Tiếp vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho doanh nghiệp: Thiệt đơn, hại kép
Rõ ràng, quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại KĐT Mỹ Hưng - Cienco 5 đã khiến không chỉ doanh nghiệp dự án, nhà nước mà cả người dân chịu thiệt hại.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã liên tục thông tin, Quyết định điều chỉnh đối tượng giao đất của UBND TP Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5, khiến địa vị pháp lý thay đổi từ Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP, điều này đã dẫn đến thiệt hại cho cả nhà nước, doanh nghiệp dự án và người dân.
Doanh nghiệp “lao đao”
Cụ thể, năm 2007, khi tỉnh Hà Tây chưa được sáp nhập về Hà Nội, dự án đường trục phía Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuyến đường có tổng chiều dài toàn tuyến là 41,5km, bắt đầu khởi công vào năm 2008 giai đoạn 1 với chiều dài 19,9km, giai đoạn 2 có chiều dài 21,6km.
Tổng số tiền sử dụng đất để hoàn vốn cho dự án đường trục phía Nam tính theo hình thức hợp đồng BT là 6.586 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là để hình thành tuyến đường mới, nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện phía nam Hà Nội và kết nối với các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, giảm ách tắc cho tuyến đường Cầu Giẽ - Pháp Vân.
Chia sẻ với phóng viên DĐDN, đại diện Cienco 5 Land cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị này đã đầu tư vốn thực hoàn thành việc xây dựng 20,3km đường trục phía Nam theo Hợp đồng BT; thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Thanh Hà A-Cienco 5; Khu đô thị Thanh Hà B-Cienco 5; thanh toán khoản lợi nhuận khoán và các chi phí đầu tư ban đầu cho Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5. Số tiền doanh nghiệp này đã bỏ ra để thực hiện dự án lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Mặc dù là dự án được Thủ tướng phê duyệt, được miễn giấy phép xây dựng, tuy nhiên tháng 7/2016, khi dự án đang được xây dựng móng tại phần liền kề 13 (diện tích 1.500m2) và lô liền kề 14 (hơn 2.200 m2), dự án đã bị Đội Thanh tra xây dựng quận Hà Đông yêu cầu ngừng thi công vì lý do công trình chưa có giấy phép xây dựng.
Tiếp đó, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định yêu cầu Sở Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở cho khu thấp tầng. Theo đó, từ năm 2016 tới nay, dự án không được xây dựng, quá trình hoàn vốn sau khi thi công giai đoạn 1 trục đường Tây Nam vị "nghẽn", tuyến đường cũng chưa thể đưa vào sử dụng hoàn toàn.
Đáng chú ý, vốn dĩ mục tiêu xây dựng tuyến đường thời điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giảm tải ách tắc cho nút thắt cao tốc Pháp Vân tại quận Hoàng Mai, quốc lộ 1A. Song, bởi những "sự cố" trên, tuyến đường đã bị chậm tiến độ, không thể đi đúng với mục tiêu như sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân ngày một tắc, còn tuyến đường khang trang thì mãi không thể đưa vào sử dụng.
Quyết định trái với quy định pháp luật về đất đai
Trong khi đó, về quyết định hồi tố 5269 của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành về việc điều chỉnh một số nội dung ghi tại Quyết định số 3128/QĐ-UBND ngày 30/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cũng đã nghiễm nhiên biến hàng chục nghìn tỷ đồng mà Cienco 5 Land đã đầu tư những năm qua vào "túi" người khác.
Theo Luật sư Hoàng Việt Hùng, Giám đốc Công ty Luật Uplaw, Đoàn luật sư TP Hà Nội, theo quy định của pháp luật nhà đầu tư không trực tiếp đầu tư dự án BT hoặc BOT mà phải thành lập một pháp nhân thay mặt nhà đầu tư để đầu tư dự án BT, BOT. Năm 2008, việc thực hiện hình thức đầu tư trên của tỉnh Hà Tây là phù hợp chủ trương của Đảng và cách thức giao đất của tỉnh Hà Tây phù hợp với quy định của Luật đất đai 2003.
Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật về đất đai quy định rằng chỉ có 02 phương thức để nhà nước tước QSDĐ hợp pháp của người sử dụng đất, bao gồm: trưng dụng đất và thu hồi đất.
Đối với việc thu hồi đất, nhà nước chỉ được thực hiện thu hồi đất vì 04 lí do: Vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế-xã hội; do vi phạm pháp luật đất đai và chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
“Ngoài các việc trưng dụng đất và thu hồi đất trên, có thể hiểu các hành động khác của cơ quan nhà nước nhằm tước đi quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất đều được xem là trái với quy định pháp luật về đất đai”, Luật sư Hoàng Việt Hùng nói.
Trong khi đó, theo Báo cáo Kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hợp đồng BT của Kiểm toán Nhà nước ban hành ngành 14/10/2020, Kiểm toán nhà nước yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, rà soát hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt điều chỉnh dự án; trên cơ sở điều chỉnh dự án, cùng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện rà soát, điều chỉnh các nội dung hợp đồng BT có liên quan, thương thảo và ký phụ lục điều chỉnh Hợp đồng BT để quản lý, thanh quyết toán công trình BT theo quy định.
Có thể thấy rõ, trong hợp đồng BT, vai trò của UBND TP và hai doanh nghiệp là công bằng, mọi điều chỉnh cần phải được thực hiện dựa trên sự thương thảo giữa ba bên. Rõ ràng, phụ lục hợp đồng chưa có, nên việc điều chỉnh quyết định giao đất, thay đổi tên đơn vị được giao đất là trái với quy định pháp luật về đất đai.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: Không đúng trình tự sẽ để lại tiền lệ xấu!
04:50, 12/12/2020
Hà Nội "hồi tố" gây bất lợi cho doanh nghiệp: “Chủ đầu tư” hay “nhà đầu tư” mới là “chủ” dự án?
11:01, 10/12/2020
Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho doanh nghiệp: Trách nhiệm thuộc về ai?
04:30, 08/03/2021
Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho doanh nghiệp: Thấy gì từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước?
11:00, 06/03/2021
Vụ Hà Nội “hồi tố” gây bất lợi cho Cienco 5 Land: Vi phạm Luật Đất đai
11:01, 21/01/2021