Thị trường khách sạn châu Á cần tới 3 năm để phục hồi
Theo báo cáo mới nhất của Colliers International, thị trường khách sạn châu Á có thể phục hồi theo hình chữ V và dự kiến từ năm 2023 sẽ quay về mức phát triển như năm 2019.
Cụ thể, theo báo cáo của Colliers, cùng với lộ trình tiêm vaccine đang diễn ra trên diện rộng tại châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới, phân khúc khách sạn tại châu Á có thể hồi phục theo hình chữ V. Quá trình hồi phục này phụ thuộc vào mức độ thành công của các chiến dịch vaccine. Từ đó, thúc đẩy các quốc gia có thị trường du lịch khách sạn nội địa phát triển đứng trước cơ hội cải thiện tình hình.
Theo Colliers, nhiều khả năng giá trị đầu tư của ngành khách sạn vẫn thấp hơn so với năm 2019. Đơn vị nghiên cứu này cũng cho biết, kinh tế toàn cầu có thể sẽ cải thiện hơn vào quý 2/2021, có thể ngành du lịch sẽ bắt đầu hồi phục dần từ quý 3/2021 nhưng phải cần đến 3 năm nữa mới có thể hồi phục về mức trước đại dịch.
Bên cạnh đó, một số tác động tích cực có thể đến trong ngắn hạn ví dụ như việc các đường biên giới sẽ được mở cửa trở lại cũng như kế hoạch hành động để tái khởi động du lịch cũng đã được nhiều chính phủ tích cực thúc đẩy.
Theo ông Govinda Singh, Giám đốc điều hành mảng Khách sạn và Giải trí tại châu Á của Colliers, sẽ có những thay đổi và yêu cầu khắt khe hơn đối với một số yếu tố như vệ sinh, tuy nhiên bản năng xê dịch, giá cả lại đang tương đối rẻ và nhu cầu bị “dồn nén” lâu nay của mọi người khiến quá trình hồi phục cho phân khúc này sẽ đi theo hình chữ V trong vòng 3 hoặc 4 năm tới.
Báo cáo của đơn vị này dự báo, mảng khách sạn của Melbourne (Australia) nhiều khả năng sẽ có nguồn cung đáng kể trên thị trường vào năm 2021 này và ảnh hưởng đến sự hồi phục của phân khúc khách sạn. “Thành phố luôn đầy ắp các sự kiện, nhu cầu nội địa cao cũng như nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô sẽ giúp thành phố phát triển hơn nữa khi mà quá trình hồi phục bắt đầu”, Colliers lạc quan.
Tại Singapore, chính phủ nước này đã và đang triển khai nhiều sáng kiến để thu hút khách quốc tế trong năm 2021, Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa thông báo kế hoạch tổ chức cuộc họp thường niên tại Singapore vào tháng 08/2021 và có thể tác động tích cực đến phân khúc MICE (du lịch hội nghị) và các hoạt động du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng của đảo quốc này.
Trong khi đó, tại Việt Nam, “cú đấm bồi” của đợt dịch trước Tết Nguyên đán cũng đã gây ảnh hưởng nặng nề lên thị trường khách sạn.
Theo nhận định mới nhất của Savills Việt Nam, sự tái bùng phát dịch bệnh ngay lập tức đã tác động đến ngành du lịch nói chung và ngành dịch vụ khách sạn nói riêng, nhiều chuyến bay bị hủy bỏ, một số khu vực phải thực hiện giãn cách xã hội. Tác động từ dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng ở nơi bùng phát dịch mà ở gần như mọi nơi cần tiếp cận đến bằng đường hàng không.
Trước khi dịch bệnh tái bùng phát, ngành khách sạn đã kỳ vọng sự gia tăng nhu cầu du lịch trong và sau Tết sẽ đem đến một bước khởi đầu tốt trong năm. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đang ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và du lịch trong cả tết. Theo ước tính của một đơn vị vận tải hàng không, số lượng khách vận chuyển đã sụt giảm 15% ngay khi những ca bệnh đầu tiên được công bố.
Thậm chí, tại Đà Nẵng, sau Tết, các khách sạn ven biển tại Đà Nẵng được rao bán nhiều hơn giai đoạn trước. Trên các trang quảng cáo nhà đất, có hàng trăm thông tin rao bán khách sạn với giá từ hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng. Tại Nha Trang, trên các diễn đàn bất động sản, kể từ đầu tháng 1/2021 đến nay, tình trạng rao bán khách sạn ở Nha Trang khá nhộn nhịp, với mức giá từ 10 tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Nhiều đơn vị đã có những đề xuất chính sách hỗ trợ như ưu đãi lãi suất, giãn - giảm thuế hỗ trợ, doanh nghiệp du lịch, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các chuyên gia kỳ vọng với những nỗ lực của Chính Phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với các quốc gia khác để nhập khẩu Vaccine đồng thời thúc đẩy nghiên cứu hoàn thiện Vaccine sản xuất trong nước, chúng ta có thể khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian tới.
Khi đó người dân sẽ có thể cảm thấy đủ an toàn để có thể tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh và du lịch trở lại, đây cũng là động lực chính trong ngắn hạn để hỗ trợ sự hồi phục ngành du lịch Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm