp nào thu hút nhà đầu tư?" đã một lần tái khẳng định lại tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc phải sớm có một hành lang pháp lý "thông thoáng" cho bất động sản du lịch. Theo các chuyên gia thì trong bối cảnh các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh thì việc có những chính sách mang tính đột phá sẽ nhanh chóng tạo động lực mạnh cho thị trường. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng cần tự đổi mới, chuyên nghiệp hóa, có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ... Khi kết hợp được toàn bộ các yếu tố "thiên thời, địa lợi và nhân hòa" thì sẽ sớm mở ra cơ hội phát triển cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Quảng Ninh nói riêng và các địa phương vùng Duyên hải nói chung, đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Chia sẻ về sự vai trò của bất động sản du lịch đối với sự phát triển của ngành du lịch nói riêng cũng như kinh tế các địa phương ven biển nói chung, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng không chỉ riêng các tỉnh có truyền thống về phát triển du lịch biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hóa,... mà hầu hết các địa phương ven biển đã từng bước hoàn thiện các yếu tố hạ tầng, quy hoạch để thu hút dòng vốn đầu tư,…Trong xu thế đó, thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng sẽ là động lực quan trọng để ngành du lịch các địa phương có thể cất cánh, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
Có thể bạn quan tâm