Bùng nổ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp

LÊ SÁNG 03/03/2021 05:00

Bất chấp dịch bệnh COVID-19, ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp đang tăng tốc cuộc đua đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhằm đón đầu sự chuyển dịch dòng vốn FDI sang Việt Nam.

Theo

Việc tăng tốc trong cuộc đua phát triển hạ tầng KCN là tích cực tuy nhiên cần những bước đi đồng bộ để tránh nguy cơ "bong bóng" KCN. Ảnh minh họa.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hàng loạt doanh nghiệp đã công bố kế hoạch mở rộng, mở mới hàng loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp trên cả nước với số vốn đầu tư đăng ký lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.

Các địa phương “dọn đường”

Mới đây nhất, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gia Bình II. Dự án này do HANAKA Group đầu tư với tổng vốn hơn 3.900 tỷ đồng với quy mô 250ha tại các xã Nhân Thắng, Bình Dương, Thái Bảo và Vạn Ninh, huyện Gia Bình.

Cũng tại Bắc Ninh, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bắc Ninh cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Dự án được đầu tư với tổng nguồn vốn 2.578,246 tỷ đồng với quy mô 306,69 ha tại xã Đông Cứu, xã Lãng Ngâm và xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Trước đó, ngày 27/2/2021, Công ty cổ phần Green I-Park cũng công bố đầu tư gần 4.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng KCN Liên Hà Thái tại Thái Bình. Được biết, KCN này có vị trí tại xã Thụy Liên và thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dự án có tổng vốn đầu tư 3.885 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất 588,84 ha.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái. (ảnh báo Thái Bình)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ công bố quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái. (ảnh báo Thái Bình)

Ngày 23/2/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Việt Hàn, tỉnh Bắc Giang. Dự án do Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long làm nhà đầu tư thực hiện tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với quy mô sử dụng đất là 50 ha (giai đoạn 1) và thời gian hoạt động 50 năm.

Cuộc đua phát triển hạ tầng KCN cũng thu hút cả những “ông lớn” trong lĩnh vực này khi vào đầu tháng 2/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc cũng công bố sẽ góp 1.080 tỷ đồng thành lập CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên để đầu tư quần thể Công nghiệp - Đô thị lớn tại Hưng Yên.

Không chỉ các doanh nghiệp vào cuộc mà các địa phương cũng đang sẵn sàng “dọn đường” cho việc phát triển các KCN khi tỉnh Bắc Giang vừa được Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp. Theo đó, Bắc Giang được bổ sung mới 3 KCN và mở rộng 3 KCN.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (Khu vực II – giai đoạn 1). Tỉnh Nam Định cũng vừa được Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận.

Cần những bước đi đồng bộ

Trước động thái chỉ trong thời gian ngắn đầu năm 2021, hàng loạt dự án KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như triển khai tại các địa phương, GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng đây là bước đi hợp lý của các địa phương như Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Ninh,… trong việc đầu tư mạnh vào các KCN nhằm chuẩn bị đủ điều kiện có thể đón làn sóng đầu tư sắp tới.

Chia sẻ quan điểm tích cực trước việc “bùng nổ” đầu tư các KCN mới cũng như mở rộng các KCN hiện hữu, tuy nhiên khi trao đổi riêng với DĐDN một chuyên gia cho rằng cần phải có những bước đi đồng bộ từ hạ tầng cứng đến hạ tầng mềm thì các KCN trên mới có thể đem lại hiệu quả, tránh việc bùng nổ quá đà, “bong bóng" KCN.

Cụ thể, về hạ tầng cứng thì Chính phủ cũng như các địa phương cần tính đến phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông, kho bãi logistics, hạ tầng điện, nước… đến nhà ở cho công nhân, các công trình công cộng xung quanh các khu công nghiệp.

Về các yếu tố hạ tầng mềm như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hay cải cách thể chế, đổi mới quy cách phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước để tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh thì lại càng quan trọng và phải được thực hiện quyết liệt hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến cuối tháng 2-2021, tổng vốn đầu tư đăng ký của các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN đạt khoảng 5,3 tỉ USD và 324.900 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư đã thực hiện của các dự án hạ tầng là 2,34 tỉ USD và 152.400 tỉ đồng, bằng khoảng 46,2% tổng vốn đầu tư đã đăng ký.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu công nghiệp

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng 2 khu công nghiệp

    19:33, 01/03/2021

  • Phó Thủ tướng: Tạo điều kiện thu hút các dự án vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái

    Phó Thủ tướng: Tạo điều kiện thu hút các dự án vào Khu công nghiệp Liên Hà Thái

    19:12, 27/02/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng 3 khu công nghiệp

    19:30, 24/02/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang

    19:21, 23/02/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Việt Hàn

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chủ trương kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Việt Hàn

    19:20, 23/02/2021

LÊ SÁNG